1. Con gái thương yêu của ba! Ngày hôm nay con đã hai ngày tuổi, đã oe oe khóc, đã chùn chụt mút sữa mẹ, đã được xã đảo Trường Sa Lớn chứng nhận khai sinh tên Nguyễn Ngọc Trường Xuân, mẹ và ba đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ rất nhiều người không quen biết cả nước, ba đã có thể bình tâm ngồi viết vài dòng nhật ký...
Thế mà trong ba vẫn chưa hết những sự hồi hộp, dâng như sóng biển tứ phía quanh đảo này. Ba viết lại những dòng này để con gái ba sau này đọc được sẽ biết phút con ra đời, lòng ba bão lớn.
Phóng to |
Sáng hôm ấy nghe mẹ kêu đau bụng, ba vội đưa mẹ đến ngay bệnh xá đảo, rất gần nhà mình con à. Ba tự nhủ lần này sẽ lo cho mẹ thật chu đáo. Sữa, tã, quần áo... ba đã gửi mua trong đất liền. Thức ăn tươi cho mẹ con, ba cũng đã tìm đủ những người quen để gửi mỗi khi có tàu. Chị con vui lắm, tung tăng suốt ngày chờ đón em bé, cả các anh chị hàng xóm nữa.
Mẹ được đưa vào phòng rồi, ba ngồi ngoài chờ nghe tiếng con khóc. Nhưng rồi bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, bệnh xá trưởng, bước ra, vẻ hơi căng thẳng. Bác sĩ đưa cho ba hai tờ giấy, một cây bút, bảo đọc, viết lại rồi ký. Ba đọc. Đó là tờ giấy cam kết để bác sĩ mổ vì con nằm ngôi ngang, lại bị nhau quấn cổ, mẹ có u xơ tử cung.
Ba thấy nước mắt mình rơi xuống tờ giấy ấy mà vẫn chưa hiểu gì. Bác sĩ ghi “cố gắng bóc khối u, không thì phải cắt tử cung”, tại sao lại thế? Sao ba lại không biết sớm hơn để đưa mẹ con con vào bờ tìm bác sĩ chuyên khoa, đến bệnh viện phụ sản? Sao con lại phải ra đời trong khó khăn, ngặt nghèo nhường này? Nếu xảy ra chuyện gì, liệu bệnh xá nhỏ bé, cách biệt này có thể xoay xở để cứu mẹ con con? Làm sao để vào bờ, vào bờ... Ba đã ngồi đó lâu lắm, tay run không viết được chữ nào.
2. Theo ba ra Trường Sa lập nghiệp, mẹ con đã phải chịu thiếu thốn từ cọng rau, chị con lớn lên cũng phải thiệt thòi nhiều so với trong bờ. Nhưng cả nhà mình đã yêu Trường Sa lắm. Từ cây bàng vuông trước cổng đến khoảnh rau muống trồng sau nhà, cây phong ba tự mọc lên che bớt gió cho cây đu đủ. Từ những sáng ba đi lưới cá trên rặng san hô đến những chiều chị con tập xe đạp trên đường băng...
Trường Sa mấy năm nay đã có điện, đã tạm đủ nước ngọt, tàu ra vào cũng thường xuyên hơn khiến ba rất yên tâm. Ba nào ngờ đến một ngày mẹ con con phải đối mặt cơn thập tử nhất sinh mà lại cách bờ tới hàng trăm cây số. Bác sĩ Ngọc đến ngồi bên, nắm tay ba.
Bác sĩ bảo đã có bác sĩ chuyên khoa sản ở Khánh Hòa ra thăm khám cho mẹ. Bác sĩ bảo đã có năm đơn vị máu mới được chuyển trong bờ ra. Bác sĩ kể toàn bộ anh em bộ đội trên đảo đã được thử máu chiều qua, những người cùng nhóm máu đã tập hợp và sẵn sàng hiến máu cho mẹ. Bác sĩ nói đã xin ý kiến hội chẩn trong bờ, và một cầu truyền hình đang được nối với Bệnh viện 175 tận trong TP.HCM để ca mổ tiến hành...
Ba nghe lùng bùng. Cầu truyền hình là gì? Có thật là mẹ con được quan tâm nhiều như thế? Rồi ca mổ sẽ kết thúc như thế nào? Con của ba, mẹ của các con liệu có được an toàn? Bác sĩ Ngọc, bác sĩ Lãn, rồi cả các chú y tá, y sĩ, các chú bộ đội tình nguyện hiến máu đều đến nắm tay ba: “Anh yên tâm, tụi em cố gắng hết sức”. Nước mắt ba lại trào ra, ba tự giận tính yếu đuối của mình. Ba cúi xuống cầm bút ký.
Trăm sự nhờ bác sĩ. Chẳng còn cách nào khác.
3. Ba ngồi chờ. Chị con như linh cảm thấy điều gì cũng không còn đùa giỡn nữa, nép vào bên ba. Nhưng ba không có lòng dạ nào để nói chuyện, ba bảo chị con ra ngoài. Ba rón rén đến nhìn vào khe phòng mổ, một màn hình ở giữa phòng, trên đó có rất nhiều bác sĩ đang ngồi quanh cái bàn lớn, chỉ dẫn cho bác sĩ Ngọc, bác sĩ Lãn bên này.
Ba yên tâm phần nào. Vậy là bác sĩ Ngọc nói thật. Không ngờ mẹ con sinh nở ở nơi xa xôi này mà lại được quan tâm, chăm sóc như thế, sinh mạng con tưởng chỉ là vô giá với ba mẹ, không ngờ lại được bao người nâng niu, lo lắng như thế. Nhà mình còn nghèo, biết lấy gì để trả cái ơn này?
Ba xem đồng hồ. Sao mà lâu làm vậy? Mười lăm, hai mươi, rồi ba mươi phút. Ba không thấy có ai trong đội hiến máu được gọi vào. Các chú ấy cũng đang đi đi lại lại. Ba lại đến khe cửa. Mẹ con vẫn nằm thiêm thiếp. Các bác sĩ lúi húi, cắm cúi. Trên màn hình, nhiều người vẫn đang chỉ dẫn tận tụy, cặn kẽ. Ba lại ngồi xuống ghế...
4. Và kìa, có phải là tiếng khóc của con? Ba đã nghe, đã nghe. Cửa phòng mổ vẫn đóng chặt.
Ba chạy trở lại cửa phòng mổ. Chờ thêm một phút. Một phút dài nhất đời ba. Cửa đã mở, bác sĩ Ngọc bước ra, tươi cười bảo: “Chúc mừng anh”. Bác sĩ Lãn đang bọc con trong chiếc khăn. Con đang khóc, khóc to và khỏe, gương mặt tròn nhỏ, hồng hào dù đã bị nhau quấn cổ hai vòng. Con gái ba thật dũng cảm. Chúng ta chỉ còn chờ mẹ con tỉnh lại nữa mà thôi.
Điện thoại của bệnh xá reo lên không ngừng những lời chúc mừng. Các y bác sĩ nắm chặt tay nhau. Trên màn hình, phía bên kia ba thấy các bác sĩ cũng hồ hởi đứng lên vỗ tay, bắt tay reo mừng. Ba mới biết rằng cùng với ba, mẹ và con, cả bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cũng vừa vượt qua một thử thách. Ở tận ngoài khơi xa này mà gia đình mình cũng không cô đơn.
5. Mẹ tỉnh lại, cười và cho con bú. Ba nhìn mẹ, nhìn con, nhìn các y bác sĩ xung quanh mà lòng lại dâng lên nỗi hối hận. Ba hối hận vì chỉ hai tiếng trước đây ba đôi lúc đã thấy tuyệt vọng. Ba lớn rồi mà hư quá phải không con? Trường Sa đã thương yêu, gắn bó và cho gia đình mình nhiều đến thế, hôm nay lại là mạng sống của con và mẹ. Ba quyết sẽ kể lại cho con cặn kẽ câu chuyện này và hơn thế nữa.
Ba bàn với mẹ, mẹ cười gật đầu, và ba lại cầm bút viết, lần này khi không run tay nữa. Ba đang đặt tên cho con. Tên của con sẽ có cả tên của Trường Sa, của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, bác sĩ Nguyễn Xuân Lãn. Nguyễn Ngọc Trường Xuân, tên con thật đẹp phải không? Con sẽ mãi mãi nhớ câu chuyện này, và sẽ lớn lên, tự hào mình là người Trường Sa con nhé!
________________________
Mưa rất to, biển động dữ dội. Kẻng báo động tàu lạ đang tiến về đảo. Chốc sau trực ban quần áo ướt sũng, ầm ập lao tới, miệng hô to: cấp cứu, cấp cứu...
Kỳ tới: Ca cấp cứu ở Trường Sa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận