07/09/2011 07:12 GMT+7

Ký ức pôngtông

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Hồi đó ra đảo chúng tôi thường ở một tăng (18 tháng), có người ở hai tăng mới được về phép. Còn tôi trải qua bốn cái tết liên tục ngoài đảo, từ lúc là trung úy (năm 1988) cho tới khi về bờ (năm 1991) thì sắp lên đại úy. Cả năm trời không có tàu ra thăm” - trung tá Phạm Hùng Vĩ, khi ấy là trưởng pôngtông (một loại sà lan được neo cạnh các bãi san hô) chốt giữ đảo Đá Đông từ tháng 8-1988, kể.

Kỳ 1: Viết cho Nguyễn Ngọc Trường Xuân Kỳ 2: Ca cấp cứu ở Trường Sa

3tRZr50w.jpgPhóng to
Pôngtông (bìa phải) cạnh nhà lắp ghép tường xây đá chẻ và nhà mái vòm ở Trường Sa - Ảnh tư liệu

Tết sớm

Thứ kết nối duy nhất với đất liền là đài Vec 206 của Liên Xô buộc vào ăngten cột trên “sân thượng” pôngtông. Pin hết lại trút ra, đổ nước muối vào phơi nắng đến tối rồi nghe tiếp. Trước tết năm 1989 nửa tháng, pôngtông DL10 mới có tàu ra cấp một con heo và ít kẹo, mứt ăn tết sớm.

Giao thừa, anh em quây quần bên chiếc đài Vec nghe Chủ tịch nước chúc tết. Nhưng sóng yếu quá, nghe tiếng được tiếng mất. Rồi mọi người thi nhau kể chuyện về quê hương mình, gia đình mình, cả những ước mơ và cùng nhau phá lên cười.

Anh Vĩ nhớ lại những giây phút buồn nhất và cũng lãng mạn nhất: “Cứ trời quang là anh em lên nóc pôngtông ngó qua đảo Trường Sa Đông. Tôi ngồi nhìn về hướng bắc, cố hình dung xa xa tận đường chân trời đó là đất liền. Bao nhiêu nỗi nhớ dành hết cho nhà, cho lũy tre, cho làng xóm, cho hình ảnh những người nông dân trên bờ đê đường làng...”.

Mỗi lần tàu ra chỉ cập đảo mấy tiếng, viết thư không kịp. Anh em buồn quá, nhớ nhà quá cứ viết sẵn thư nhưng không được đề ngày. Phần tái bút nhiều khi dài gấp mấy lần phần thư vì trong thời gian chờ tàu ra lâu quá. Có người gửi một lúc 12 lá thư.

Hồi ấy không có phong bì. Tem thư thì hiếm lắm. Bộ đội tự làm phong bì. Tem thì dặn người nào thân thân: “Nhớ dán giúp cái tem, tôi cho ông ốc nón, cá khô”. “Có người anh em, bố mẹ mất nhưng phải gần năm sau mới nhận được thư người nhà báo” - anh Vĩ khẽ lắc đầu khi nhớ lại quãng thời gian quá nhiều gian khổ ấy. Người chỉ huy ngày ấy chùng giọng khi kể về cô em gái mất hồi tháng 1-1990 nhưng đến cuối năm 1991 anh mới biết tin...

Giữa bốn bề là sóng nước, cách giải trí thông dụng nhất của anh em là đi bắt tôm bắt cá khi thủy triều xuống. “Ngày đó Trường Sa tôm cá nhiều vô kể - anh Vĩ nói - Cá bơi sát mép đảo. Tôm hùm một con 5-6kg, râu dài cả sải tay. Ăn nhiều quá cũng chán, anh em bỏ hết phần thịt, lấy phần vỏ tôm phơi khô làm quà cho tàu ra. Nước lên thì ngồi ngay trên pôngtông câu cá. Tha hồ băm làm chả, rán, luộc, nấu. Sau này anh em chế ra cối giã cá, xay gạo, làm bánh cuốn, chả cá, làm bún...”.

Thương đồng đội ở các đảo khác ăn uống kham khổ quá, nhiều bữa 3g sáng trưởng pôngtông Vĩ đã dậy, khi thì làm bún, khi thì làm bánh cuốn, chả cá... rồi gọi điện thoại để anh em tới hoặc chèo xuồng bơi qua quãng đường dài 3-5 tiếng mang đến cho anh em ở các điểm đảo.

Những người ở “nhà” giữ đảo

Ở trên pôngtông một thời gian, anh Hoàng Văn Thạo lên nhà cao cẳng - cách anh em vẫn gọi vui về thế hệ nhà gỗ năm 1988 ở Trường Sa - của đảo Đá Lớn nhận nhiệm vụ làm đảo phó chính trị. Nhà rộng chừng 30m2, lợp mái tôn. Sàn ghép gỗ. Các phòng không có vách ngăn. Chỉ khi nhân viên cơ yếu làm việc, anh em dùng miếng vải lau súng làm vách ngăn.

“Giường” là sàn gỗ. Tối, anh em trải chiếu nằm chung. Sóng và gió lay nhà rung từng phút. Quần áo anh em bị nước biển làm mục rất nhanh, dù mỗi người đã có thêm hai bộ “quần áo chống rách”. Rách chỗ nào cứ túm lại vá chằng vá đụp.

“Hồi đó không có điện thoại, thư từ cũng khó khăn vì một năm may ra mới có tàu ra một lần. 15 người mà 14 người có thư là một người kia sẽ bỏ ăn, ngồi một góc, mặt buồn hiu. Ai hỏi tới là khóc ngay. Có người đọc thư nhiều tới mức nhàu cả lá thư, bợt nhòa cả chữ”, anh Thạo kể. Có những tờ báo chưa đọc đã bị cắt lủng những miếng vuông hay hình chữ nhật rất cẩn thận. Sau này mới biết đó là hình ảnh những cô gái xinh tươi bị một vài anh chàng láu cá cắt giấu mất trong balô.

Năm 1989, anh em mới được cấp hai băng nhạc Bảo Yến và một máy cassette Philips. Mỗi lần máy hết điện, mọi người phải thay nhau quay gamônô mới có điện nghe tiếp. Cái thời còn đầy rẫy thiếu thốn, anh em chia sẻ cho nhau nghe từng băng nhạc. Một điểm đảo nghe 20-25 ngày rồi chuyển băng cho các điểm đảo khác nghe. Quanh đi quẩn lại chỉ có hai cái băng, anh em nghe cho đến lúc băng nhão nát mới thôi.

Ngày đó đi từ điểm này qua điểm kia trên một đảo hoặc từ đảo này qua đảo khác chỉ có xuồng cao su. Nhưng rồi xuồng cao su cũng bị sụt hơi hoặc bị thủng do va vào đá san hô nhiều lần. Ngoài đảo không có bơm. Thế là người chuyển băng phải đi bộ. Chỉ cần lương khô, bình tông nước và một que sắt làm gậy chống.

“Ớn nhất là đạp trúng san hô non. Nó giòn như bánh tráng, thụt xuống là chân tay bị cắt tơi tả. Đi từ đầu đến cuối đảo mất ba tiếng, còn từ điểm nọ qua điểm kia mất hai tiếng! Phải lựa lúc thủy triều cạn ban ngày mới được đi. Lúc đi nước rút xuống còn lấp xấp ngang đùi, đi một nửa đường thì nước cạn tới cổ chân. Tới nơi chuyển băng cho anh em thì nước đã lên tới đùi, phải ở lại”, anh Thạo kể.

“Còn pôngtông là còn đảo!”

Cũng trong năm 1989 ở đảo Đá Đông, anh Thạo và đồng đội đã chứng kiến cơn bão kinh hoàng nhất trong đời binh nghiệp. Bão và triều cường dồn dập ập đến. Mọi người khuân đá san hô vào các ngăn của pôngtông để đánh chìm nó xuống bãi san hô gần mép đảo.

Nhưng giữa cơn cuồng phong của đại dương, pôngtông mỏng manh như một hạt nước mưa. Anh em đứng trên nhà lâu bền (thế hệ đầu) lo lắng nhìn pôngtông vật lộn giữa mù mịt sóng nước. Chỉ huy đảo gọi qua điện tín: Anh em cố gắng bảo nhau chống chọi đến cùng, đoàn kết giữ vững niềm tin.

Đáp lại là giọng của trưởng pôngtông rất điềm tĩnh và dứt khoát: “Anh em trên đảo cứ yên tâm, còn pôngtông là còn đảo. Kể cả trôi ra biển chúng tôi cũng quyết giữ pôngtông!”.

Khi pôngtông trôi cách đảo 50m thì anh em trên pôngtông không bắt được sóng nữa. Gió bão và sóng bão cắt đứt đường truyền tín hiệu. Một đợt sóng dữ cùng với gió đẩy pôngtông trôi ra tận mép xanh (cách đảo 150m). Pôngtông cứ mờ mờ ảo ảo trôi xa dần, xa dần, cho đến lúc anh em trong đảo không thể nhìn thấy cả cái hình ảnh mờ ảo ấy được nữa.

Giữa những phút giây chết chóc, căng thẳng và ảm đạm đó, ngoài biển vang lên tiếng súng AK bắn chào vĩnh biệt! Trong đảo lặng đi...

Gần ba tiếng sau bão tan. Cả đảo rưng rưng nhìn ra phía biển xa rồi ánh mắt rực lên niềm sung sướng ngỡ ngàng... Pôngtông vẫn bập bềnh giữa nền trời và biển. Gần 180 phút căng thẳng tột độ và vật lộn với sóng, gió, bão, khoảnh khắc mà mọi người cứ ngỡ hãy sống những giây phút cuối vì Tổ quốc thì đột ngột triều cường rút. Gió nhẹ. Sóng dịu. Bão tan! Trên nhà lâu bền, anh em chạy túa ra reo hò, ôm nhau bật khóc.

--------------------------------------------------

Sau một năm công tác ở Trường Sa, tài sản lớn nhất mà một bác sĩ mang về là 7.000 bức ảnh. Cuộc sống ở đảo xa được anh lưu lại bằng những khoảnh khắc ánh sáng đầy hiện thực...

Kỳ tới: Nhật ký đảo bằng hình

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên