06/09/2011 06:40 GMT+7

Ca cấp cứu ở Trường Sa

TẤN ĐỨC(ghi theo lời kể của bác sĩ BÙI ĐỨC THÀNH)
TẤN ĐỨC(ghi theo lời kể của bác sĩ BÙI ĐỨC THÀNH)

TT - 1. Trưa 12-6-2007, trời mưa rất to, biển động dữ dội. Mấy anh em ở trạm xá Trường Sa Lớn đang kiểm tra, bảo quản trang thiết bị thì nghe tiếng kẻng báo động có tàu lạ đang tiến về phía đảo. Chừng 15 phút sau cán bộ trực ban quần áo ướt sũng sầm sập lao tới, hô to: cấp cứu, cấp cứu...

9dhSqdsf.jpgPhóng to
Bác sĩ Bùi Đức Thành (trái) trong một ca cấp cứu bệnh nhân - Ảnh: T.Đức

Kỳ 1: Viết cho Nguyễn Ngọc Trường Xuân

Tạm gác công việc đang làm dở, người mang cáng, người mang dụng cụ cứu thương, chẳng kịp mặc áo mưa chạy theo trực ban. Sóng to, gió mạnh cỡ cấp 7, cấp 8, tạo thành những cột nước khổng lồ trùm sâu vào cầu cảng. Con tàu đánh cá của ngư dân như chiếc lá tre cứ dập dềnh bên ngoài mà không thể cập vô được, bởi chỉ cần một cú va chạm vào thành cầu là tàu có thể vỡ tan.

Tình thế đòi hỏi phải tiếp cận tàu thật nhanh bởi tính mạng bệnh nhân được thông báo rất nguy kịch. Anh Nguyễn Đại Dương, đảo trưởng, người có kinh nghiệm qua mấy chục năm đi đảo, nhanh chóng đưa ra phương án: ra hiệu cho tàu đi vòng về phía sau đảo, nơi ấy sóng nhỏ hơn vì được đảo che chắn, rồi điều những người bơi giỏi nhất ra đưa người bệnh vào.

Để đảm bảo an toàn, mỗi người buộc vào bụng một sợi dây thừng, phòng khi có sự cố thì những người trên đảo sẽ kéo lên. Các chiến sĩ lao ra trong cơn giận dữ của biển cả và nhanh chóng bị sóng dập mất hút. Thời gian trôi qua trong căng thẳng, mọi người đều lo các anh bị sóng quật vào san hô, đá ngầm lởm chởm trên bãi biển. Khi đảo trưởng chuẩn bị phát lệnh kéo dây trở lại thì thấy các anh bám vào mạn tàu, leo lên. Nhưng có tới hai bệnh nhân cần cấp cứu.

Mỗi người được đặt lên một chiếc mảng (kết bằng vật liệu nổi), có ngư dân khỏe mạnh đi theo giữ, còn các chiến sĩ bơi phía sau, tiếp sức đưa mảng vào bờ. Sóng lớn nhiều lần hất tung mảng lên rồi quăng xuống biển, tưởng chừng người bệnh cũng rơi theo. Chỉ đến khi mảng được kéo lên bãi cát, thấy bệnh nhân còn thở, mọi người mới ôm chầm lấy nhau, tiếp tục nuôi hi vọng...

Bác sĩ Bùi Đức Thành sinh năm 1977 tại TP Hải Phòng. Trong thời gian công tác tại đảo Trường Sa Lớn (tháng 1-2007 đến tháng 1-2008) anh đã hai lần đưa ba bệnh nhân nặng từ đảo vào đất liền điều trị trong điều kiện sóng to gió lớn. Cả ba trường hợp đều được cứu chữa thành công, bệnh nhân hồi phục tốt.

2

. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa về trạm xá. Tìm hiểu nguyên nhân tai nạn, chúng tôi được những người đi cùng cho biết trước đó một ngày, hai ngư dân này lặn sâu khoảng 40m để bắt ốc biển. Trong khi lặn, ống cung cấp oxy đột nhiên bị đứt. Lúc được kéo lên thuyền họ đã bất tỉnh, liệt tứ chi. Qua khám bệnh và hội chẩn, chúng tôi xác định bệnh nhân bị giảm áp gây tắc mạch máu.

Trong đó bệnh nhân Bùi Trận, 37 tuổi, quê ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, huyết áp tụt, liệt toàn thân, tiên lượng tử vong. Với tinh thần “còn nước còn tát”, anh em trạm xá lập tức cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch nâng huyết áp. Trong điều kiện trang thiết bị hạn chế, không có máy theo dõi nhịp tim, không phương tiện xét nghiệm, chúng tôi phải dùng kinh nghiệm là chính, cắt cử nhau “lấy người thay máy” theo dõi mạch huyết áp của bệnh nhân, ghi nhận nhịp tim, thở trong từng phút, từng giờ.

Thời gian trôi qua trong không khí căng thẳng tột độ. Ngoài trời vẫn mưa bão ầm ầm. Từng cơn gió thốc qua lạnh buốt. Phòng cấp cứu của trạm xá tối om. Không điện, cũng chẳng thể thắp đèn dầu. Anh em dùng đèn pin, khi nào cần thiết mới bật lên. Quần áo, chăn màn được mang ra nhường hết cho bệnh nhân và những người đi cùng. Cả đảo thao thức ngóng tin từ trạm xá, không ai ngủ được, dù không quen biết gì với người bị nạn. Cứ 30 phút, đảo trưởng lại khoác áo mưa đi bộ từ nhà chỉ huy xuống trạm xá hỏi thăm tình hình, động viên chúng tôi.

Liên tục mấy ngày đêm điều trị tích cực, bệnh nhân từ hôn mê sâu đã mở mắt, huyết áp ổn định nhưng vẫn còn liệt tứ chi. Anh em các bộ phận khác trên đảo, người đem đến quả trứng gà, hộp thịt, cá, muỗng đường, thay nhau nấu cháo nghiền nhỏ bơm vào dạ dày cho bệnh nhân. Người bệnh không cử động được chân tay nhưng nhiều lúc thấy đuôi mắt họ ngấn lệ. Chúng tôi hiểu họ đã tỉnh và nhận thức được những gì chúng tôi đang làm, đang nói. Khi nhận được thông báo tình hình bệnh nhân, anh em toàn đảo vui vẻ hẳn lên, từng đơn vị tấp nập tới thăm. Họ gặp bệnh nhân, gặp anh em ở trạm xá động viên, chúc mừng, gửi những lời thăm hỏi, động viên hệt như người nhà của họ vậy.

3. Mười ngày sau sức khỏe của hai ngư dân đã khá hơn, nhưng bệnh nhân Bùi Trận vẫn còn rất nặng. Tình trạng liệt toàn thân cần được đưa vào bờ điều trị, nếu không sẽ để lại những di chứng nặng nề. Nhưng ai đưa bệnh nhân đi và đi bằng phương tiện gì là một vấn đề hết sức nan giải, vì mưa bão đã giảm nhưng sóng còn duy trì ở cấp 7, cấp 8. Bệnh nhân không thể đi bằng tàu đánh cá vì như thế sẽ rất nguy hiểm, lại càng không thể không có nhân viên y tế đi theo. Chỉ huy đảo xin ý kiến ở đất liền, tàu cứu hộ của Vùng 4 hải quân được điều ra ứng cứu và tôi được phân công đi theo chăm sóc hai bệnh nhân.

Quãng đường chuyển bệnh dài mấy trăm hải lý, phải mất tới ba ngày ba đêm hành trình giữa sóng to biển động, người bình thường đi biển trong điều kiện đó có khi còn đổ bệnh, huống hồ người bệnh nặng! Nhưng không thể chờ đợi thêm ngày nào nữa. Trước khi chuyển bệnh nhân, tôi đã xuống tàu thử nằm lên giường. Sóng đánh con tàu lắc lư, người tôi cứ nghiêng qua lật lại, nếu không được “nêm” hai bên chắc đã rơi xuống sàn.

Làm thế nào để giảm chấn động cho bệnh nhân? Tôi chợt nhớ cảnh đi xe buýt. Nếu xe chở càng đông, càng chật thì người ta càng ít bị mất thăng bằng mỗi khi xe dừng gấp. Thế là tôi quyết định để bệnh nhân nằm cáng, rồi đặt cáng lên giường, phía dưới lưng và hai bên chèn thật nhiều chăn gối để cố định.

Vậy là tạm ổn, nhưng ba ngày đêm trên biển với tôi như dài ra mãi. Người tôi căng ra như sợi dây đàn, không muốn ăn mà cũng không có cảm giác buồn ngủ. Tôi ngồi cạnh bệnh nhân, nhìn đăm đăm vào cúc áo trên ngực họ để theo dõi nhịp thở. Lo bệnh nhân nôn ói, tôi không dám cho họ ăn nhiều mà chia nhỏ khẩu phần, cách ba giờ lại bơm một lần...

Những thời khắc khó khăn nhất rồi cũng qua. Khi tàu cập cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), hoàn thành nhiệm vụ chuyển bệnh nhân đến nơi có điều kiện chăm sóc tốt hơn tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Trước lúc chia tay, bệnh nhân Bùi Trận vẫn chưa thể nói, chưa thể cử động, anh chỉ nhìn tôi ứa nước mắt. Tôi nắm chặt tay, chúc anh chóng bình phục rồi xuống tàu quay lại đảo tiếp tục nhiệm vụ còn dang dở...

_____________

Khi pôngtông trôi cách đảo 50m thì anh em trên đó không bắt được sóng nữa. Gió bão cắt đứt đường truyền tín hiệu. Pôngtông cứ trôi xa dần, xa dần... cho đến khi người trên đảo không nhìn thấy gì. Ngoài biển vang lên tiếng súng AK bắn chào vĩnh biệt. Đảo lặng đi...

Kỳ tới: Ký ức pôngtông

TẤN ĐỨC(ghi theo lời kể của bác sĩ BÙI ĐỨC THÀNH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên