Ngày hi sinh, người anh hùng 23 tuổi ấy vẫn chưa kịp biết ở quê nhà xóm Đơn Sa, xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) người vợ hiền của mình đang mang thai cô con gái Trần Thị Thủy. Và càng không thể nghĩ 22 năm sau cũng chính trên vùng biển anh đã ngã xuống, một lá đơn xin vào quân ngũ đã được viết từ chính núm ruột mà anh chưa một lần biết mặt.
Phóng to |
Thủy đứng trước tấm ảnh chân dung của cha - anh hùng Trần Văn Phương, trong phòng truyền thống Lữ đoàn 146 - Ảnh: Viễn Sự |
Trùng phùng trên biển Sinh Tồn
Trung úy, anh hùng Trần Văn Phương nhập ngũ năm 1983. Ngày 11-3-1988 anh được điều ra đảo Gạc Ma trên con tàu HQ 604 làm nhiệm vụ. Ngày 6-1-1989, liệt sĩ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Con tàu HQ 936 ra thăm Trường Sa cuối tháng 4-2010 như bao chuyến hải trình ra Trường Sa khác được ghi nhật ký hải trình rất đều đặn. Nhưng có một cuộc trùng phùng lặng lẽ, gần như không thành viên nào trên tàu nhìn thấy khi tàu đi qua biển Sinh Tồn đã không được ghi lại trong nhật ký hải trình.
Đó là khoảnh khắc tàu ngang qua tam giác Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, khi mọi người trên tàu đang háo hức dõi mắt hướng về đảo Sinh Tồn nơi tàu sắp cập bến thì trên boong tàu cao nhất cô văn thư của UBND huyện Trường Sa Trần Thị Thủy lại dõi mắt về hướng nơi cha mình đã hi sinh trong cuộc chiến giữ chủ quyền 22 năm trước.
Lúc đó trời đã gần trưa, nắng chói chang trên boong tàu, sóng dập nghiêng ngả nhưng Thủy đứng như câm lặng, vịn chặt vào lan can tàu, không chớp mắt nhìn về Gạc Ma còn cách tàu vài hải lý. Ngày bố hi sinh, Thủy chỉ mới là hình hài hai tháng tuổi trong bụng mẹ. Nhưng tất cả ký ức từ lời kể của đồng đội, từ những cuốn sách viết về bố mà Thủy đọc đều ùa về trong thời khắc này.
Đó là câu chuyện mà các chú trong Lữ đoàn 146 mỗi dịp về thăm hai mẹ con kể lại rằng bố Phương là người giữ lá cờ, đã hi sinh đầu tiên khi hứng trọn loạt đạn của kẻ thù... Lá cờ ấy sau khi bố Phương hi sinh đã tiếp tục được chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh tiếp sức giành lại, rồi nhiều đồng đội khác của bố ôm chặt nhưng cũng không thoát khỏi lưỡi lê và làn đạn hung bạo của kẻ thù.
Những phút giây hồi tưởng ngay tại vùng biển cha mình ngã xuống làm nước mắt Thủy ràn rụa. Nhờ sóng điện thoại từ đảo Sinh Tồn, Thủy gọi điện về cho mẹ ở Quảng Bình. Từ đầu dây bên kia, sau tiếng nấc của Thủy: “Mẹ ơi! Con đến nơi bố nằm rồi...” thì mẹ Thủy - cô giáo mầm non Mai Thị Hoa - chỉ biết nghẹn ngào không cất nổi lời nào. Và cũng như con gái, trong thời khắc ấy ký ức về người chồng, về những tháng ngày ngắn ngủi trước khi anh Phương ra Trường Sa lại ùa về.
Ký ức ấy có bức thư cuối cùng được gửi từ Cam Ranh vào cuối tháng 2-1988, viết vội vàng trên một mặt giấy kẻ ngang với lời nhắn: “Đợt này anh đi công tác gấp, chưa biết khi nào về. Địa chỉ chưa rõ ràng nên em đừng viết thư hồi âm...”. Bức thư như một điềm báo, khi trước đó anh Phương đã theo tàu ra Trường Sa, nhưng vì sóng dữ phải quay lại bờ để kịp ghi cho vợ những dòng chữ thân yêu cuối cùng.
Mãi nhiều tháng sau, lá thư cuối cùng của anh Trần Văn Phương mới về đến xóm Đơn Sa, cùng ngày với tấm giấy báo tử... Ký ức ấy còn là giây phút đau đớn nhận tin chồng hi sinh. Đó là một buổi trưa rét cuối mùa, cô giáo Mai Thị Hoa trên đường đi dạy ở lớp mẫu giáo về thì nghe trên loa phóng thanh bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật về sự kiện CQ-88. Và khi đọc đến tên những người lính ngã xuống có trung úy Trần Văn Phương ở xã Quảng Phú thì cô Hoa ngã quỵ.
Khi những ký ức của gia đình anh hùng Trần Văn Phương vừa kịp trùng phùng trên vùng biển Sinh Tồn sau 22 năm thì cũng là lúc tàu HQ 936 cập cảng đảo Sinh Tồn. Từ boong tàu cô gái Trần Thị Thủy lại lặng lẽ giấu nước mắt trở về buồng. Và khi mọi người đang hối hả lên xuồng trung chuyển vào đảo thì Thủy ở lại tàu, bất chấp những con sóng nghiêng ngả, Thủy nắn nót từng nét chữ trên mặt giấy A4, viết đơn xin vào quân ngũ.
Lá đơn vượt cấp
Lá đơn của Thủy sau nhiều lần nhờ các chị phóng viên cùng buồng chỉnh sửa đã được đưa thẳng lên buồng chỉ huy tàu HQ 936, gửi trực tiếp cho chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh - phó tư lệnh Quân chủng Hải quân - vào 8g tối 24-4-2010. Đó có lẽ là lá đơn đặc biệt nhất mà trong những năm tháng quản lý binh nghiệp chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh nhận được.
Một lá đơn không theo đường quân bưu, được gửi ngoài giờ hành chính, ngay trên vùng biển Trường Sa. Và nếu đúng quy định lá đơn ấy sẽ bị từ chối ngay vì đã gửi vượt cấp, thay vì phải được gửi từ cấp lữ đoàn chứ không phải gửi trực tiếp cho lãnh đạo quân chủng. Nhưng tất thảy những điều ấy đã không làm chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh cảm thấy phiền lòng. Ngay trong đêm ấy ông đã ký tắt và phê chuẩn vào lá đơn của Thủy, yêu cầu Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa) - Vùng 4 Hải quân tiếp nhận Thủy vào lữ đoàn công tác.
Cho đến giờ chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh có thể vẫn chưa được Thủy kể về giây phút trùng phùng lặng lẽ trên boong tàu 936 - thời khắc đã thôi thúc Thủy viết lá đơn vượt cấp gửi đến ông. Nhưng hành trình của con gái người đồng đội Trần Văn Phương tìm cách để ra với Trường Sa đã đủ để ông cảm động và quyết định.
Hành trình ra với Trường Sa ấy không phải chỉ mới bắt đầu trên chuyến tàu HQ 936, mà mong muốn được công tác tại Trường Sa đã ấp ủ trong Thủy từ ngày còn đi học. Năm 2008, khi đang học năm cuối Đại học Quảng Bình, Thủy đã vào Cam Ranh tìm gặp các chú lãnh đạo Lữ đoàn 146 bày tỏ nguyện vọng muốn được làm việc tại lữ đoàn của bố Phương năm xưa.
Và nhờ sự giúp đỡ của đại tá Nguyễn Đức Vượng - chính ủy Lữ đoàn 146 (nay là phó chính ủy Vùng 4 Hải quân), Thủy đã được vào làm ở bộ phận thống kê UBND huyện Trường Sa khi vừa ra trường. Nhưng chừng đó vẫn chưa làm Thủy thỏa lòng vì chỉ được công tác ở bộ phận dân sự. Chỉ đến sau giây phút ngang qua bãi đá Gạc Ma nơi bố Phương và các đồng đội đã ngã xuống để giữ chủ quyền Trường Sa, Thủy mới quyết định viết lá đơn vượt cấp.
Bây giờ thì Thủy đã là nhân viên bộ phận văn thư Lữ đoàn 146 gần một năm, chỉ vài tháng nữa là đủ thâm niên để được chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp. Hành trình đến với Trường Sa sắp sửa tới đích. Nhưng Thủy nói cái đích sắp sửa ấy chỉ kết thúc một chặng tiếp nối từ hành trình của bố Phương. Phía trước Thủy là Trường Sa, là quãng đời binh nghiệp tiếp nối từ lá cờ của bố.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Viết cho Nguyễn Ngọc Trường XuânKỳ 2: Ca cấp cứu ở Trường SaKỳ 3:Ký ức pôngtôngKỳ 4: “Nhật ký đảo” bằng ảnhKỳ 5:Thư từ đại dươngKỳ 6:Nhật ký ở đảo Phan VinhKỳ 7: Bảo vệ ngọn cờKỳ 8:Tình đồng đội
____________________
Kỳ tới: Ngọn hải đăng dẫn đường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận