10/09/2011 02:55 GMT+7

Nhật ký ở đảo Phan Vinh

TRỊNH NGỌC LINH (Trà Giang lược trích)
TRỊNH NGỌC LINH (Trà Giang lược trích)

TT - Trích nhật ký của chiến sĩ hải quân Trịnh Ngọc Linh, sinh năm 1977, quê xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) hiện công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa - từng có một thời gian dài công tác ở Trường Sa.

a5Cj4NAS.jpgPhóng to

Trịnh Ngọc Linh (giữa) cùng đồng đội tại đảo đá lớn B thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: Trà Giang

Bài học lịch sử đầu tiên

Đảo chìm Phan Vinh B, 10-1-2005. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, mình cũng đã gần đến được đảo Phan Vinh B. Trước khi ra đảo, mình chưa hình dung đảo sẽ như thế nào. Lần đầu tận mắt nhìn thấy đảo như một bãi san hô nổi trên mặt nước, trên đó là những hầm công sự, vọng gác, nơi ăn ngủ của các chiến sĩ.

Mình đã thấy khỏe hơn, không còn say sóng nữa. Buổi sáng, tàu chạy từ đảo Phan Vinh B sang Sinh Tồn rồi ghé đảo Len Đao và dừng lại ngay vị trí xảy ra chiến sự năm 1988 làm chìm tàu vận tải và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh. Đồng chí trưởng tàu cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu quân phục chỉnh tề làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh.

Mình cảm thấy xúc động bởi nhiều đồng đội hi sinh khi ấy có lẽ chỉ bằng tuổi mình bây giờ với bao ước mơ, hoài bão và dự định cho tương lai...

Phan Vinh 23-1. Sáng nay thủy triều xuống thấp, toàn bộ đảo đã nổi lên khỏi mặt nước, đây là thời điểm lý tưởng để đi bắt cá bò; loại cá có hai cạnh sắc nhọn phần đuôi như dao cạo, đeo bao tay rồi nhưng nếu cầm không chắc sẽ bị cắt đứt bao tay.

Lần đầu tiên mình được đi biển bắt cá. Mặc dù đã biết bơi từ nhỏ, nhưng mọi người nói ở biển có nhiều cái khó lường lắm, không như bơi hồ nên không thể chủ quan, phải làm quen dần dần. Trong đội đi đánh cá có anh Tấn là người có nhiều kinh nghiệm. Anh đã ở Trường Sa được năm năm, mọi người nói anh là “mắt thần” của đảo. Nhìn từ xa anh đã biết đàn cá đang ăn và thả lưới chính xác.

Không những thế, không cần rađa anh cũng nhận dạng tương đối chính xác các mục tiêu trên biển. Hôm nay chỉ đuổi bốn đàn mà được gần 200 con cá bò. Mỗi con bằng bàn tay xòe, nặng chừng 1,2-1,5kg, năm người thay nhau kéo cá về mà cũng mệt đừ. Mình chưa quen nên đi vào chỗ san hô cành, bị xước mấy chỗ ở chân.

Chừng này cá, cả đảo chắc ăn một tuần không hết vì không phải ngày nào cũng đi biển được mà còn phải huấn luyện, và quan trọng hơn nữa là không đi biển khỏi phải tắm để tiết kiệm nước ngọt. Bắt đầu vào mùa khô rồi nên 2-3 tuần mới được tắm một lần và mỗi lần tắm chỉ được một xô nước khoảng 10 lít, tắm cũng phải biết cách nên chừng đó nước mới đủ.

Tết đảo

Đảo Phan Vinh B - 30 tết. Hôm nay mới thật sự có không khí tết cổ truyền, sáng nay đảo gói bánh chưng, bánh giò chuẩn bị ăn tết. Tất cả mọi người đều phấn khởi, mỗi người mỗi việc nhưng vẫn phải cảnh giác canh giữ đảo nên vị trí gác không thể bỏ trống. Sống ở đảo lâu nên anh em có kinh nghiệm.

Những chiếc lá dong được chuyển từ đất liền ra từ hơn nửa tháng trước, nếu để nguyên sẽ bị mục nên anh em chọn những lá đẹp buộc vào ống nhựa tròn để khô tự nhiên. Hôm nay đem luộc lại nên lá rất dai, có điều bánh chưng sẽ không được xanh. Nhưng với người lính đảo như vậy là quá tốt rồi. Những chiếc bánh chưng vuông vắn, mâm ngũ quả và cành mai nhân tạo được ghép từ những vỏ sò, ốc sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà.

Trưa nay, bữa cơm tất niên vui và ấm cúng, đảo nhộn nhịp hơn khi đón một số ngư dân Quảng Ngãi đánh cá không kịp về quê ăn tết ghé vào thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Những ngư dân vì mưu sinh, giữa biển khơi gặp những ngày sóng lớn nên không thể về đất liền, anh em trên đảo rất vui khi tiếp khách vào những thời điểm như thế này.

Mặc dù đang thiếu nước ngọt, nhưng anh em cũng đã giúp đỡ ngư dân 200 lít, lương thực và bánh kẹo để họ đón tết. Cũng nhờ vậy, anh em đã nhờ các ngư dân khi nào về đất liền gửi thư để báo cho gia đình biết về sức khỏe cũng như tinh thần đón tết tại đảo.

Đêm giao thừa: Vậy là đã bước sang năm 2005, âm lịch. Hôm nay, đảo tổ chức văn nghệ hái hoa dân chủ, do anh đảo phó văn nghệ phụ trách nên rất vui. Anh khéo kết hợp các chủ đề tình yêu, cuộc sống và công tác sẵn sàng chiến đấu của người lính Trường Sa khiến không khí trên đảo vui nhộn, đầm ấm, đoàn kết, cởi mở và gần gũi. Mình chúc anh em trên đảo mãi mãi đoàn kết như bây giờ, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đêm giao thừa về khuya, trên vọng gác hai chiến sĩ vẫn nghiêm trang dõi mắt về biển xa, số còn lại đã chìm vào giấc ngủ. Tiếng sóng biển như vẫn ầm ào vỗ vào bờ kè của đảo. Mình không ngủ được vì nhớ nhà nên muốn lưu lại một chút gì đó để nhớ mãi kỷ niệm về cái tết đầu tiên giữa biển trời Trường Sa.

Phải nói rằng người lính đảo có bản lĩnh, nghị lực kiên cường, xác định rõ nhiệm vụ nên dù có những lúc nhớ về gia đình, người thân nhưng đều gác qua một bên để đón giao thừa thật ấm cúng, vui vẻ. Mồng 1 và mồng 2 tết, đảo tiếp tục tổ chức các trò chơi như ném vòng cổ chai, ném bóng bàn vào chậu và thích nhất là chương trình “Ai là triệu phú” phiên bản Phan Vinh B do anh đảo phó chính trị mô phỏng, vận dụng từ chương trình của đài truyền hình Việt Nam (VTV3).

Sau nửa ngày kiểm tra, chúc tết và chứng nhận công tác bàn giao, chỉ huy của đảo, chiều nay tàu đã rời Phan Vinh để sang đảo Tốc Tan. Giờ đây, mình mới có thời gian nghỉ ngơi và quan sát mọi việc trên đảo. Cảm giác chóng mặt khiến mình nhìn vật gì cũng lắc lư, chao đảo. Mọi người nói đó là say đất phải 2-3 ngày mới hết.

Mỗi lần tàu đất liền ra như tiếp thêm sinh khí cho những người lính đảo. Sáu tháng nay mọi người mới biết được thông tin về gia đình, người thân. Nghe mọi người cười nói, thông báo thông tin từ đất liền ra, mình cảm thấy vui và phấn chấn. Nhưng vui nhất có lẽ là anh Đảm (y sĩ) nhận được tin vợ sinh con trai đầu lòng bốn tháng rồi, lại có cả ảnh của cháu nữa. Ngày anh ra đảo, chị mới mang bầu tháng thứ 6.

Chiều nay anh em trên đảo chuẩn bị bữa cơm giao lưu và chào đón các chiến sĩ mới từ đất liền ra. Những con cá bò to bằng bàn tay xòe được bắt từ biển nhốt sẵn trong lồng đem ra luộc chín đãi khách. Còn mọi người ở đảo thích nhất món cà muối và bí xanh luộc vì thời gian này biển động, hơi biển mặn theo gió tạt lên đảo nên rất hiếm rau xanh, đã lâu rồi mọi người không được ăn một bữa rau xanh thoải mái.

Không khí ấm cúng của bữa cơm đầu tiên kết hợp với khí hậu mát mẻ của biển cả làm mình có cảm giác ấm cúng như một gia đình. Anh em đã ở lâu trên đảo nhiệt tình giúp anh em mới ra sắp xếp tư trang, chỗ ngủ nghỉ. Tối nay mình lại tự nhận trực gác tăng ca để mọi người mới ra được nghỉ ngơi lấy lại sức. Với những con người như thế này, chắc chắn sẽ xây dựng được một “gia đình Phan Vinh B” đoàn kết, đầm ấm, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Viết cho Nguyễn Ngọc Trường XuânKỳ 2: Ca cấp cứu ở Trường SaKỳ 3:Ký ức pôngtôngKỳ 4: “Nhật ký đảo” bằng ảnhKỳ 5:Thư từ đại dương

_______________________

Những khoảnh khắc được ghi lại từ sự kiện hải chiến ngày 14-3-1988, tàu hải quân 505 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngọn cờ chủ quyền trên đảo Cô Lin.

Kỳ tới: Bảo vệ ngọn cờ

TRỊNH NGỌC LINH (Trà Giang lược trích)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên