31/01/2021 11:42 GMT+7

Nhà thiết kế Diego Chula: Tôi yêu tết và biết ơn nền văn hóa Việt

THIÊN ĐIỂU thực hiện
THIÊN ĐIỂU thực hiện

TTO - Nhà thiết kế người Tây Ban Nha Chula (Diego Chula) nói chính nền văn hóa giàu có phi thường của người Việt và đời sống hằng ngày rất thú vị ở Việt Nam đã nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo bất tận trong ông.

Nhà thiết kế Diego Chula: Tôi yêu tết và biết ơn nền văn hóa Việt - Ảnh 1.

Nhà thiết kế Diego Chula và thiết kế lấy cảm hứng từ thổ cẩm trình diễn tại rừng thông tỉnh Đắk Nông năm 2020 - Ảnh: NVCC

Chula từ lâu đã là cái tên rất thân thuộc trong làng thiết kế thời trang Việt Nam, và không chỉ thế. Studio của ông ở Hà Nội từ nhiều năm nay đã trở thành một điểm hẹn văn hóa nghệ thuật của công chúng thủ đô khi nơi đây thường xuyên diễn ra những buổi trình diễn thời trang, âm nhạc từ truyền thống đến đương đại. Ông còn tham gia các dự án nghệ thuật công cộng làm đẹp cho Hà Nội.

Chula lại vừa khiến công chúng kinh ngạc với những thiết kế họa tiết tuyệt đẹp ông tạo ra từ những chi tiết đời thường mà ông bắt gặp ngoài đường phố như những viên than tổ ong đang được phơi khô, những chồng gạch nơi công trường, đũa và muỗng đang phơi trong chiếc rổ nhựa, bó nhang đang phơi trên giàn, lồng chim treo nơi khu vườn nhỏ trong thành phố, những vòng vỏ bưởi phơi trên những trang báo cũ, cá khô phơi nắng...

Thấy vẻ đẹp từ những thứ bình thường

* Làm thế nào ông có thể biến tất cả những thứ rất Việt Nam và tưởng chừng như rất "tầm thường" thành những họa tiết trang trí đẹp mắt như vậy? Chắc hẳn ông phải rất yêu Việt Nam và đã rất chăm chú quan sát dòng chảy đời sống hằng ngày ở đây?

- Đúng như bạn nói, mọi thứ đều bắt đầu từ tình yêu của tôi đối với văn hóa Việt Nam và cuộc sống đời thường ở Việt Nam. 

Tôi cố gắng nhìn cuộc sống như một đứa trẻ, không có bất kỳ định kiến ​​nào. Với đôi mắt trẻ thơ không định kiến ấy, bạn có thể nhận ra một điều đơn giản mà chúng ta nhìn thấy hằng ngày đôi khi lại có vẻ đẹp như một bức tranh trong những viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới. 

Ngay cả những thứ rất bình thường như những viên than tổ ong hay viên gạch... đều đang viết nên một câu chuyện đẹp về một đất nước luôn vượt lên nghịch cảnh và ngưỡng mộ cái đẹp.

* Ông đã ở Việt Nam bao lâu rồi? Có vẻ như Việt Nam đã cho ông rất nhiều thứ?

- Tôi đến Việt Nam gần 20 năm rồi, từ năm 2004. Và đúng là Việt Nam cho tôi rất nhiều điều tuyệt vời. Tôi phải cảm tạ nền văn hóa phi thường của các bạn và sự hào phóng của người Việt Nam.

* Trong khi các nghệ sĩ Việt Nam dường như chưa nhìn thấy hết sự giàu có của nền văn hóa mà mình thuộc về?

- Những nghệ sĩ Việt Nam mà tôi yêu thích thực sự đánh giá cao nền văn hóa của họ và chính họ đã dạy tôi rất nhiều điều. Tất nhiên cũng giống như ở tất cả các nước, có những người thích thứ gì đó của Pháp, Mỹ và Nhật hơn, và họ không đánh giá cao văn hóa riêng của mình. Tôi thực sự rất buồn khi ai đó nghĩ như vậy, nhưng tôi lạc quan vào tương lai.

Đưa trình diễn thời trang ra phố với người lao động

* Ông có thích tết Việt không? Ông thường làm gì vào dịp tết?

- Tất nhiên tôi rất yêu tết. Không chỉ yêu những tuần trước tết khi mọi người đều tất tả cố gắng hoàn thành mọi công việc trong năm và thành phố trở nên rất náo nhiệt, tôi còn yêu cả những ngày tết yên ả lạ thường ở Hà Nội.

Trong 17 năm sống ở Việt Nam chỉ có 2 năm chúng tôi về Tây Ban Nha vào dịp tết, còn thì gia đình tôi đón tết ở Việt Nam. Có năm chúng tôi đi du lịch đến các thành phố khác ở Việt Nam hoặc một thành phố châu Á nào đó, nhưng thường thì chúng tôi thích đón tết ở Hà Nội giống như năm nay với một cành đào trong nhà, tất nhiên rồi.

* Ông đang có kế hoạch tổ chức một buổi trình diễn thời trang ở ngay một con phố nhỏ của những người dân lao động bên bờ sông Hồng, mở cửa cho tất cả người dân tới xem, một ý tưởng rất thú vị?

- Buổi trình diễn thời trang dự định tổ chức vào chiều 31-1 tại một con phố nhỏ nơi có dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, tuy nhiên đã phải hủy bỏ vì COVID-19, nhưng chúng tôi hi vọng nó sẽ sớm được tổ chức. Buổi trình diễn này chúng tôi sẽ giới thiệu những thiết kế qua nhiều năm của tôi để cùng tôn vinh sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Đây là dự án rất quan trọng đối với chúng tôi vì chúng tôi muốn cho thấy thời trang trong thế giới thực, trên đường phố của một khu phố bình thường ở Việt Nam. Chúng tôi muốn trình diễn thời trang không chỉ ở những nơi sang trọng như khách sạn 5 sao, mà còn muốn mang chúng tới những nơi thực sự là trái tim của Hà Nội. 

Con phố ở Phúc Tân có rất nhiều thứ đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, như cây cầu Long Biên cổ kính, khu chợ truyền thống, dòng sông Hồng với trầm tích lịch sử ngàn năm, những gánh hàng rong, những đứa trẻ hồn nhiên và không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân thật đặc biệt.

chula 1 8(read-only)

Nhà thiết kế Diego Chula bên bức tranh tường mà ông đã vẽ ở dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - Ảnh: NVCC

* Trên tác phẩm tranh tường của ông ở không gian của dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân bên bờ sông Hồng, ông đã biến những chiếc bu gà ở chợ đêm Long Biên thành những chao đèn rất đẹp - một sáng tạo bất ngờ. Chắc ông từng lang thang qua các khu chợ truyền thống ở Hà Nội?

- Ở Việt Nam mọi thứ đều có thể có hai chức năng trở lên, ví như ghế để ngồi nhưng đồng thời cũng được dùng làm bàn để uống trà ở các quán nước vỉa hè, các quán cà phê phố cổ ở Việt Nam. Hay chiếc xe máy có thể trở thành một chiếc giường trên hè phố cho một giấc ngủ ngắn của người lái xe...

Đây là lý do để tôi có ý tưởng biến những chiếc bu gà thành những chụp đèn đường đẹp mắt. Và tất nhiên những chuyến ghé thăm các khu chợ truyền thống rất quan trọng đối với việc nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo hằng ngày của tôi.

Mang văn hóa Việt ra thế giới với emoji Mang văn hóa Việt ra thế giới với emoji 'Nhỏ to Việt Nam'

TTO - Bộ biểu tượng cảm xúc sử dụng trong các tin nhắn điện tử và website (emoji) "54 dân tộc anh em" là một phần trong dự án "Nhỏ to Việt Nam" của Nguyễn Minh Ngọc (27 tuổi), du học sinh Việt tại Singapore.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên