27/06/2020 15:38 GMT+7

Những nét văn hóa Việt đậm đà ở miệt vườn Nam Sông Hậu

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhiều nội dung phong tục của người Việt theo bước chân lưu dân mở đất từ nhiều đời nay đã đứng chân và phát triển đậm đà nơi vùng đất phương Nam, vừa được giới thiệu trong công trình khảo cứu 'Phong tục miệt Nam Sông Hậu'.

Những nét văn hóa Việt đậm đà ở miệt vườn Nam Sông Hậu - Ảnh 1.

Một góc khu vườn mộ tộc Trần ở Bạc Liêu - Ảnh: L. ĐIỀN

Theo cắt nghĩa của tác giả - thạc sĩ Trần Minh Thương, khái niệm Miệt Nam sông Hậu dùng để chỉ vùng văn hóa của các địa phương nằm ở phía nam sông Hậu, bao gồm các tỉnh thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang.

Và phong tục chính là những gì bền vững còn lại gắn với sinh hoạt vòng đời người được cộng đồng cư dân trên một địa bàn thừa nhận và lưu giữ. Không chỉ thế, có những tập tục mang nhiều tầng ý nghĩa rất đáng trân trọng.

Từ tập tục đặt tên cho trẻ sơ sinh đến quan niệm gọi thứ

Tập sách giới thiệu những tập tục từ khi một đứa bé sinh ra, nghi thức đặt tên cho trẻ sơ sinh vẫn còn duy trì thế nào, đến khi lớn lên, phong tục cưới xin, làm dâu, ở rể, cả cách hiểu và cách nghĩ về chuyện làm lẽ (vợ bé), chuyện "đi bước nữa", tập tục ngày tết, con cái ra riêng, vấn đề đất hương hỏa, những nghi thức liên quan đến người mất...

Chẳng hạn như phong tục đặt tên cho trẻ sơ sinh gắn liền với một lễ cúng giản dị diễn ra khi đứa bé sinh được ba ngày tuổi, cũng là một nghi thức bắt nguồn từ các miền Trung, Bắc, nhưng trong khi một số nơi vì đời sống mới hoặc cuộc sống vùng đô thị khiến các gia đình trẻ không giữ tập tục này, thì miệt nam sông Hậu vẫn còn giữ được.

Đi kèm với chuyện đặt tên cho trẻ là quan niệm gọi thứ, và phổ biến ở miệt này là con cái trong nhà bắt đầu từ thứ hai, chứ không phải "con cả" như phong tục ngoài bắc.

Tập tục này có nhiều cách lý giải, tác giả Trần Minh Thương từ thực tế điền dã đã ghi nhận ở miệt nam sông Hậu tập tục này cũng xuất phát từ nhiều quan niệm, đáng kể trong số đó là quan niệm bắt nguồn từ vua Gia Long: khi lên ngôi đã không lập Hoàng hậu và không phong Đông cung thái tử để tưởng nhớ người vợ là Tống Thị Lan và con trai cả là Nguyễn Phúc Cảnh (Hoàng tử Cảnh). Ngoài ra còn một quan niệm nữa liên quan đến chuyện Nhưng Quan phá quàn, với niềm tin rằng đứa con đầu của một gia đình thường bỏ nhà đi khỏi từ sớm...

"Mùng bà tết Thầy" và chuyện "chạp mả làng"

Hoặc như trong bài khảo cứu về "Mùng ba tết thầy", cho thấy câu ca "Đầu năm mùng một tết cha/ mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy" vào đến miệt nam sông Hậu chỉ còn vắt tắt "mùng một tết cha, mùng ba tết thầy".

Điều này vừa phản ánh quan niệm xem thầy như cha - cũng là một tinh thần trọng chữ nghĩa của những cư dân vùng đất mới, vừa gắn với một tập tục được tác giả ghi nhận: Vai trò người thầy không chỉ là dạy chữ, mà còn giữ vai trò tư vấn xử lý nhiều cớ sự xảy ra trong gia đình của người học trò.

Còn như lệ cải táng ở miệt vườn nam sông Hậu cũng mang một ý nghĩa khác với cư dân vùng Bắc bộ. Đó là trường hợp những người vì làm ăn phải rời nhà xa quê đến vùng khác kiếm sống... nếu chẳng may bị nạn qua đời, thì dân tại chỗ xúm nhau chôn cất, những ngôi mả ấy là mả tạm. Cho đến khi có con cháu hay người thân biết chuyện, dò tìm đến nơi, sẽ tiến hành cải táng, bốc mộ người thân đem về bản xứ.

Câu chuyện "xiêu mồ lạc mả" ấy được tác giả ghi nhận là khá phổ biến ở miệt vườn, thực tế có rất nhiều ngôi mộ hoang không có người đến cải táng.

Cho nên nơi đây có lệ vào dịp cuối năm ngoài việc tảo mộ cho dòng họ, còn có tục "chạp mả làng": "Chiều những ngày cuối năm nếu ngôi mộ nào chưa được sửa sang (đánh dấu bằng miếng giấy vàng bạc dằn cục đất lên trên), thì sẽ có đám trai làng kéo nhau đến. Người giẫy cỏ, người đắp đất để người bên kia được ấm lòng trong mấy ngày tết".

Những nét văn hóa đơn sơ được lưu giữ ở tận cực nam xa xôi chắc hẳn sẽ còn cộng hưởng với nhiều người hôm nay để cội nguồn dân tộc được bảo tồn trong bối cảnh các giềng mối đang bị xô lệch do nhiều cơn lốc đến từ các phía của đời sống xã hội hôm nay.

Vùng nam sông Hậu có thể xem như mảnh đất đón nhận những nét văn hóa của người Việt muộn nhất tính theo tiến trình Nam tiến của lịch sử.

Điều đáng quý là cho đến nay, nơi đây vẫn còn giữ gìn nhiều phong tục văn hóa truyền thống của cư dân Việt, thể hiện sức sống mãnh liệt, cũng chính là nội lực văn hóa của cộng đồng.


Những nét văn hóa Việt đậm đà ở miệt vườn Nam Sông Hậu - Ảnh 3.

- Ảnh: L. ĐIỀN

Du lịch “tắm nắng” xứ miệt vườn hút khách Du lịch “tắm nắng” xứ miệt vườn hút khách

Bay từ Hà Nội vào, những đứa trẻ nô đùa trong vườn cây ăn trái trĩu quả, thơm ngọt tại Cần Thơ, tận hưởng khí hậu ấm áp của Nam bộ với nắng vàng và gió thổi nhẹ, có thêm trải nghiệm du lịch miệt vườn, không lo ngại gì “cô Vy”.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên