22/05/2024 15:39 GMT+7

Nhà đầu tư nước ngoài đang rời khỏi thị trường bất động sản Đức

Lãi suất cao và kinh tế bất ổn đang khiến nhà đầu tư nước ngoài dần rời xa thị trường bất động sản Đức.

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Đức không có dấu hiệu giảm bớt - Ảnh: REUTERS

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Đức không có dấu hiệu giảm bớt - Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo từ Công ty tư vấn bất động sản BNP Paribas Real Estate, người mua nước ngoài chiếm 35% giao dịch mua bất động sản thương mại tại Đức trong quý đầu năm nay. Đây là mức nhỏ nhất kể từ năm 2013 và diễn ra sau khi các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 37% khối lượng giao dịch bất động sản thương mại ở Đức vào năm 2023.

BNP Paribas Real Estate đánh giá sự suy giảm trên bởi một số yếu tố như lạm phát cao và lo ngại về suy thoái kinh tế ở Đức.

Mặc dù nền kinh tế đã hoạt động tốt hơn mong đợi trong ba tháng đầu năm với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,2%, các chuyên gia tin rằng những vấn đề về cơ cấu sẽ tiếp tục cản trở sản lượng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Trước đó, kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% trong quý cuối và cả năm 2023, khiến Đức trở thành nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất trên quy mô toàn cầu trong năm ngoái.

Sự suy giảm này có thể một phần do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, vì ngành công nghiệp của Đức phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Nga.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề khó giải quyết khác cản trở đà tăng trưởng kinh tế Đức trong tương lai. Đó là dân số già, thiếu đầu tư công, quan liêu quá mức và năng suất thấp.

Mặc dù các vấn đề này đã xuất hiện trong thập kỷ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, một số yếu tố tích cực khác đã thu hút các nhà đầu tư đến với thị trường bất động sản Đức. Tỉ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế ổn định và lãi suất thấp đã nâng cao đáng kể vị thế của nước này.

Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Kinh tế (CEPR) cho hay bắt đầu từ khoảng năm 2005, Đức đã trải qua một giai đoạn “kỳ diệu” trên thị trường lao động. Trong giai đoạn này, số lượng lao động có việc làm đã tăng hơn 15%, từ 39,3 triệu người hồi năm 2005 lên 45,3 triệu người vào năm 2019.

So với các nước châu Âu khác, Đức tương đối bình yên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù năng suất đã bắt đầu giảm xuống.

Một số chuyên gia cho rằng ở một mức độ nào đó, những rắc rối hiện tại là do Đức không tận dụng được hết những tiến bộ công nghệ, kết hợp với xu hướng chuyển sang các lĩnh vực năng suất thấp.

Tình trạng bất ổn kinh tế của Đức đang khiến các nhà đầu tư lo ngại, trong khi cấu trúc của thị trường bất động sản nước này cũng có thể cản trở hoạt động đầu tư.

Không giống các quốc gia như Pháp và Anh, Đức ít tập trung nguồn lực tại một thành phố hay khu vực mà phân tán sức mạnh kinh tế cho những địa điểm khác nhau như Berlin, Munich, Hamburg, Frankfurt và Cologne. Điều này có nghĩa Đức thiếu một trung tâm nổi bật, nơi thường là địa điểm các nhà đầu tư muốn gửi vốn vào.

Do áp lực chi phí vẫn tồn tại và giá ngành xây dựng vẫn ở mức cao, các chuyên gia không kỳ vọng nhu cầu về bất động sản tại Đức sẽ tăng mạnh trong năm nay.

Một báo cáo từ Viện nghiên cứu IFO công bố đầu tháng này cho thấy trong tháng 4-2024, hơn một nửa số công ty (55,2%) trong lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức báo cáo thiếu đơn đặt hàng.

Đức: Dân nghèo tuyệt vọng tìm chỗ ởĐức: Dân nghèo tuyệt vọng tìm chỗ ở

Theo Đài truyền hình Deutsche Welle (DW), ngày càng có nhiều người dân tuyệt vọng tìm kiếm chỗ ở khắp nước Đức khi nguồn cung nhà quá thấp, giá thuê tăng vọt và thu nhập không đủ trang trải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên