Apple đang cân nhắc san bớt quy mô sản xuất ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á - Ảnh: AP
"Hãng này đã có động thái làm việc nào với Việt Nam hay có thỏa thuận cụ thể nào chưa?", truyền thông quốc tế đặt câu hỏi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khá thận trọng khi cho biết cơ quan phụ trách vấn đề đối ngoại của Chính phủ chưa có thông tin gì từ phía Apple. Bà Hằng nói sẽ chuyển câu hỏi này cho các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công thương.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhân dịp này khẳng định "Việt Nam hoan nghênh việc đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quy định của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế".
Trước đó, báo Nikkei của Nhật ngày 19-6 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Apple mới đây đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của tập đoàn này đánh giá tác động về chi phí khi chuyển 15-30% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á khi Apple chuẩn bị tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng.
Theo Nikkei, các quốc gia đang được xem xét trong kế hoạch đa dạng hóa của Apple có Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số những lựa chọn được yêu thích để đa dạng hóa sản xuất smartphone của "táo khuyết".
Dù yêu cầu này được cho là đưa ra giữa bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nguồn tin của Nikkei tin rằng dù thương chiến được giải quyết, Apple vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch dịch chuyển để giảm phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc.
Tại họp báo, thông tin về một số vụ việc hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ đã bị phát hiện cũng được nêu ra, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác.
"Trong những ngày qua, Tổng cục Hải quan Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để ngăn chặn các hành vi loại này và bảo vệ nền sản xuất trong nước", người phát ngôn cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận