30/06/2019 09:12 GMT+7

Người Hong Kong biểu tình dịp kỷ niệm trao trả cho Trung Quốc

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Những người biểu tình Hong Kong đã xin được phép biểu tình vào ngày mai (1-7) - ngày kỷ niệm 22 năm đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc. Hàng ngàn cảnh sát đã được điều động.

Người Hong Kong biểu tình dịp kỷ niệm trao trả cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Chính quyền Hong Kong đã lập hàng rào chặn các tuyến đường đổ về Trung tâm hội nghị triển lãm Hong Kong ở Wan Chai - Ảnh: SCMP

Hãng tin AP dẫn lời bà Bonnie Leung, một người tổ chức biểu tình, cho biết họ sẽ tiếp tục gây sức ép để chính quyền Hong Kong từ bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ với Trung Quốc và đòi lãnh đạo đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), từ chức.

Theo tờ South China Morning Post, người biểu tình đã kêu gọi tụ tập tại quảng trường Bauhinia Vàng lúc 21h30 tối nay 30-6 để "diễn tập" biểu tình và ca hát trước khi chính thức tuần hành từ 6h30 sáng 1-7.

Bà Leung cho biết đã xin được phép biểu tình trong khi cảnh sát cũng nói sẽ không chống lại người biểu tình. Chưa rõ quy mô cuộc biểu tình ngày 1-7 sẽ như thế nào, tuy nhiên các nhà hoạt động ước tính khoảng 2 triệu người, tương đương 1/4 dân số Hong Kong, xuống đường trong các cuộc biểu tình hồi đầu tháng 6-2019.

Tuy nhiên cảnh sát cũng sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống gây rối nào tại lễ thượng cờ kỷ niệm ngày được trao trả cho Trung Quốc.

Bà Lâm cũng sẽ có mặt tại buổi lễ. Chính quyền Hong Kong không chỉ làm gọn sự kiện kỷ niệm năm nay mà cũng không tổ chức ngoài trời, một điều chưa từng thấy kể từ năm 1997.

"Cảnh sát nhận được tin có người sẽ gây rối tại lễ thượng cờ. Chúng tôi đã có sự sắp xếp phù hợp" - cảnh sát tên San Tsz Kin thông tin.

Tờ South China Morning Post đưa tin cảnh sát đã lập hàng rào dày đặc chặn quanh khu vực quảng trường Bauhinia Vàng và Trung tâm hội nghị triển lãm Hong Kong ở Wan Chai. Chính quyền Hong Kong đã thông báo phong tỏa trung tâm hội nghị vì lý do an ninh.

Tờ báo của Hong Kong dẫn các nguồn tin cho biết khoảng 5.000 cảnh sát đã sẵn sàng để giải quyết bất kỳ rắc rối nào.

Người Hong Kong biểu tình dịp kỷ niệm trao trả cho Trung Quốc - Ảnh 2.

Người biểu tình Hong Kong tiếp tục xuống đường ngày 26-6 - Ảnh: REUTERS

Bà Lâm mới đây đã nhận lỗi với người dân Hong Kong và hứa sẽ lắng nghe những lời chỉ trích, cũng như "cam kết cải thiện cách phục vụ người dân bằng thái độ chân thành và khiêm tốn". Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng cho biết hiện chưa lên kế hoạch quay trở lại thảo luật dự luật dẫn độ.

Việc hoãn thảo luận dự luật dẫn độ được xem là một trong những lần rút lui đáng chú ý nhất của chính quyền Hong Kong kể từ khi Anh trao trả đặc khu này về cho Trung Quốc năm 1997. 

Theo Hãng tin Reuters, sự kiện này khiến giới quan sát đặt câu hỏi về năng lực quản lý của bà Lâm dưới cương vị người đứng đầu Hong Kong.

Các cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 9-6 cũng là những cuộc biểu tình lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012. 

Đây được coi là thách thức mới nhất dành cho Bắc Kinh trong nỗ lực kiểm soát đặc khu kinh tế trên, trong khi phải đối mặt với chiến tranh thương mại với Mỹ và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Phía chỉ trích cho rằng dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong về Trung Quốc có thể đe dọa hệ thống luật pháp tại Hong Kong và vị thế trung tâm tài chính châu Á của thành phố này.

Người biểu tình Hong Kong gây sức ép với G20 về dự luật dẫn độ Người biểu tình Hong Kong gây sức ép với G20 về dự luật dẫn độ

TTO - Những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của Hong Kong đã lên kế hoạch biểu tình trước trụ sở 19 cơ quan lãnh sự các nước tại thành phố này ngay trước thềm hội nghị G20 tại Nhật.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0