09/02/2022 15:48 GMT+7

Người dân sẽ được hướng dẫn phòng chống tội phạm đúng cách

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - “Khi có đạo luật thì chúng ta sẽ có cơ sở huy động, tổ chức được quần chúng. Nhân dân biết mình được làm gì, không được làm gì, cần làm gì…”.

Người dân sẽ được hướng dẫn phòng chống tội phạm đúng cách - Ảnh 1.

Trung tướng Trần Vi Dân chủ trì hội thảo khoa học cấp Bộ Công an - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là chia sẻ của trung tướng Trần Vi Dân, giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, với Tuổi Trẻ Online về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở bên lề hội thảo khoa học cấp Bộ Công an diễn ra ngày 9-2 tại Hà Nội.

Huy động nguồn lực từ quần chúng

Theo trung tướng Trần Vi Dân, nhắc đến nhà nước pháp quyền là nhắc tới việc quản lý, điều hành các ứng xử liên quan đến xã hội bằng pháp luật. Bảo vệ an ninh trật tự là một trong những quyền, nghĩa vụ của quần chúng nhân dân.

“Hiến pháp quy định công dân phải có nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ an ninh trật tự.  Nhưng ai sẽ là người đồng hành cùng công an?

Rõ ràng lực lượng công an phải dựa vào quần chúng. Ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở nhằm tổ chức, động viên, hướng dẫn, tập hợp quần chúng. Quy định của Hiến pháp đã có nhưng mang tính chất định hướng, tổng quát, còn luật sẽ cụ thể hóa.

Cơ quan chuyên trách sẽ có hướng dẫn cụ thể để động viên quần chúng bằng các mô hình, hình thức, cách thức cụ thể. Nhân dân biết mình được làm gì, không được làm gì, cần làm gì. Vì cuối cùng là phục vụ quần chúng chứ không phục vụ ai khác.

Đạo luật thể chế hóa quan điểm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Thụ hưởng cuộc sống bình yên, không có tội phạm, xã hội trật tự…

Việc đấu tranh chống cái ác, cái vi phạm là tốt nhưng phải trong khuôn khổ pháp lý. Nhiều trường hợp đáng tiếc do thiếu hiểu biết mà đánh chết người trộm chó, cướp tài sản…”, trung tướng Trần Vi Dân cho hay.

Luật trước tiên phải coi nhân dân là chủ thể

Tại hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu danh nhân Việt Nam, nhấn mạnh: dự án luật mới sẽ có tác động trực tiếp đến người dân nên công tác dân vận khi xây dựng, thu thập ý kiến phải được chú trọng, làm sao lắng nghe nhiều ý kiến nhất...

Người dân sẽ được hướng dẫn phòng chống tội phạm đúng cách - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên phó viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học (Bộ Quốc phòng)

Đồng quan điểm với ông Bảo, GS.TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên phó viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học (Bộ Quốc phòng) - cho hay dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cần đảm bảo tính thống nhất về tổ chức, hoạt động, vai trò các lực lượng như công an xã, dân quân tự vệ...; đảm bảo tinh gọn, không phát sinh ngân sách, không để nhân dân phải đóng góp thêm.

“Luật cần đảm bảo tính đa dạng vì không chỉ có lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tự vệ… mà còn có lực lượng thanh niên, cờ đỏ trong trường học hay phụ nữ, cựu chiến binh. Vai trò các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo ra sao? Việc này cần tính toán, bao quát hơn. Luật cũng cần đảm bảo tính hội nhập khu vực quốc tế”, ông Quân nêu vấn đề.

Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở: Cần thêm ý kiến địa phương Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở: Cần thêm ý kiến địa phương

TTO - Cần nghiên cứu kỹ quy định về việc được làm và không được làm của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự; tổ chức hội thảo thu thập ý kiến của trưởng công an xã, bí thư hoặc chủ tịch UBND xã ở nhiều khu vực khác nhau…

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên