06/08/2018 11:37 GMT+7

Người dân run rẩy dưới 'bom nước' thủy điện Hố Hô

VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM
VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM

TTO - Sống dưới chân đập thủy điện Hố Hô, người dân hạ lưu huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) luôn trong tình cảnh bất an khi mùa mưa lũ về...

Người dân run rẩy dưới bom nước thủy điện Hố Hô - Ảnh 1.

Người dân xã Hà Linh, huyện Hương Khê chạy lũ khi thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ năm 2016 - Ảnh: V.Đ.

Cơn lũ 2016 khiến hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu không kịp trở tay có “đóng góp” của Nhà máy thủy điện Hố Hô khi xả lũ bất ngờ.

Ông LÊ NGỌC HUẤN (chủ tịch huyện Hương Khê)

Mắt hướng về Nhà máy thủy điện Hố Hô, ông Cao Kim Khiêm, ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch (Hương Khê), cho biết lũ ở vùng này thì năm nào cũng có, nhưng chưa có trận lũ nào đáng sợ bằng sự cố nước lũ tràn qua thủy điện Hố Hô tháng 10-2010.

"Không chỉ tui mà dân mấy xã hạ lưu này đều run lẩy bẩy khi nghe tin nước tràn thủy điện. Chỉ cần hình dung về "quả bom nước" treo trên đầu sắp đổ ập xuống là thu dọn đồ mà... chạy" - ông Khiêm nói.

Ám ảnh Hố Hô

Ông Khiêm kể rõ mồn một từng chi tiết của cái ngày giữa mùa mưa lũ năm đó. Hương Khê mưa rất lớn. Nước lũ đổ về lòng hồ thủy điện Hố Hô. Mực nước trong lòng đập thủy điện dâng cao đến mức tràn qua cả thân đập gần 1m khiến ai nấy đều hoảng hốt.

Từ khi thủy điện này xuất hiện ở đây, chưa ai dám nghĩ về kịch bản khó tưởng tượng này. Không ai biết được chính xác chuyện gì đang xảy ra trên thủy điện.

"Sợ vỡ thủy điện, người dân chúng tôi dắt díu nhau chạy lên những vùng cao lánh nạn. Còn vùng hạ du, nước lũ một màu trắng xóa. Bao nhiêu tài sản của dân chấp nhận thả trôi hoặc bị nước lũ ngâm" - ông Khiêm nhớ lại.

Phải mất mấy tiếng đồng hồ sau người dân Hương Khê mới được biết "cơ sự". Nước lũ tràn qua đập thủy điện Hố Hô là do mất điện. Nhà máy này lại không chuẩn bị máy phát điện dự phòng.

Khi nước lũ ập về thì các cửa xả tràn không mở được để xả. Mực nước trong lòng hồ dâng cao quá thân đập và tràn qua theo tự nhiên. Nguy cơ vỡ đập đã được xác định.

"Ớn lạnh hơn nữa khi đến chiều đó có một lượng gỗ rừng khổng lồ từ thượng nguồn trôi về, lực va chạm của số gỗ này vào thân đập khi đó là rất mạnh. Tất cả chỉ còn biết nín thở, và chờ đợi" - ông Khiêm nói.

Cùng lúc đó, những cuộc họp chớp nhoáng của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh liên tục diễn ra. Để đề phòng tình huống xấu nhất, một cuộc di dân khẩn cấp được thực hiện khẩn trương ngay dưới con đập.

"Thời điểm đó trong lòng hồ này chứa đến 40 triệu mét khối nước. Xã Hương Trạch nằm dưới thủy điện Hố Hô. Thủy điện này bị vỡ là cả xã bị cuốn trôi" - ông Cao Viết Hòa, chủ tịch xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, nói.

Để "giải cứu" thủy điện, phương án nổ mìn phá cửa tràn để nước lũ chảy qua nhằm giảm áp lực cho hồ chứa đã được tính đến.

"Tuy nhiên, đêm đó máy phát điện dự phòng được vận chuyển đến giúp hệ thống xả tràn được vận hành trở lại. Mực nước từ mức vượt đỉnh thân đập gần 1m đã hạ xuống. Ai cũng thở vào nhẹ nhõm" - một lãnh đạo huyện Hương Khê chia sẻ.

Sau sự cố tràn nước lũ, thủy điện Hố Hô còn gây ra nhiều trận lũ lớn bằng điệp khúc "nâng mức xả không báo trước".

Ông Phạm Văn Thân, 61 tuổi, ở thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch, bị nước cuốn trôi ngôi nhà ngói, cho biết: "Từ ngày có thủy điện Hố Hô, người dân chúng tôi luôn luôn lo lắng. Nhiều trận lũ nước về rất nhanh, người dân không kịp trở tay là do thủy điện xả lũ".

Người dân run rẩy dưới bom nước thủy điện Hố Hô - Ảnh 3.

Thủy điện Hố Hô xả lũ - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Thủy điện nhỏ nhưng bất cập lớn

Nhà máy thủy điện Hố Hô là dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển điện Miền Bắc 1 làm chủ đầu tư gần 300 tỉ đồng và hoàn thành tháng 4-2010 (sau đó đến năm 2016 thì do Công ty cổ phần thủy điện Hồ Bốn làm chủ đầu tư).

Điều đặc biệt ở công trình thủy điện này đó là nhà máy phát điện, trụ sở nằm trên đất Quảng Bình, đóng thuế cho tỉnh Quảng Bình nhưng nguồn nước xả lại chảy về địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Thuế Quảng Bình thì nhà máy này không đóng góp nhiều cho ngân sách của tỉnh.

Cụ thể, năm 2014 và 2015 nhà máy này đóng mức lần lượt 1,4 và 3,6 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là thuế giá trị gia tăng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn.

Đến năm 2016 và 2017, mức thuế nhà máy này đóng cũng ở mức gần 3 tỉ đồng và 5,7 tỉ đồng, còn thuế thu nhập doanh nghiệp (20% lợi nhuận trước thuế) thì chủ đầu tư vẫn được miễn theo chính sách thu hút đầu tư của Quảng Bình.

Đóng góp của thủy điện này cho ngân sách địa phương hạn chế như thế nhưng hậu quả của nó mang đến thì vô cùng lớn.

Ông Cao Viết Hòa cho biết người dân xã này sống bên sông Ngàn Sâu, cuộc sống luôn ổn định. Từ ngày có thủy điện Hố Hô, cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Mùa hè thì nước sông cạn kiệt, nước sinh hoạt thiếu. Còn mùa mưa lũ thì nước ngập trắng nhà cửa.

Dân luôn phải thường trực cảnh chạy lũ khẩn cấp khi thủy điện bất ngờ xả nước.

Sau những lần để xảy ra sự cố, Bộ Công thương đã chủ trì làm việc với lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô và chính quyền địa phương.

Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định Hố Hô là nhà máy thủy điện nhỏ (công suất 14MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3), việc có thủy điện này hay không thì không ảnh hưởng đến nguồn điện của Việt Nam...

Thực tế, thủy điện này chưa bao giờ thực hiện đầy đủ nghiêm ngặt các quy định của hồ chứa. Công tác kiểm tra đánh giá trước an toàn chưa thực hiện tốt. Nhà máy chưa chấp hành triệt để quy trình vận hành hồ chứa. Khi xả lũ trong tình huống khẩn cấp thì không chịu báo cáo lên chủ tịch tỉnh, huyện...

Người dân run rẩy dưới bom nước thủy điện Hố Hô - Ảnh 4.

Mực nước lũ dâng cao ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê vào tháng 10-2016 khi thủy điện Hố Hô xả lũ - Ảnh: V.Định

Dân phải tự cứu mình

Vùng hạ du thủy điện Hố Hô nằm dọc sông Ngàn Sâu, bao gồm 8 xã. Khi xảy ra mưa lũ nguy hiểm thì buộc phải sơ tán hơn 2.300 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu.

Trước thực trạng này, hằng năm huyện Hương Khê phải chỉ đạo các xã vùng hạ du xây dựng phương án chạy lũ với phương châm "Hãy tự cứu mình, gia đình và đoàn kết giúp đỡ nhau khi sự cố xảy ra".

Để chủ động đối phó, các hộ dân ở đây đều xây chạn để tránh lũ, kê gác tài sản lên cao; dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch và thuốc chữa bệnh... đủ dùng trong mùa mưa lũ.

Đồng thời, người dân chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng sơ tán khi có lệnh của chính quyền địa phương.

Kỳ tới: Một thủy điện bị vỡ hai lần

Nỗi ám ảnh dưới chân thủy điện Đakrông 3 Nỗi ám ảnh dưới chân thủy điện Đakrông 3

TTO - Hơn năm năm sau hai lần xảy ra sự cố vỡ đập liên tiếp, người dân sống ở vùng hạ lưu của đập thủy điện Đakrông 3 (xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) luôn thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến.

VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên