03/08/2018 11:16 GMT+7

Cảnh báo thủy điện Miền Trung - Tây Nguyên - Kỳ 1: Sống trên vùng... động đất

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Sau vụ vỡ đập thủy điện ở Attapeu - Lào, cũng cần nhìn lại thủy điện nước ta, đặc biệt là hệ thống thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung - Tây Nguyên...

Cảnh báo thủy điện Miền Trung - Tây Nguyên - Kỳ 1: Sống trên vùng... động đất - Ảnh 1.

Thân đập Sông Tranh 2 bị xì nước năm 2012 - Ảnh: Tấn Vũ

Người Ca Dong ở huyện Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam) ngàn đời dựng nhà lập làng sống bình yên giữa lưng chừng các ngọn núi. Thế rồi một ngày công nhân kéo đến như cơn bão. Họ làm một công trình thủy điện, treo túi nước khổng lồ lơ lửng trên các ngôi làng. Và mọi thứ đã thay đổi kể từ đó.

"Ngôi làng động đất"

Sau nhiều năm tích cóp, làm lụng và đắn đo mãi, ông Hồ Văn Thân và vợ là Hồ Thị Niên cũng quyết định cắt tiết gà, làm nghi lễ cúng đất chọn bãi đất rộng bên con đường vào trung tâm xã để dựng căn nhà kiên cố. 

Giữa trưa, ông Thân không ngủ, trên người chỉ mặc chiếc quần đùi hết vào rồi ra căn nhà đang được chắp dở bằng những hàng gạch rồi lên tiếng: "Từ hôm đào móng, cúng đất đến giờ cái nhà này cũng xây được hơn ba tuần rồi. Không hiểu sao trong bụng mình cảm thấy lo lắm".

Bà Hồ Thị Cúc, người bà con của ông Thân, hiểu rõ nỗi lo lắng của ông nên thêm vào: "Có lo thì cũng chẳng được chi. Mấy năm nay rồi cả làng cứ mong chuyển đi, vì mặt đất khắp nơi rung chuyển. Nhưng biết đâu mà tránh. Ráng mà làm cho xong cái nhà có chỗ ra vào, chết thì cả làng cùng chết với nhau".

Thôn 1, xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My) là thôn "tiền tiêu" nằm ngay tuyến đầu tính từ chân công trình thủy điện Sông Tranh 2. Chàng bí thư chi bộ chưa vợ, kiêm trưởng thôn Phạm Văn Đường chẳng cần nhẩm tính cũng nói rành mạch rằng trong số 144 hộ dân thì tới nay khoảng một nửa gia đình là có nhà bêtông rồi. 

Kinh tế khấm khá, số hộ có khả năng xây nhà bêtông sẽ còn nhiều hơn nhưng nhiều người vì sợ động đất, rồi sợ đập vỡ nên chuyển qua dựng nhà gỗ. Gần 70 ngôi nhà bêtông ở thôn 1, có nhà xây trước khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, đi vào hoạt động, có nhà xây sau. Nhưng dù xây trước hay sau thì tất cả những ngôi nhà ấy đều có một cái chung mà người làng mỗi khi nhắc tới thì ai cũng lắc đầu: nhà nào cũng dính đầy thương tích, tường cột đầy những vết nứt nẻ. Có nhà vết nứt toác thò được cả ngón tay vào.

Trưởng thôn Phạm Văn Đường nói rằng nhà của ông Thân là ngôi nhà bêtông mới nhất trong thôn. Thủy điện Sông Tranh 2 cứ gây động đất liên tục nên dân làng bây giờ làm nhà gỗ ở cho an toàn chứ nhà bêtông mà sập thì chạy không kịp.

Cảnh báo thủy điện Miền Trung - Tây Nguyên - Kỳ 1: Sống trên vùng... động đất - Ảnh 2.

Ngôi nhà xây trong bất an của ông Hồ Văn Thân ở thôn 1, xã Trà Đốc - Ảnh: T.B.D.

Trong những cơn "đau tim" triền miên

Viện Vật lý địa cầu những ngày từ tháng 5-2018 trở đi liên tục phát đi những bản tin cảnh báo động đất. Những bản tin ấy thường thì chẳng bao giờ tới được người dân, bởi ở Trà Đốc những ngôi làng nằm treo chênh vênh trên lưng chừng núi, ít có sóng điện thoại. 

Nhưng người dân ở đó chẳng cần những bản tin ấy phát đi, vì đã trở thành "kỹ năng", hễ có tiếng nổ, nồi xoong, bát đĩa trong nhà rung lên là họ bật dậy nhảy ngay ra khỏi nhà nhanh như những chiếc lò xo.

Dù chẳng hề đọc các bản tin nhưng hỏi bất kỳ người dân nào ở Trà Đốc họ cũng đều đọc vanh vách ngày giờ, mức độ rung chấn ở Sông Tranh 2. Ngày 25-6, trận động đất "mở màn" cho "mùa động đất" được bắt đầu khiến người Ca Dong ở cả hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My giật mình. Nỗi ám ảnh, thắt tim triền miên tiếp diễn nặng nề hơn vào những ngày sau, khi liên tiếp hai ngày 15 và 17-7 hai trận động đất lại xảy ra.

Nỗi ám ảnh chẳng hề dừng lại và dường như kéo dài với tần suất mỗi ngày một dày hơn: chỉ riêng trong ngày 26-7, vào thời khắc ửng sáng những bản làng ở quanh lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 lại tiếp tục rung lắc, chuyển động dữ dội khi bốn trận động đất kế tiếp nhau xảy ra. 

Ngay sáng 28-7 khi chúng tôi vừa ra khỏi vùng động đất, những người Ca Dong ở đó đã gọi điện và nói rằng họ lại vừa nghe thấy hai tiếng nổ lớn xuất hiện lúc giữa đêm.

Không biết dân làng chúng tôi có làm gì đắc tội với thần linh không mà giờ phải trong cảnh sống hôm nay và không biết mình sẽ chết đi lúc nào. Mỗi lần có động đất là trái tim chúng tôi như bị bóp nghẹt, thấy một ngày dài hơn cả thế kỷ

Ông TRẦN GIANG LỢI (phó chủ tịch UBND xã Trà Đốc)

Ông Trần Giang Lợi - phó chủ tịch UBND xã Trà Đốc - năm nay gần 40 tuổi, lớn lên ở các làng Ca Dong dưới chân thủy điện Sông Tranh 2. Kể chuyện động đất, ông Lợi nói: "Trước khi thủy điện Sông Tranh 2 chặn dòng vào năm 2011 thì tuyệt nhiên không có động đất. Làng yên bình lắm. Nhưng từ khi có thủy điện thì những tiếng nổ liên tục xuất hiện, mặt đất rung lên liên tục, tới nỗi có trận động đất mà nước ở mặt lòng hồ thủy điện lượn lên, chao đảo, đập vào bờ tung tóe".

Theo ông Lợi, những năm 2008 để phục vụ chủ trương chung, rất nhiều người dân ở nhiều xã thuộc huyện Bắc Trà My đã dời làng, nhường đất cho công trình thủy điện Sông Tranh 2. 

Thủy điện này có lòng hồ nằm trải dài trên hai huyện Nam Trà My, Bắc Trà My. Thân đập chắn dòng nằm đầu thôn 1, xã Trà Đốc và từ khi đi vào hoạt động, thủy điện Sông Tranh 2 đã như một lô cốt công sự bằng nước khổng lồ, tác động đến toàn bộ dân xã Trà Đốc và các xã thuộc huyện Bắc Trà My.

thuy-dien-mien-trung-3

Thân đập chính tại thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: T.B.D.

Động đất do tích lũy năng lượng

Sau rất nhiều tranh cãi về những rung chấn đầy bất thường tại khu vực quanh lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng động đất ở đây xuất phát từ quá trình tích lũy năng lượng.

Cụ thể là do thủy điện tích nước ở khối lượng lớn, gây áp lực lên bề mặt, tạo thay đổi kết cấu ở sâu trong lòng đất. Và sự cố nước phun thành dòng tại thủy điện Sông Tranh 2 cũng được xác định là "yếu tố kỹ thuật nứt giãn khe nhiệt", hiện đã khắc phục xong.

Vỡ đập thủy điện Lào: Tình người trong thảm họa Vỡ đập thủy điện Lào: Tình người trong thảm họa

TTO - Nước lũ chảy xiết, mưa lớn, đói rét không làm nản lòng những người lính và các lực lượng tham gia tìm kiếm người mất tích và cứu hộ.

Kỳ tới: Trở lại nơi ngôi làng bị xóa sổ

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên