04/08/2018 10:57 GMT+7

Ngôi làng bị thủy điện xóa sổ

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Chúng tôi trở lại làng Pa Ooi, xã La Êê của đồng bào Cơ Tu, nơi có những ngôi nhà bị dòng nước thủy điện cuốn phăng trong tích tắc do sự cố bục hầm dẫn dòng ở thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).

Ngôi làng bị thủy điện xóa sổ - Ảnh 1.

Nhiều trạm thông tin báo lũ, xả tràn thủy điện được dựng tại xã La Êê sau sự cố thủy điện Sông Bung 2 - Ảnh: T.TRUNG

Hai năm đã trôi qua, nhưng người dân sống cách đó 50km vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi ám ảnh mỗi mùa nước lớn.

Cả đời chưa thấy bao giờ

Ngồi xem truyền hình chiếu cảnh dòng nước nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà do vỡ đập thủy điện ở Attapeu (Lào), anh Alăng Dhép, cán bộ xã La Êê, lại như trở về ký ức kinh hoàng với gia đình mình cách đây không lâu. 

"Đó là giây phút có nằm mơ mình và bà con cũng không thể tưởng tượng ra được. Cả đời sống với núi rừng có bao giờ thấy con nước lớn như thế đâu" - Dhép nói.

Anh dẫn mọi người từ nhà mình sang phía bên kia đường, cạnh dòng suối La Êê. Chỉ vào đám lau lách mọc bên cạnh một ít gạch móng, anh nói đó là những gì còn sót lại sau khi dòng nước đi qua nhà anh.

Cuối giờ chiều 13-9-2016, Dhép đang chơi bóng chuyền cùng anh em trên trụ sở ủy ban thì nhận được điện thoại của chủ tịch xã. 

Qua điện thoại, ông Zơ Râm Huấn, chủ tịch UBND xã La Êê, cảnh báo: "Trên huyện báo về là thủy điện Sông Bung 2 đang gặp chuyện gì đó, nước lớn tràn về. Thông báo cho bà con ngay".

Pa Ooi là làng sát biên giới Lào, cách đập chính thủy điện Sông Bung 2 50km đường chim bay. Trước ngày xảy ra sự cố bục hầm dẫn dòng, nhiều đợt mưa lớn trên vùng núi này do ảnh hưởng của bão trên Biển Đông khiến nước tràn về đầy kín hồ chứa thủy điện.

Dhép đã chạy xe quanh các thôn làng và các cánh đồng ven suối để thông báo tin tức cho bà con. Chiều mưa vùng biên mặt trời khuất núi rất nhanh, Dhép mới chợt nhớ: "Sáng nay đài báo bão nhà trường cho học sinh nghỉ học". Đứa con út của anh ở nhà một mình.

Dhép tức tốc phóng xe máy về làng mình. Vừa đổ dốc xuống nhà đã nghe tiếng con nước ầm ầm "nhai" cây cối ven sông. 

Tới nhà đập cửa nhưng đứa con út còn mải mê xem hoạt hình. Anh phải nói "con ơi, ba mua sữa về nè" nó mới chịu ra khỏi giường mở cửa. Sau đó anh chỉ kịp đưa con lên núi chạy thoát thân chứ không kịp mang theo đồ đạc gì.

Nhà Dhép và bốn ngôi nhà khác bị xóa sổ nằm trên một khúc sông "khuỷu tay". Con nước tràn về đập vào một góc đồi rồi tạo thành dòng xoáy chỉ trong phút chốc cuốn sạch mọi thứ đi qua.

Cảnh tượng kinh hoàng nói trên đã được anh ALăng Danh ghi lại bằng điện thoại, lần đầu cung cấp cho công chúng qua Tuổi Trẻ Online

Đó là cảnh mọi người la hét khi con nước lớn đổ qua làng, cảnh người dân vớt vát những tấm tôn, miếng ván đưa lên khu cao ráo khi con nước ngồn ngộn đổ về từ thượng nguồn. Alăng Danh cũng chính là người có nhà bị cuốn trôi trong đợt đó.

Do chắt chiu từng khoảnh ruộng lúa nước nên bà con rất đau lòng vì sự cố thủy điện gây xói mòn 1/10 diện tích canh tác. Nhưng nỗi sợ con nước mỗi mùa mưa lớn mới là dư chấn đáng nói nhất của dân làng

Ông ZƠ RÂM HUẤN (chủ tịch UBND xã La Êê)

Ngôi làng bị thủy điện xóa sổ - Ảnh 3.

Cảnh dòng nước cuốn phăng nhà dân do sự cố đập thủy điện Sông Bung 2 được người dân ghi lại - Ảnh chụp từ clip của Alăng Danh

Dân làng còn... may

Sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 ở Quảng Nam xảy ra vào tháng 9-2016 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến hai công nhân tử vong, thiệt hại về vật chất ước tính 40 tỉ đồng.

Kết luận của Bộ Công thương đánh giá công tác thiết kế, kết cấu tháp van hầm dẫn dòng chưa phù hợp, thiếu cốt thép chịu lực trụ pin tháp van hầm dẫn dòng.

Sau sự cố kinh hoàng này, 5 ngôi nhà bị nước cuốn trôi hoàn toàn đã được chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 2 đền bù cất mới. Hàng trăm con gia súc, gia cầm bị mất và lán trại bên sông cũng được đền bù thỏa đáng. 

Tuy nhiên, có những mất mát mà tiền không đền được chính là hơn 1/10 diện tích canh tác lúa nước bị xói mòn tại địa phương.

Theo già làng Zơ Râm Ba, điều may mắn đối với dân làng trong sự cố này chính là thời điểm xảy ra ban ngày. Nhờ vậy chỉ trong vòng một tiếng khi con nước chảy từ bờ đập thủy điện Sông Bung 2 về tới làng, chính quyền đã kịp thời sơ tán và cảnh báo bà con. 

Già Ba nói: "Thói quen của bà con ở đây là ngủ lại lán trại bên bờ suối để thuận tiện canh tác. Vì thế nếu nước lớn về trong đêm thì không những nhà cửa bị xóa sổ, gia súc bị cuốn trôi mà còn chết rất nhiều nhân mạng. Chắc chắn làng sẽ có ngày đại tang".

Ở vị trí những ngôi nhà bị cuốn trôi, hiện không ai dám về cất nhà nhưng vị trí dựng nhà mới của họ vẫn không cách chỗ cũ bao xa. 

"Mỗi lần kê gối nằm ngủ mình vẫn còn sợ lắm, không ai biết thủy điện trên nguồn thế nào. Vì không có đất làm nhà, phần vì gặp khó khăn trong quá trình kéo nước về canh tác nên mình mới cắn răng dựng nhà ở đây" - anh Dhép nói.

Bên móng nhà cũ và hai nơi khác gần sông La Êê giờ đây đã được gắn hệ thống loa phát thanh để thông tin cảnh báo mỗi khi thủy điện Sông Bung 2 xả tràn. Mỗi khi loa lớn phát thông báo giữa rừng, nỗi mơ hồ về con nước thủy điện của bà con vùng biên viễn lại hiện về.

Cần kiểm tra giám sát các thủy điện tốt hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện tỉnh này có đến 42 thủy điện lớn nhỏ ở đầu nguồn. Ông cho rằng Quảng Nam là nơi dễ dàng nhận thấy sự tác động của việc ngăn đập làm hồ ảnh hưởng lớn đến hạ du.

Trong những năm qua, còn rất nhiều bất cập trong cách vận hành và kiểm tra giám sát ở các thủy điện.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, thời gian kiểm định lần 2 đối với các thủy điện lớn (hơn 10 triệu m3 nước) là 10 năm, các thủy điện nhỏ (10 triệu m3) thì 7 năm sau lần kiểm định đầu.

"Trước những diễn biến khí hậu và thiên tai phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng phải làm ngược lại quy trình này thì mới đảm bảo được an toàn đối với các đập thủy điện lớn, có dung tích nước nhiều" - ông Thanh nói.

Cảnh báo thủy điện Miền Trung - Tây Nguyên - Kỳ 1: Sống trên vùng... động đất Cảnh báo thủy điện Miền Trung - Tây Nguyên - Kỳ 1: Sống trên vùng... động đất

TTO - Sau vụ vỡ đập thủy điện ở Attapeu - Lào, cũng cần nhìn lại thủy điện nước ta, đặc biệt là hệ thống thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung - Tây Nguyên...

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên