Thông thường khi thấy người thân bị ung thư, chúng ta thường cố gắng mua rất nhiều thức ăn, đồ uống bổ dưỡng với giá thành cao như yến sào, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, lộc nhung… để bồi bổ sức khỏe cho họ.
Chán ăn trong bệnh ung thư rất phức tạp
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) cho rằng bệnh nhân ung thư thường bị chán ăn và không còn tha thiết trước bất kỳ món ngon, bổ dưỡng xung quanh.
Bác sĩ Đức cho biết trong bệnh cảnh ung thư thường hay có biểu hiện chán ăn, bỏ ăn, đưa đến hao mòn, suy kiệt và tử vong sau đó.
Nguyên nhân của hiện tượng chán ăn trong ung thư phức tạp hơn chúng ta nghĩ vì bệnh nhân gặp nhiều lý do gây chán ăn như: lo âu, suy sụp tinh thần, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, uể oải, thụ động, nằm nhiều.
Ngoài ra, độc tố do khối u chế tiết ra, di căn não làm bệnh nhân mắc ói. Và với tác động của các thuốc đích, hóa chất hoặc xạ trị làm suy yếu chức năng gan, đặc biệt sau khi hóa trị thì chỉ cần ngửi mùi đồ ăn là đã mắc ói và ói dữ dội.
Khi người bệnh ung thư dùng thuốc giảm đau nhiều và lâu dài, hay dùng thêm thuốc gây nghiện, thuốc kháng viêm sẽ làm dạ dày bị viêm, hệ khuẩn ruột bị tiêu diệt và suy yếu, gây chán ăn.
Một số thuốc điều trị ung thư gây tiêu chảy rất nặng, hệ miễn dịch bị suy yếu do viêm mạn tính khiến tình trạng chán ăn ngày càng nặng nề.
Không phải tăng cường chất bổ sẽ "thắng" bệnh ung thư
Để khắc phục những tình trạng gây kém ăn nêu trên, bác sĩ Đức khuyến cáo bệnh nhân ung thư phải tuân thủ điều trị và luôn sống lạc quan, thanh thản. Nên phơi nắng sớm mai, tập thể dục vừa sức, tập thêm thiền định dịu nhẹ tâm hồn vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
Khi muốn nằm nhưng không phải giờ nằm, bệnh nhân hãy cố gắng hết sức ngồi thiền vắng lặng, bình yên trong tỉnh thức. Nếu bị mất ngủ, lo âu, trầm cảm nên khám chuyên khoa thần kinh.
Trong thời gian hóa trị, xạ trị, người bệnh cần ăn thanh đạm, dịu nhẹ, ăn nhỏ và nhiều bữa. Dùng thêm mật ong, yaourt, sô cô la đắng, men uống vi sinh hằng ngày.
Các bữa ăn cần làm nguội, không mùi hương, không bốc khói, không ăn thịt đỏ, không ăn cá đang bốc khói, có mùi tanh. Không cho bệnh nhân đến gần khu vực nhà bếp lúc đang nấu, đặc biệt có mùi phi hành tỏi, chiên cá...
Bệnh nhân ung thư nên ăn bữa ăn vừa sức, thanh đạm, đủ chất (ăn nhiều chất rau xanh đậm, uống thêm trà xanh, nước ép trái lựu). Lưu ý, không phải ăn nhiều hay tăng cường chất cực bổ, ăn quá no vì nghĩ là ăn vậy sẽ "thắng" bệnh ung thư.
Nếu thấy tình trạng chán ăn kéo dài 2 tuần, tiêu chảy hoặc chán ăn sau khi điều trị hóa chất và xạ trị, bệnh nhân cần khám thêm cả chuyên khoa gan mật - tiêu hóa vì rất có thể gan và hệ lợi khuẩn đã bị tổn thương đáng kể.
Khi thấy có biểu hiện ăn vào là ói, nên đi tái khám và nếu cần thì phải chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não để xem có di căn não, màng não hay không.
Người bệnh ung thư cần tránh xa các tác nhân gây hại như thuốc lá, rượu, bia và tiếng ồn (vì nếu quá ồn ào cũng làm bạn có cảm giác rất căng thẳng, lóa mắt, choáng váng).
Người thân khi vừa ở chốn đông người về (chợ, siêu thị, trường học, công ty, bệnh viện...) nên rửa tay và tắm sạch trước khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh ung thư vì lúc này hệ vi khuẩn trên người khỏe mạnh rất khác với hệ vi khuẩn của người ung thư.
Người bệnh ung thư cũng cần giữ ấm cơ thể, đi tiêm ngừa cúm và phế cầu đầy đủ và lặp lại theo chỉ dẫn của bác sĩ lâm sàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận