05/03/2015 10:49 GMT+7

Hành trình cứu người của một luật sư - Kỳ cuối: Ngày trở về

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT- Vào vai thương nhân Việt Nam, anh có thể qua mặt đám đầu gấu Trung Quốc nhưng chưa chắc tránh được sự để ý của bọn tú bà người Việt...

Tạ Ngọc Vân được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh là một trong chín anh hùng phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em thế giới 2014 - Ảnh: NHV

Vừa xuống sân bay, Tạ Ngọc Vân đã tìm chính xác địa chỉ Nguyễn Thị Hường đang bị ép bán dâm nằm trên con phố lớn giữa thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Liền kề tiệm thư giãn, mà thực chất là ổ mại dâm đang giam giữ Hường này còn rải rác hơn chục điểm kinh doanh tình dục khác.

Xâm nhập “ổ nhện”

Đặc biệt, khác với những nơi sâu trong Trung Quốc khét tiếng với các bố già người Hoa, nhiều bà trùm phố đèn đỏ này lại chính là người Việt. Đó là những kẻ đã sang đây nhiều năm lấy chồng hoặc làm gái. Quen đường đi nước bước, họ nhảy sang kinh doanh xác thân chính đồng hương mình.

Vân đã nhiều lần thành công trong những cuộc giải cứu đồng hương như thế này, nhưng anh vẫn cẩn thận điều nghiên “ổ nhện”. Xâm nhập giới chăn dắt người Trung Quốc, anh đối diện nhiều cái khó nhưng cũng thấy kẽ hở.

Họ tàn độc với các cô gái nhưng không sợ lắm nếu ai đó trốn được. Ở bên đây họ đâu phải lo gì luật pháp của đất nước cô gái đó, trong khi đám tú bà người Việt lại rất đề phòng các cô bỏ trốn về nước vì sợ sẽ báo công an lần dấu vết mình. Tuy hoạt động ở Trung Quốc nhưng họ không thể cắt đứt được mối liên hệ với gia đình.

Ban đầu Vân định nhập vai buôn hàng chuyến, xâm nhập “ổ nhện” của bà Minh đang giam giữ Hường. Nhưng tính lại anh thấy kế hoạch này có nguy hiểm ở đây.

Vào vai thương nhân Việt Nam, anh có thể qua mặt đám đầu gấu Trung Quốc nhưng chưa chắc tránh được sự để ý của bọn tú bà người Việt.

Nhiều người cũng từng một thời buôn hàng hoặc làm gái tiếp xúc với nhiều loại người, Vân khó qua mắt được họ. Đặc biệt, Liễu Châu lại không phải là thành phố mà dân buôn Việt chuyên đi “hàng Tàu”.

Tuy nhiên thời gian không còn nhiều. Liên lạc điện thoại với Hường, Vân biết cô đang rất quẫn trí. Anh quyết định dùng độc trị độc, lấy chính bài giang hồ xâm nhập giang hồ. Ngày đầu tiên vào “ổ nhện”, anh không nói gì cả, cứ lừ lừ lạnh thép như tay chơi thứ thiệt.

Cái đầu đinh và gương mặt chai sạn của anh khá hợp với vai này. Bọn bảo kê vồn vã chào khách. Anh không thèm trả lời, chỉ phẩy tay vào xấp hình trên bàn. Chúng hiểu ý đưa ngay cho anh. Đó là tập hình chụp các cô gái bị ép ăn mặc thật “nóng” để khách chọn. Nếu vẫn chê bai, họ sẽ được dẫn nhìn tận mắt.

Đã xem kỹ hình Hường ở gia đình, Vân tỏ vẻ hờ hững, uể oải lật từng trang để tìm Hường. Nhận diện chính xác cô, anh gõ ngón tay ra dấu. Đám chăn dắt bật cười, ngưỡng mộ mắt “chọn hàng” của Vân. Hường mới có 16 tuổi, trẻ nhất tiệm.

Vân nhanh chóng được dẫn vào “ổ nhện” của cô. Anh phải móc tấm hình Hường chụp chung với gia đình, cô mới dám tin. Cô gái bật khóc nức nở thành tiếng.

Vân phải vội an ủi: “Mẹ đã chuẩn bị đón em ở biên giới. Anh sẽ đưa em về”. “Chú ơi, cứu con. Nếu không về được con sẽ nhảy lầu chết chứ không sống thế này nữa”- Hường nghẹn ngào.

Ra tay

Con đường Hường sa chân vào địa ngục tình dục dần được sáng tỏ. Chính người bạn gái thân thiết với Hường đã đang tâm cùng người yêu lừa bán bạn mình. Sáng 23 - 12 - 2012, chúng đưa cô từ Hải Dương ra Lạng Sơn “sắm quần áo tết”. Cô bị lừa theo đường mòn sang Trung Quốc mà không hề biết đã lìa quê hương.

Tại đây cô bị bán cho một người Việt tên Cường với giá 20 triệu đồng, rồi tên này lại bán cô cho bà Minh ở Liễu Châu. Chỉ vài giờ sau mụ tú bà này đã đẩy cô lên giường tiếp khách.

Hường cố chống cự được năm ngày thì đành khuất phục trước lời dọa tàn độc: “Không muốn sống thì tao cho mày chết nát xác”. Cô học sinh giỏi lớp 10 gạt nước mắt, sa chân vào tủi khổ. “Ổ nhện” bà Minh hạng bình dân, có ngày cô phải chịu đựng gần 30 lượt khách giày vò...

Nghe Hường tâm sự, Vân không kìm được nỗi ngậm ngùi. Đặc biệt, Hường kể ở đây còn có Thùy, người bạn đồng cảnh ngộ cũng đang héo mòn từng ngày như mình. Cô cầu xin Vân: “Chú cứu được cháu, làm phước giúp luôn Thùy. Cháu không nỡ bỏ bạn một mình”. Vân đồng ý.

Hiểu rõ tình cảnh đáng thương của hai cô, Vân vạch một kịch bản không bỏ trốn trực tiếp từ “ổ nhện” như các lần trước. Tú bà Minh rất đa nghi, canh chừng cẩn mật “hàng hóa” của mình nhưng cũng có kẽ hở. Bị khách vùi dập liên tục, các cô cần phải trang điểm. Nhưng đám thôn nữ không thạo chuyện này.

Do đó bà ta thường cho họ qua tiệm làm tóc ở bên kia đường, cách “ổ nhện” khoảng vài chục mét. Vì quá gần đồng thời ngày nào cũng lặp lại nên đám chăn dắt lơ là chuyện này. Về sau để cho “hàng cũ” tự đi, chúng chỉ ngồi ở cửa “ổ nhện” nhìn qua. Tuy nhiên khi có khách vào, chúng cũng không thể giám sát từ xa được vì phải lo tiếp khách...

Nắm được kẽ hở này, Vân dặn dò: “Sáng mai hai em cứ qua tiệm làm tóc. Anh đậu taxi ở ngay dưới đường. Nếu xe vẫn đóng cửa, các em cứ bình tĩnh trang điểm như mỗi ngày. Nhưng thấy anh mở cửa thì hai em chạy ngay ra xe nhé”. Vân nói thêm cho hai cô hiểu anh phải làm vậy để canh chừng bọn bảo kê “ổ nhện”.

Khi nào chúng bận dẫn khách vào phòng, anh mới mở cửa xe cho các cô chạy trốn được. Bản đồ giao thông thành phố Liễu Châu cũng được Vân nghiên cứu kỹ. Ban đầu taxi sẽ chạy sâu về hướng đi Bắc Kinh, nhưng khi đến một ngã rẽ thì quay đầu lại về biên giới Việt Nam.

Anh muốn bọn bảo kê tưởng giang hồ “cướp gái” về làm “hàng mới” cho mình vốn thường xuyên xảy ra ở các phố đèn đỏ. Chúng không dám đuổi theo ngay mà phải gọi thêm lực lượng đối phó. Đó chính là thời gian vàng để họ bỏ trốn...

Đúng như kế hoạch Vân tính. 10 giờ sáng “ổ nhện” của bà Minh đã lác đác khách vào chơi bời. Bọn đầu gấu phải liên tục dẫn khách vào buồng. Canh lúc họ vừa quay lưng vào, anh mở cửa xe. Hường và Thùy thấy báo hiệu chạy ngay ra. Tài xế taxi được Vân trả tiền trước, nhấn ga vọt về đường cao tốc đi Bắc Kinh.

Qua kính chiếu hậu, Vân thấy đám bảo kê đã phát hiện nhưng đứng lố nhố chưa dám đuổi theo ngay. Đến ngã rẽ trên cao tốc, tài xế theo đúng kế hoạch vòng ngược lại đường về biên giới Việt Nam. Lúc này Vân mới thở hắt ra, trấn an cô gái đang sợ hãi trên xe. Chạy được vài chục kilômet, anh cẩn thận kêu tài xế dừng lại để đổi xe khác, đề phòng tình huống khó lường...

Đến biên giới Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cả hai cô gái đều không có giấy tờ làm thủ tục về nước. Tuy nhiên, Vân có những người bạn công an ở hai bên biên giới đã hiểu và từng nhiều lần nhiệt tình hỗ trợ anh. Hai cô gái vẫn được giải quyết về lại quê hương. Được anh gọi điện báo trước, cha mẹ các cô đã lặn lội lên biên giới đón con mình.

“Đưa được Hường về, tôi dẫn em đến trình báo công an để bắt giữ những kẻ lừa bán người. Tôi cũng dự tòa với tư cách luật sư bảo vệ bị hại. Tình trạng buôn bán người đang rất phức tạp. Nhiều khi tôi dẫn về đến sáu, bảy em một lúc, không ít em mới 13 - 14 tuổi.

Có người bị người yêu mình bán, thậm chí do chính cha mẹ vô tình đưa đẩy. Các em đều bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, kể cả nhiễm bệnh thế kỷ” - Vân tâm sự ngoài trách nhiệm cơ quan pháp luật, người dân phải được tuyên truyền nhiều hơn nữa về nạn buôn người.

Làm gì có hôn nhân thật sự nào khi cô dâu được định giá bằng tiền. Họ sẽ bị hành hạ tàn nhẫn để bù lại số tiền cho những kẻ buôn người, mua người đã bỏ ra.

 

 

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên