Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 10-2 cho biết: "Hiện nay, chúng tôi gần như bán hết toàn bộ lượng dầu sản xuất, tuy nhiên như đã khẳng định trước đây, chúng tôi sẽ không bán dầu cho những nước trực tiếp hoặc gián tiếp áp dụng nguyên tắc giá trần".
Theo ông Novak, việc áp giá trần dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của Nga là sự can thiệp vào quan hệ thị trường và là chính sách phá hoại của các nước phương Tây.
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Nga được đưa ra chỉ 9 ngày sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác OPEC+, mà trong đó Nga là thành viên, xác nhận sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng thống nhất trong năm 2022.
Ngày 10-2, Điện Kremlin cho biết Nga đã thảo luận với một số thành viên của OPEC+ về quyết định cắt giảm sản lượng.
Ông Novak nói thêm Nga không tổ chức cuộc tham vấn chính thức nào vì việc cắt giảm là tự nguyện. Thông tin này làm giá dầu thô Brent tăng hơn 2,5% trong ngày, lên 86,6 USD/thùng.
Theo Hãng tin Reuters, việc cắt giảm sản lượng cho thấy quyết định áp giá trần của phương Tây với các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã có một số tác động.
G7 - nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, Liên minh châu Âu (EU) và Úc đồng ý cấm cho đăng ký bảo hiểm hàng hải, tài chính và môi giới do công ty phương Tây cung cấp đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có giá trên 60 USD/thùng kể từ ngày 5-12.
Đây là một phần trong lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga do chiến sự ở Ukraine.
EU cũng áp đặt lệnh cấm mua các sản phẩm dầu của Nga và ấn định giá trần từ ngày 5-2 với dầu và các sản phẩm dầu của Nga.
Ngược lại, Nga đã cấm các giao dịch tuân thủ cơ chế giá trần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận