11/01/2013 09:05 GMT+7

Nếu trời không cho sống

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TT - Cuối hè năm 1999, tôi nghỉ dạy một tuần để đi Hà Nội khám bệnh lần nữa. Tôi hi vọng sau gần mười năm, y học đã có những tiến bộ nhất định và điều kiện bệnh viện đã cải thiện hơn. Dù hi vọng như vậy, nhưng nỗi sợ bệnh viện ẩn sâu trong tôi vẫn trỗi dậy.

Kỳ 1: Tuổi 13 định mệnhKỳ 2: Những người thầy vô hìnhKỳ 3:Hai tay nâng một viên phấn

OuKYGFAL.jpgPhóng to

Trong bệnh tật, đau đớn, mẹ là chỗ dựa lớn nhất của Bích Lan - Ảnh: Q.Việt

Hi vọng và thất vọng

Lần đi khám bệnh đó, tôi không quay trở lại tất cả 14 bệnh viện mà tôi đã từng đến trước kia. Một bác sĩ chơi thân với gia đình của cô tôi giới thiệu đến gặp vị giáo sư đầu ngành khoa xương Bệnh viện Việt - Đức. Sau khi khám cho tôi, vị giáo sư đó giới thiệu tôi tới khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai.

Khám bệnh cho tôi là vị thạc sĩ y khoa trạc 40 tuổi. Tôi có cảm giác chỉ cần nhìn thân hình gầy đến mức bất bình thường của tôi, quan sát cách tôi di chuyển, đặc biệt là cách tôi ngồi xuống ghế, bác sĩ ấy đã đoán tôi mắc bệnh gì. Việc đầu tiên ông ấy làm là yêu cầu tôi cho xem hai vai. Sau đó ông bảo tôi thực hiện động tác đứng dậy khỏi ghế, nhấc chân lên cao, cúi cong lưng. Tất cả động tác ấy tôi đều không thể tự làm được. Đối với ông ấy như vậy đã rõ. Ông ấy hỏi vài câu hỏi liên quan quá trình tiến triển bệnh, rồi khẳng định bằng giọng không gợn cảm xúc: “Bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển”. “Thưa bác sĩ, vậy giờ hướng điều trị cho cháu thế nào?”, mẹ tôi hỏi. “Bệnh này không có thuốc chữa đâu. Phải chờ”.

Gần 10 năm trước, cũng tại bệnh viện đó, một bác sĩ lớn tuổi hơn cũng đã nói tôi mắc căn bệnh ấy. Chỉ có điều ông ấy nói riêng với mẹ tôi. Vậy là tôi hiểu sự khác nhau giữa tuổi 14 và 24. Khi bạn 24 tuổi, người ta mong đợi bạn đối mặt với sự thật liên quan đến bạn, dù nghiệt ngã đến mức nào.

Tôi tỏ ra bình thản trong gần một tháng trời. Đó chỉ là sự bình thản bề ngoài. Trong lòng tôi nỗi buồn âm thầm trỗi dậy như những đám mây tích tụ lại tạo thành cơn dông. Rồi một buổi chiều, trong góc nhỏ quen thuộc của căn phòng 10m2, tôi bật ra tất cả nỗi buồn được kìm nén, chất chứa kể từ khi tôi biết bệnh mình chưa có thuốc chữa. Tôi khóc một trận với tột cùng nức nở! Đứng dựa người vào tường để khỏi khuỵu xuống, tôi nghe như thể tiếng khóc của mình bật ra từ tận trong tim, tôi nghe như thể cả tuổi trẻ, cả tương lai tôi cùng nức nở. Trong cái trận khóc tự do ấy tôi đã khóc cho cả mười năm chịu đựng của chính tôi và của người thân. Tôi khóc cho rất nhiều hi vọng, ước mơ mà tôi ấp ủ về ngày tôi khỏi bệnh.

Bây giờ, tôi khóc để chia tay tất cả giấc mơ ấy. Ông bác sĩ ở bệnh viện lớn đó đã nói rằng tôi phải chờ y học tìm ra phương thuốc chữa trị căn bệnh mà tôi đang mang. Tính đến thời điểm ấy, tôi đã chờ đợi hơn mười năm. Tôi không biết mình sẽ còn phải chờ đợi thêm bao lâu nữa!

Vào những ngày ấy, việc dạy tiếng Anh và các học trò thành sự cứu rỗi của tôi. Trong cơn sốc mà tôi không muốn cho ai biết sau chuyến khám bệnh đó, tôi tự an ủi rằng dù suốt phần còn lại cuộc đời tôi phải sống chung với căn bệnh này, tôi sẽ không làm cái bóng lặng câm góc nhà. Dù sống được bao lâu, một năm hay mười năm, tôi nhất định sẽ làm cho mỗi ngày mình được sống là một ngày hữu ích. Tôi cứ nghĩ mình sẽ gắn bó với việc dạy tiếng Anh lâu dài. Tôi không ngờ chẳng bao lâu sau tôi phải từ bỏ công việc mình yêu thích.

Sau gần năm năm duy trì lớp tiếng Anh tại nhà, tôi bước sang năm 2000 với tinh thần lạc quan và sự phấn chấn đáng ngạc nhiên xét trên những gì tôi đã trải trong chuyến khám bệnh ở Hà Nội cách đó không lâu. Việc dạy học của tôi ổn định hơn bao giờ hết. Hầu hết học trò tôi đều đã theo học được một thời gian nhất định, người ít là một năm, người nhiều bốn năm.

Mùa hè đến. Tôi có hai lớp chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học, trong đó có lớp ôn thi khối D. Hai lớp còn lại gồm các học sinh sắp lên lớp 11 và lớp 12. Lịch dạy của tôi kín mít. Mỗi tuần bảy buổi. Học trò tôi đội nắng đội mưa, đạp xe vượt những quãng đường xa đến nhà tôi. Chứng kiến các em vượt khó, nhìn những giọt mồ hôi các em, tôi cảm thấy muốn làm tất cả những gì có thể để kết quả thực chất ở môn tiếng Anh tốt như mong đợi. Những buổi dạy thường kéo dài hơn ba tiếng. Tôi đánh liều với sức khỏe mong manh của mình.

Những cơn mệt khủng khiếp

Một buổi sáng cuối tháng 5, khi các học trò lớp 12 của tôi chuẩn bị bước vào những ngày thi tốt nghiệp trung học, tôi rơi vào một cơn mệt chưa từng thấy. Cái cảm giác mệt thăm thẳm, mệt khủng khiếp. Tôi cảm thấy tim mình đập nhanh hơn bình thường, thỉnh thoảng lại thấy hình như nhịp tim bị ngắt. Người tôi nôn nao, bứt rứt, khó thở như thể trong ngực mình có một tảng đá. Lòng bàn chân, lòng bàn tay tôi đổ mồ hôi. Tôi nằm trên giường cố gắng chịu đựng. Đến khoảng 10 giờ sáng, tôi không thể chịu đựng được nữa. Cho đến lúc ấy tôi mới gọi bà tôi. Bà lập tức nhờ hàng xóm tới trường nơi mẹ tôi dạy học tìm mẹ về. Tôi được đưa đi bệnh viện tỉnh. Sau khi khám và làm điện tâm đồ cho tôi, bác sĩ ở đó kết luận tôi bị suy tim độ 2. Mẹ lặng người đi! Riêng tôi, bác sĩ khuyên không nên xúc động, không nên buồn. Thật khó mà khuyên được một người vừa mới biết mình mắc bệnh tim không nên buồn.

Thuốc bệnh viện không thể làm dứt hẳn cơn mệt. Cứ hết thuốc tôi lại mệt. Ở bệnh viện về, tôi hầu như chỉ nằm chịu đựng những cơn mệt. Chúng kéo dài suốt cả ngày, cả tuần. Rơi vào những cơn mệt, tôi không nghĩ bất cứ điều gì khác được, chỉ nghĩ đến cảm giác mệt. Ngày cũng như đêm, tôi chỉ muốn ngủ cho quên cảm giác khủng khiếp ấy mà không thể. Những lúc mệt quá, tôi ước gì mình xỉu đi được một lúc để khỏi phải ý thức khổ đau mà mình phải chịu đựng.

Tôi không đủ sức diễn tả cảm giác mệt đó bằng lời nói. Và dù có thể làm điều đó, tôi cũng không làm. Tôi im lặng, nhưng ở bên trong tôi không ngừng vùng vẫy, giãy giụa để giũ bỏ cảm giác mệt đeo đẳng như bóng hình. Với điều kiện mình, không phải lúc nào chúng tôi cũng tìm được bác sĩ; vì thế mẹ tôi mua thuốc trợ tim để sẵn ở nhà. Những lúc tôi mệt quá, mẹ tiêm cho tôi. Tôi đã chịu đựng bao nhiêu mũi tiêm không nhớ nữa. Chuyện tiêm chọc đã trở nên quen thuộc với tôi. Tôi biết rõ thế nào là tiêm bắp, tiêm ven. Có hôm mẹ đi vắng, tôi ở nhà vật vã với cơn mệt. Không thể chịu đựng nổi, tôi lấy thuốc tự tiêm cho mình. Có thể tưởng tượng được tôi mệt đến mức nào mới phải tự làm việc đó. Tôi ghét phải làm thế!

Người trong làng ngoài xã đều biết tôi - cô giáo lớp Cây Táo - đang ốm nặng.

Họ hàng, làng xóm đến thăm tôi. Có những người không đến gần, chỉ đứng ở cửa phòng nhìn tôi, lặng lẽ gạt nước mắt. Một hôm, ông cụ hơn 90 tuổi ở cuối làng chống gậy tới nhà tôi. Cụ cầm tay tôi trong bàn tay gầy của cụ và nói bằng giọng điềm tĩnh, ôn tồn: “Nếu trời không cho sống, nếu trời bắt đi thì phải đi, cháu ạ!”.

Tôi hiểu ý cụ, một người đã sống gần thế kỷ và đang đi chặng cuối cùng hành trình tồn tại của mình trên cõi đời. Tôi muốn nói với cụ rằng tôi đã tìm được sự thanh thản ấy rồi. Nhưng cuối cùng tôi im lặng...

___________________

Vật vã chịu đựng những cơn đau, cô đã khóc chia tay học trò, để chuẩn bị đón nhận điều xấu nhất. Nhưng rồi một cánh cửa khác mở ra như ông trời chẳng ép ai đến đường cùng bao giờ...

Kỳ tới: Một cánh cửa mới

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên