09/01/2013 10:02 GMT+7

Những người thầy vô hình

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TT - Khi việc tự học tiếng Anh đã nề nếp và tôi tạm yên tâm hướng đi của mình trên con đường tự học, tôi bắt đầu tự học các môn học khác ngoài tiếng Anh. Cũng từ sách giáo khoa của em trai, tôi tự học các môn văn học, lịch sử, địa lý, sinh học, hóa học, toán học và vật lý...

Kỳ 1: Tuổi 13 định mệnh

Người thầy trên... sóng

Nếu tôi có thể hiểu được những gì được đề cập trong các bài học của các môn xã hội, thì với các môn tự nhiên việc đó rất khó khăn. Có những vấn đề về toán học và hóa học tôi đọc và suy ngẫm đến toát mồ hôi, nhức cả đầu mà vẫn không hiểu được. Những lúc như thế tôi thèm có thầy dạy quá.

Trước khi em trai bước vào học kỳ 2 của lớp 11, tôi đã học xong chương trình tiếng Anh sách giáo khoa của cậu ấy và đồng thời kết thúc cuốn giáo trình Streamline trình độ A. Tôi mượn được một cuốn sách tiếng Anh lớp 12 và bắt đầu tự học từng bài trong sách đó. Mỗi ngày tôi học một bài trong sách giáo khoa và một bài trong giáo trình Streamline trình độ B. Cứ thế, mỗi ngày tôi lại nạp được vào đầu một lượng kiến thức nhất định.

Sau gần hai năm tự học tiếng Anh, tôi có trong đầu vốn từ vựng kha khá. Tôi đã nắm được cấu trúc hầu hết các mẫu câu thông dụng, biết viết những mẩu hội thoại, những đoạn văn đơn giản về các chủ đề khác nhau. Tôi có thể đọc những mẩu truyện tiếng Anh mà không cần mở từ điển liên tục để tra từ mới. Tuy nhiên, tôi vẫn gặp khó khăn lớn trong việc cải thiện kỹ năng nghe và nói. Từ khi bắt đầu học tiếng Anh, tôi chủ yếu phát âm các từ bằng cách bắt chước em tôi và dựa vào phiên âm trong từ điển. Tôi có bộ băng cassette chương trình tiếng Anh Streamline, nhưng chỉ nghe các bài luyện nghe nói trong đó thôi thì tôi thấy chưa đủ.

Em họ tôi mách tôi cách dò sóng đài VOA để nghe tiếng Anh hằng ngày. Tôi háo hức làm theo hướng dẫn và tìm được sóng đài đó không mấy khó khăn. Nhưng lần đầu tiên được nghe người bản ngữ nói tiếng Anh trong tình huống thực, tôi không cảm thấy thích thú mà ngược lại là tràn trề thất vọng! Tôi thất vọng vì mình lạc vào mê cung của những ngôn từ hoàn toàn xa lạ. Tôi thất vọng bởi nhận thấy những gì mình học được trong gần hai năm chẳng giúp tôi hiểu được dù chỉ một phần nhỏ suối ngôn ngữ đang tuôn không ngừng từ chiếc radio.

Tôi muốn nói với em họ rằng tôi chẳng hiểu gì cả, rằng ngôn ngữ người Mỹ nói trên VOA không giống với tiếng Anh tôi đã và đang học. Hóa ra, lần đầu tiên mở VOA, tôi gặp phải một chương trình chuyên ngành. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là chương trình về lĩnh vực kiến trúc. Tôi thất vọng là điều dễ hiểu. Lần mò mãi, cuối cùng tôi cũng tìm được chương trình Special English của VOA dành cho những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Phát thanh viên chương trình đó nói với tốc độ chậm hơn nhiều so với chương trình tôi nghe lần đầu. Ban đầu tôi cũng chỉ nghe được bập bõm, có lẽ chỉ hiểu được khoảng một phần tư những gì phát thanh viên nói. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến tôi vui.

Thời khóa biểu của tôi bắt đầu mọc ra kỷ luật dành cho việc nghe tiếng Anh. Mỗi ngày tôi dành ba mươi phút cho việc đó. Nghe Special English một thời gian, tôi chuyển sang nghe bản tin và những chương trình có tốc độ nói bình thường. Tốc độ bình thường đối với tôi vẫn là quá nhanh. Để hiểu được phần lớn những gì phát thanh viên nói, tôi thường phải nghe đi nghe lại nhiều lần.

Cũng với chiếc radio cassette cũ kỹ, tôi học cách tường thuật các sự kiện bằng tiếng Anh. Ban đầu tôi nghe bản tin thời sự quốc tế trên Đài Tiếng nói Việt Nam để biết được thế giới trong ngày có những sự kiện gì đáng chú ý. Tôi tập tạo những bản tin tiếng Anh từ những thông tin mình có được. Sau đó, tôi nghe bản tin tiếng Anh trên VOA và BBC để so sánh bản tin tự tạo của tôi và các bản tin “chuẩn” của đài. Cách tôi nửa vòng trái đất, các phát thanh viên đài VOA không biết họ trở thành những người thầy của tôi. Và cả các phát thanh viên đài BBC cũng vậy. Tôi quen với giọng nói từng người, thường mường tượng các biểu hiện trên khuôn mặt họ trong khi tôi nghe họ nói qua radio, thầm cảm ơn họ mỗi ngày đã vô tư đóng góp cho hành trình tự học của tôi. Cuộc đời là vậy, có những người cứ miệt mài làm công việc của họ để rồi kết quả tựa như những hạt giống được gió cuốn đi, lặng lẽ nảy mầm ở nơi nào đó rất xa, rất xa...

Bạn Mr. Hope

Chiếc radio cassette cũ kỹ của tôi phải hoạt động nhiều quá nên bắt đầu giở chứng, phát ra những tiếng rè rè nhức tai. Không nhờ được người chữa đài ngay nên tôi phải tạm xa những người thầy dạy nói, dạy nghe. Khoảng thời gian dành cho việc luyện nói và nghe của tôi bị treo. Tôi thấy buồn, thấy tiếc, thấy lo. Thế rồi không biết điều gì xui khiến một buổi chiều tôi chợt nảy ra ý tưởng lạ lùng: tôi sẽ có một người bạn ảo và hằng ngày tôi sẽ trò chuyện bằng tiếng Anh với người bạn đó. Có thể các bạn nghĩ tôi định làm quen với ai đó qua mạng Internet để luyện tiếng Anh hằng ngày. Không phải vậy. Tám năm sau khi nảy ra ý tưởng đó, tôi mới có cơ hội tiếp cận với Internet. Người bạn đó là một người bạn ảo 100%. Tôi tưởng tượng ra người bạn đó, đặt tên cho người ấy là Mr. Hope (Hi Vọng). Tôi quyết rằng đó là một người bạn lớn tuổi. Tôi không hiểu sao lại không tưởng tượng ra một chàng trai cùng thế hệ với mình. Quả thật tôi không hiểu tại sao.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tưởng tượng ra Mr. Hope đang đứng trước mặt mình, tôi đã không biết phải nói gì. Thế rồi, như thể sợ người bạn ảo đó chán mà bỏ đi, tôi bắt đầu ấp úng nói về ba quả dưa chuột mẹ mua ở chợ. Thế rồi, lại sợ câu chuyện về ba quả dưa chuột quá nhạt nhẽo, tôi tra từ điển tìm thêm từ để có thể nói về khả năng bị ngộ độc khi ăn dưa chuột không rõ nguồn gốc. Tôi tiếp tục các cuộc trò chuyện với người bạn ảo ấy. Những chuyện tôi kể với Mr. Hope thường chỉ là chuyện xảy ra hằng ngày. Nó giống một dạng nhật ký bằng lời nói, chỉ có điều tôi tưởng tượng ra rằng những gì mình nói có người nghe.

Tôi chỉ duy trì những cuộc trò chuyện ấy trong thời gian ngắn, khi chờ chiếc radio cassette được sửa. Với tôi đó là “phát minh” đáng kể, nhưng tôi không dám chắc người khác cũng nghĩ vậy khi họ thấy tôi thường xuyên nói một mình. Tôi không quên Mr. Hope, người bạn ảo mà tôi đã tưởng tượng ra trong hành trình tìm chữ và tìm cơ hội thay đổi cuộc sống đầy gian nan của mình. Sau này tôi viết một truyện ngắn mang tên Hi vọng. Chủ đề mà tôi đề cập đến không phải là việc tự học mà là về sự thất vọng của con người trong cuộc sống khi một biến cố lớn xảy ra. Trong truyện cũng có một nhân vật ảo Mr. Hope và đó chính là nhân vật tôi đã tưởng tượng ra trong quá trình tự học của mình.

Hơn mười năm sau, nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl tới thăm tôi ở Hà Nội. Ông ngạc nhiên khi nghe tôi nói tiếng Anh. Biết tôi tự học, ông hỏi tôi học như thế nào mà có thể nói tiếng Anh bằng giọng khá chuẩn như vậy. Khi tôi trả lời rằng tôi có hai “ông thầy” dạy nghe nói, một ông tên là VOA và một ông là BBC, Bruce Weigl không còn ngạc nhiên nữa.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan ra mắt tự truyện

HAgj72HH.jpgPhóng to
Một bạn đọc đến chung vui với Bích Lan (trái) trong buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan vừa ra mắt tập tự truyện Không gục ngã vào sáng 8-1 với sự có mặt của nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Tại buổi ra mắt, Nguyễn Bích Lan tâm sự: “Tôi tự kể câu chuyện vượt khó của mình, một phần chia sẻ với các bạn đã viết thư hỏi tôi về cách tự học và tự học tiếng Anh để thành dịch giả. Đồng thời tôi cũng muốn tập sách của mình đến với mọi người như một khích lệ: hãy tự tin rằng khó khăn nào rồi cũng vượt qua được”.

Bên lề buổi ra mắt sách, Bích Lan bắt tay và cảm ơn nhà thơ Trương Nam Hương, cô cho biết chính câu thơ Tay không lấm đất đồng nhà/dễ vô tâm mỗi khi và miếng cơm của nhà thơ mà cô rất thích đã là nguồn cảm hứng để Bích Lan viết chương 3 (Lời của cánh đồng) trong tập tự truyện này.

----------------------------------------------------------------

Từ phòng học, cô đã biến nó thành lớp dạy. Một lớp dạy đặc biệt mà cô giáo phải cố sức sử dụng cả hai tay mới nâng nổi một viên phấn. Còn học trò cứ vô ý đụng vào người là cô ngã lăn ra đất...

Kỳ tới:Hai tay nâng một viên phấn

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên