12/03/2009 08:22 GMT+7

Không gục ngã - kỳ 1: Tuổi 13 định mệnh

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Nguyễn Bích Lan bị bệnh nan y từ năm 13 tuổi và không đến trường được nữa. Đời cô tưởng chấm dứt khi chỉ còn da bọc xương, luôn gặp tai nạn mà đến chén cơm cũng không đủ sức cầm lên miệng. Tuy nhiên, cô vẫn sống với cháy bỏng tình yêu cuộc sống và lòng nhân ái như chính cô tâm sự: “Khi buồn tôi nghĩ đến người khác còn đang phải buồn hơn mình”.

Lan đã tự viết cổ tích cho chính cuộc đời tưởng mãi mãi sẽ là bất hạnh của mình. Cô gái trẻ miền quê nghèo chiêm trũng hiện đang được nhiều người biết đến với những tác phẩm văn học dịch đầy tính nhân văn.

68C9wiWJ.jpgPhóng to

Mong mười chẳng được vẹn mười. Vì con, mẹ chắt nụ cười ra môi. Chênh vênh nửa dốc cuộc đời. Vì con, mẹ mãi đầy vơi nỗi niềm...”. Ngồi ngắm những đóa hoa xuân nở muộn vẫn ngát hương sắc trong gió mùa đông bắc rét buốt, Nguyễn Bích Lan lặng lẽ cho tôi xem những trang thơ như nhật ký đời mình. Cô tâm sự: “Bác sĩ nói bệnh tình Lan mong manh lắm, có thể ra đi bất cứ lúc nào! Nhưng mình vẫn được ngắm mùa hoa xuân thứ 35 rồi đấy”.

Nói chưa dứt câu, Lan lại quay về bàn làm việc có ô cửa sổ nhỏ trông ra những chậu hoa ngoài sân. Cô gái bệnh tật, nặng chưa đến 30kg này đang rất bận rộn. Bốn tiểu thuyết nổi tiếng do cô dịch đang chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Nhưng đó là câu chuyện hôm nay.

G3RVRoTw.jpgPhóng to
Chăm sóc hoa là một niềm vui của Lan - Ảnh: QUỐC VIỆT

Quỵ ngã

Thái Bình. Năm 1989. Mùa đông dài dằng dặc với những đợt rét đậm triền miên. Cô bé Nguyễn Bích Lan lóng cóng đi bộ băng qua cánh đồng trơ gốc rạ để chuẩn bị kỳ thi học kỳ 2 của lớp 8. Từ nhà tại thôn Kiều Trai, xã Minh Tân, Lan phải đi tắt qua mấy con kênh và ba cánh đồng dài gần 7km mới kịp đến trường ở thị trấn huyện Hưng Hà. Đang rảo bước ven bờ kênh, Lan bất ngờ cảm thấy hai đầu gối tê điếng rồi ngã gục xuống.

Kênh chỉ lấp xấp nước. Cú ngã cũng nhẹ, chẳng có trầy xước, nhưng Lan không thể nào đứng lên được. Đầu gối cứ co gập lại, cứng đơ như khúc củi. Mấy lần Lan mím môi cố đứng lên nhưng đôi chân không còn cảm giác gì nữa. Lan đành ngồi chịu trận giữa vũng nước rét cóng, nước mắt cứ tuôn ra. Mãi lát sau, một bà đi làm đồng ngang qua mới đỡ Lan đứng dậy được. Cô phải tự cởi áo, vắt khô nước để cố lê bước đến lớp. Lần đầu đi học trễ, Lan ngồi góc lớp cúi mặt khóc vì buồn và sợ hãi trước cảm giác yếu đuối, bất lực của mình.

Vài tháng trước đó Lan đã hay bị té ngã khác thường. Nhưng cô bé chưa để ý, lo lắng gì lắm vì sau đó đều tự đứng lên được. Chỉ có lần ngã này là Lan thấy thật kỳ lạ và lo sợ. Lan sinh ngày 30 của tháng cuối năm 1975. Bà nội kể tuổi thơ của Lan rất khó khăn. Song Lan vẫn lớn bình thường như bao đứa trẻ khác. Lan đi học còn được thầy cô xếp ngồi cuối lớp. Mấy đứa con trai ghẹo Lan “tồ” và hay bắt sâu róm thả vào áo cô bé. Thú vui thời thơ ấu ở quê nghèo chiêm trũng Thái Bình của Lan là ngấu nghiến những quyển sách mà mẹ là giáo viên dạy văn mua cho.

Cô bé học rất giỏi, thường đứng hạng cao nhất lớp. Buổi sáng Lan thi học sinh giỏi văn, và lại được thi tiếp môn toán vào buổi chiều. Mới lên cấp II, Lan đã được chọn lên trường huyện để vào lớp chuyên văn. Cha mẹ Lan tràn đầy hi vọng tương lai con gái.

TJyAhT5B.jpgPhóng to
Tình thương của mẹ đã giúp Lan vượt qua bệnh tật - Ảnh: QUỐC VIỆT

Trong bệnh viện

Sau buổi sáng không tự đứng lên được này, Lan tiếp tục té ngã và ngày càng nhiều hơn. Có hôm cô bé ngã đến hai, ba lần, dù chỉ bước lên bậc thềm thấp hay cúi nhặt cây bút. Khi ngã hầu hết Lan đều không tự đứng lên được, phải trông chờ bạn bè hay người qua đường giúp. Đặc biệt, người cô bé cũng sụt cân gần 10kg, gầy nhô xương. Cô giáo phát hiện học trò của mình bất thường nhưng chỉ biết dặn dò Lan cố ăn uống, đi đứng cẩn thận. Bố mẹ Lan cũng thấy con khác lạ. Nhưng cùng thời gian này ông nội Lan lại nằm liệt ở bệnh viện, nên bố mẹ chỉ có thể dẫn con đi khám qua loa với vài lời khuyên, vài toa thuốc bổ của bác sĩ địa phương.

Vài tuần sau sức khỏe Lan sa sút hẳn. Người chỉ còn da bọc xương và cứng đơ như khúc củi. Mỗi lần ngã, Lan cũng cứng còng và đầu luôn bị đập xuống trước. Cô bé không thể cúi làm việc hay nhặt gì nữa vì không thể tự đứng lên được. Tuy nhiên, Lan vẫn cố lê lết đến trường. Các đoạn đường mấp mô ổ gà và những bậc thềm vào lớp dần như ngọn núi quá sức cô bé. Nhiều hôm Lan vừa khóc vừa phải bò để lên được các bậc thềm. Ban đầu Lan còn cố ý đi trễ để bạn bè, thầy cô trong lớp không phát hiện. Nhưng họ dần biết chuyện, các bạn đỡ Lan vào lớp. Hai bạn Thúy, Hạnh gần nhà còn thay nhau giúp chở Lan đến trường. Tuy nhiên, việc lên xuống yên xe đạp cũng ngày càng nặng nề, nguy hiểm với Lan.

Cố hoàn tất kỳ thi cuối lớp 8, Lan kiệt sức hẳn. Mùa hè năm 1989, bố mẹ lo hậu sự xong cho ông nội, liền gạt nước mắt đưa con vào Bệnh viện Thái Bình. Họ vừa khóc vừa bế con trên tay vì Lan không thể bước lên cầu thang được nữa. Bác sĩ nghi ngờ cô bé bị bệnh lao, nhưng đủ thứ xét nghiệm vẫn không tìm ra bệnh. Rồi cứ khoa này chỉ họ sang khoa kia và ngược lại. Cô bé hết bị rút máu xét nghiệm, lấy đàm, lấy phân, rồi đo điện tim, điện não..., và lại làm từ đầu.

Đằng đẵng mấy tháng lê la khắp các khoa Bệnh viện Thái Bình mà bệnh vẫn không thuyên giảm, bố mẹ Lan phải đưa con lên Hà Nội. Lan tiếp tục bị chuyển qua lại 14 bệnh viện. Dần dần, Lan hết nhớ nổi đã bị rút bao nhiêu ống máu để xét nghiệm. Thậm chí cô bé còn phải đau đớn chịu rút tủy, cắt phần thịt ở đùi để làm những xét nghiệm đặc biệt.

Mẹ Lan phải nghỉ dạy để chăm sóc con trong khắp các bệnh viện Hà Nội. Rồi một ngày bà lại đưa con qua cầu cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Một bác sĩ tên Trung đã chuẩn đoán Lan bị chứng bệnh hiếm rối loạn dưỡng cơ tiến triển. Bệnh sẽ biến chứng qua tim. Trẻ em bị bệnh này có thể chết sớm do bệnh tim kèm theo. Điều đáng buồn là đến giờ vẫn chưa có phương pháp hiệu quả đặc trị cho cô bé. Bác sĩ cố an ủi nhưng mẹ Lan quay cuồng, không còn nghe được gì nữa.

Nhưng thật kỳ lạ, lúc ấy bé Lan 13 tuổi lại thấy nhẹ nhàng. Lê la khắp các bệnh viện với biết bao xét nghiệm đau đớn, cô bé đã mơ cái chết và nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng giờ thì Lan đã biết mình chưa thể chết, ít nhất là trong hôm nay! Cô bé chỉ muốn về quê nhà bình yên với những chậu hoa lan rừng của mình.

Chính Lan đã nắm tay an ủi mẹ: “Về nhà mình thôi mẹ. Con vẫn chưa chết cơ mà!”.

_______________________________

Gia đình Lan đi “vái tứ phương”, cuộc sống của Lan được kéo dài, nhưng cô tin rằng đó không phải là phép mầu. Những trang sách ngoại ngữ như mở cửa ra thế giới bên ngoài cho cô gái bệnh tật.

Kỳ tới: Không có phép mầu

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên