27/05/2018 10:00 GMT+7

Năng suất lao động của Việt Nam thua cả Lào?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Nếu tính được hết kinh tế ngầm, đánh giá chính xác thu nhập không chính thức, năng suất lao động Việt Nam sẽ không phải bằng 93,2% của Lào - bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu Quốc hội.

Năng suất lao động của Việt Nam thua cả Lào? - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng: Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 93,2% của Lào - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 26-5, các đại biểu nêu nhiều băn khoăn khiến 2 bộ trưởng Lao động và Công thương được dành khá nhiều thời gian để giải trình.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), năng suất lao động Việt Nam có cải thiện đáng kể theo hướng tăng dần của từng năm. 

Tuy nhiên, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 7,2% của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia, 55% của Philippines và 93,2% của Lào.

"Nguyên nhân quan trọng nhất để năng suất lao động Việt Nam rất thấp so với các nước ngay trong khu vực ASEAN là tăng trưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng, tăng vốn đầu tư và tăng lao động, trong khi đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp TFP còn rất thấp, năm 2017 đạt 45,19%", ông Thắng phân tích.

"Chưa đánh giá chính xác"

Đề cập đến vấn đề liên quan, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết nhìn tổng thể cho thấy tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động an toàn, các chính sách an sinh xã hội, thị trường lao động chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao, thiếu hai nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực.

Năng suất lao động của Việt Nam thua cả Lào? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm - Ảnh: Quochoi.vn

Vẫn theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn, thất nghiệp tỉ lệ cao, hiện nay bình quân khoảng 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp.

Đứng ở quản lý nhân lực, khách quan năng suất lao động có chuyển biến tích cực, nếu tính theo giá hiện hành thì tăng 6,6% so với năm 2016, bình quân 10 năm qua chỉ tăng 4,4%, trong đó năng suất lao động chung của các ngành kinh tế bằng 1/3 khu vực công nghiệp, năng suất lao động công nghiệp bằng 1/4 khu vực dịch vụ, đây là bức tranh tổng thể về năng suất lao động.

"Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chúng ta áp dụng phương pháp tính chung phù hợp với xu hướng quốc tế, song qua trao đổi thấy rằng năng suất lao động của chúng ta có thể cần phải tính toán lại một cách cụ thể", bộ trưởng Dung giải thích.

"Chúng ta chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức. Nếu làm được điều này, chúng tôi tin rằng năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này".

Một số dự án "thua lỗ ngàn tỉ" đang hoạt động trở lại

Báo cáo Quốc hội về quá trình xử lý 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ, bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết trong số sáu dự án trước đây đã dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thua lỗ, nay có hai dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh đã khôi phục lại được và có lãi.

Năng suất lao động của Việt Nam thua cả Lào? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội sáng 26-5 - Ảnh: Quochoi.vn

Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 của Hải Phòng và dự án Nhà máy thép Việt Trung. Đặc biệt dự án thép Việt Trung về cơ bản trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép đưa ra khỏi 12 dự án này vì đã hoạt động trở lại bình thường.

Ba dự án trước đây bị dừng sản xuất, kinh doanh gồm PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước, hiện nay đã có một dự án vận hành sản xuất trở lại là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester của Đình Vũ.

Bốn dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất, kinh doanh đang đi vào ổn định, gồm Nhà máy phân đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP số 2 Lào Cai và Công ty đóng tàu ở Dung Quất.

Đối với dự án gang thép Thái Nguyên, ông Tuấn Anh cho biết cũng đã thực hiện theo đúng lộ trình và góp phần rút được 1.000 tỉ đồng vốn nhà nước của Công ty SCIC (công ty quản lý vốn nhà nước) ra khỏi dự án này.

Đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình pháp lý để tổ chức thoái vốn của Nhà nước ra khỏi hai dự án gang thép Thái Nguyên cũng như Tisco của Tổng công ty Thép, từ đó đảm bảo được hiệu quả bảo vệ nguồn vốn của Nhà nước và tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới giải quyết những tồn đọng với các nhà thầu.

"Chúng ta là nước nói nhiều nhất về cách mạng 4.0" 'Chúng ta là nước nói nhiều nhất về cách mạng 4.0'

TTO - "Chúng ta là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về 'cách mạng 4.0', nhưng nếu các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ không thay đổi căn bản lấy đâu ra nguồn lực...", đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên