Tên lửa đạn đạo DF-26 được Trung Quốc công bố lần đầu năm 2019 có tầm bắn gần 4.000km - Ảnh: AFP
Các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong những tuần gần đây không chỉ nhắm tới Đài Loan mà còn gửi cả tín hiệu cảnh cáo tới Mỹ. Điều này dẫn tới nhiều lo ngại về khả năng Bắc Kinh chuẩn bị hành động quân sự với Đài Bắc.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không ít lần công khai ý định để ngỏ khả năng sử dụng quân sự để thu hồi hòn đảo này.
Câu hỏi lớn của Trung Quốc
Hồi tuần trước, Nhân Dân Nhật Báo của chính quyền Bắc Kinh đã tung ra video bắn thử tên lửa đạn đạo DF-26. Đây là lần hiếm hoi Trung Quốc công bố cảnh bắn thử loại tên lửa mà nước này gọi là "sát thủ diệt tàu sân bay".
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc kế đó xác nhận các binh sĩ thuộc Tập đoàn quân 74 và thủy quân lục chiến đã tham gia tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Quảng Đông, Hải Nam. Các cuộc tập trận đều huy động các loại vũ khí hiện đại như tàu đổ bộ Type 071, máy bay ném bom H-6J và trực thăng Z-10.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Thành Trung - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS) - nhận định rằng các cuộc tập trận liên tiếp của Trung Quốc chỉ nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.
"Nếu Trung Quốc muốn phiêu lưu quân sự trong vấn đề Đài Loan, họ sẽ phải ngồi nghĩ trước ai là đồng minh của Bắc Kinh ở khu vực. Ngược lại, đằng sau Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là Đài Loan và một số quốc gia khác ở châu Âu", TS Trung nêu nhận định.
Mỹ mập mờ chuyện bảo vệ
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 10-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thừa nhận việc Mỹ bảo vệ Đài Loan tới đâu trước một cuộc tấn công của Trung Quốc là vấn đề "rất nhạy cảm".
"Mỹ có nhiều cam kết với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ các cam kết, nghĩa vụ trong chuyện này và đã nói rõ với cả Trung Quốc lẫn Đài Loan", ông Pompeo trả lời chung chung.
"Nghĩa vụ", theo như Ngoại trưởng Pompeo giải thích, nên được hiểu là các việc mà Chính phủ Mỹ phải làm theo các đạo luật của Mỹ liên quan tới Trung Quốc và Đài Loan, điển hình như Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979.
Trong đó, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu chính phủ tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Đài Loan dựa trên "các mối đe dọa hiện thời và tiềm tàng từ CHND Trung Hoa".
Tiêm kích F-16 được Mỹ bán cho Đài Loan - Ảnh: Cơ quan quốc phòng Đài Loan
TS Trung nhận định: "Một điều khoản khác cũng nêu rõ Mỹ sẽ chống lại các hành động làm thay đổi hiện trạng và chỉ ủng hộ các giải pháp hòa bình mà cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều chấp nhận.
Có thể thấy câu chữ của Mỹ khá mập mờ, nhưng chính sự không rõ ràng này lại vừa ngăn cản được Đài Loan tuyên bố độc lập vừa cảnh báo Trung Quốc nếu có ý định tấn công.
Cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều phải quan sát và không chắc Washington sẽ phản ứng như thế nào nên sẽ kiềm chế hành động".
Theo giám đốc SCIS, nếu Mỹ chọn đứng ngoài trong trường hợp Đài Loan bị tấn công, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ suy nghĩ lại về những cam kết của Mỹ trong các hiệp ước đồng minh đã ký.
"Vấn đề ở đây không phải là chi phí thiệt hơn bao nhiêu mà là giá trị niềm tin và địa chính trị chiến lược. Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nhưng sẽ luôn tránh nói bảo vệ vùng lãnh thổ bằng mọi giá", ông Trung lập luận.
Xe tăng Đài Loan diễn tập chống đổ bộ hồi tháng 7 năm nay - Ảnh: Cơ quan quốc phòng Đài Loan
Tranh cãi ở Mỹ
Hồi cuối tháng 7, hạ nghị sĩ Ted Yoho cho biết ông sẽ trình dự luật "ngăn chặn xâm lược Đài Loan", trong đó cho phép tổng thống Mỹ sử dụng quân sự để bảo vệ Đài Bắc trong 3 trường hợp sau.
Thứ nhất, Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Đài Loan; thứ hai, Trung Quốc có ý định tấn công các đảo do Đài Loan kiểm soát; và cuối cùng, nếu tính mạng của nhân dân và binh sĩ Đài Loan bị Trung Quốc đe dọa. Trước đó, một dự luật tương tự cũng đã được hạ nghị sĩ Mike Gallagher trình lên.
Một số nhà nghiên cứu Mỹ phản đối chuyện đổ quân bảo vệ Đài Loan và dẫn ra các bài học trong lịch sử. Trên tạp chí National Interest, nhà nghiên cứu Daniel L. Davis cho rằng cái giá phải trả cho việc Mỹ can thiệp trực tiếp là quá đắt.
Ông này kêu gọi Washington chỉ nên hỗ trợ Đài Bắc tăng cường năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ trước khi phiêu lưu quân sự.
Trong một bài viết khác trên tạp chí Foreign Policy, hai nhà nghiên cứu Bradley Bowman và Andrea Stricker cũng kêu gọi Mỹ chỉ nên duy trì cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan cân bằng. "Trang bị cho Đài Loan tất cả vũ khí, trừ hạt nhân là được".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận