Những điều bất ổn của thủ đô Hà Nội như tắc đường, thiếu cây xanh, sinh hoạt đắt đỏ, môi trường ô nhiễm... đã có từ lâu; những người đứng đầu TP muốn giải quyết nhưng chưa làm được vì nhiều lý do.
Lần này, ông Trần Sỹ Thanh, chủ tịch UBND TP, được giao trọng trách giải quyết những vấn đề tồn tại của Hà Nội.
Ông Thanh là người thực tế, ông biết là không thể làm cho Hà Nội xanh sạch đẹp ngay cùng một lúc được nên ông chọn làm cho Hà Nội sạch trước tiên.
"Sạch" ở đây có rất nhiều ý nghĩa, kể cả "sạch" từ ý thức người dân, từng người phải sạch - "sạch" từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng cho đến những hành động góp phần làm cho thủ đô xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học của cả nước.
Tuy nhiên cái sạch cụ thể mà ông Thanh muốn là làm cho cảnh quan đẹp, môi trường trong sạch, đặc biệt là chất lượng không khí phải tốt.
Những phương thức mà ông Thanh dự định thực hiện để Hà Nội sạch, bao gồm: bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, cấm xe máy đi vào một số khu vực ở quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình (thực hiện vào đầu năm 2025), thu phí cao những phương tiện giao thông không đạt chuẩn về chất thải, có chương trình hỗ trợ người dân đi xe điện...
Nhưng không chỉ có thế, để Hà Nội sạch, phải nghĩ lớn, làm lớn và làm quyết liệt hơn nữa.
Làm lớn thì không chỉ nghĩ cách bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, mà phải xây đập dâng ở giữa Hà Nội và Hưng Yên. Lúc đó chúng ta có thể cho nước sông Hồng tự chảy vào sông Tô Lịch.
Làm như thế không chỉ cứu sông Tô Lịch mà còn cứu cả sông Nhuệ, sông Đáy nữa. Một trong những nghĩ lớn, làm lớn nữa là không nên thấy đất nào trống là nghĩ cách xây cao ốc.
Cần phải nghĩ tới chuyện làm vườn hoa ở những khu đất trống trong nội thành. Ví dụ, khu triển lãm Giảng Võ (cũ) có thể biến thành vườn hoa chứ không phải là nhà cao tầng.
Còn làm quyết liệt là gì? Người bình thường cũng thấy những công trình xây dựng ở những khu đất vàng bỏ dở dang vừa lãng phí, vừa làm xấu, vừa gây ô nhiễm TP.
Lãnh đạo TP phải buộc chủ đầu tư đến một thời hạn nhất định nếu không hoàn thành được thì phải sang nhượng cho chủ đầu tư khác hoặc phá bỏ hoàn toàn.
Nếu không nghĩ lớn, làm lớn và làm quyết liệt thì Hà Nội vẫn chưa "sạch" và bất ổn như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận