21/06/2023 10:33 GMT+7

Một gen Z chọn về Việt Nam vì biết mình hạnh phúc

Ngoại hình xinh xắn, là một gen Z nhưng rất ẩn dật trên mạng xã hội, xuất phát điểm tốt... là sơ nét về gương mặt 9X Lê Hạnh Nguyên.

Lê Hạnh Nguyên (thứ hai, từ phải sang) cùng cha mẹ và anh trai trong ngày lễ tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ - Ảnh: NVCC

Lê Hạnh Nguyên (thứ hai, từ phải sang) cùng cha mẹ và anh trai trong ngày lễ tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ - Ảnh: NVCC

Vừa giành học bổng cao học vào hàng loạt trường danh giá của thế giới, trong đó có hai trường đại học Yale và Columbia nằm trong tốp các ngôi trường nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, cô gái gen Z ấy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ:

- Tôi may mắn được sinh trưởng trong gia đình rất coi trọng sự học dù trước đây khá khó khăn. Từ nhỏ, gia đình đã tạo nề nếp, dành nhiều thời gian khơi gợi đam mê tri thức trong tôi. Mỗi chủ nhật, cha đều đưa hai anh em tôi đi nhà sách, khuyến khích chúng tôi đọc và đặt câu hỏi.

Tôi ý thức rất rõ điều này nên luôn nỗ lực để trở thành người có ý chí, cầu tiến dù bản thân không phải là người giỏi nhất.

Tôi luôn cố gắng hết mình và hạnh phúc với kết quả đạt được. Tôi rất yêu thích câu nói của mẹ Teresa "Làm những việc nhỏ với tâm huyết lớn nhất" và đó cũng là châm ngôn sống của tôi.

LÊ HẠNH NGUYÊN

Dám bước ra "vòng tròn an toàn"

* Vừa nhận được "cơn mưa" học bổng (tổng giá trị gần 8,6 tỉ đồng) từ những ngôi trường danh tiếng, bạn đã chuẩn bị ra sao?

- Tôi chuẩn bị cho quá trình nộp đơn chương trình này trong khoảng 10 tháng. Thời điểm đó tôi thật sự "quay cuồng" vì vừa đảm đương vị trí chánh văn phòng ban quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu một tập đoàn công nghệ, vừa ôn luyện cho bài thi chuẩn hóa GMAT, rồi viết luận cho từng trường...

Dù thế, khi nhận được thư báo trúng tuyển, được cấp học bổng từ các trường, tôi thấy vô cùng hạnh phúc vì nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận. Tôi thuộc tuýp người thích sự ngăn nắp, gọn gàng và luôn có trình tự. May mắn tôi tìm được công việc phù hợp tính cách, thế mạnh của mình ngay khi mới ra trường.

Còn "bí kíp" để làm hiệu quả nhiều thứ cùng lúc nếu có chắc là cần linh động xác định mục tiêu quan trọng, phù hợp nhất vào từng giai đoạn.

Chẳng hạn, thời còn học đại học tại Mỹ, tôi làm chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam ở trường, vừa học vừa tranh thủ trực tiếp tham gia, điều hành các hoạt động của hội hai năm đầu (Hạnh Nguyên giành học bổng 240.000 USD cho bốn năm đại học tại Trường TCU, Hoa Kỳ).

Đến năm thứ ba trở đi, tôi "lui về hậu trường" hỗ trợ đàn em, ưu tiên cho việc học và tìm việc.

* Bạn quay trở lại trường học dù đang có vị trí cao trong một tập đoàn nước ngoài có phải là một quyết định dễ dàng?

- Với tôi, một vị trí cao là điểm khởi đầu tốt chứ không phải là đích đến cuối cùng. Bởi sẽ luôn có những mục tiêu xa và ý nghĩa hơn chờ đợi chúng ta. Rất may mắn là gia đình ủng hộ mạnh mẽ quyết định này của tôi.

Cha mẹ tôi luôn tôn trọng quyền tự do quyết định của các con. Tôi từng chọn đi tình nguyện bảo vệ tê giác ở Nam Phi vừa xa xôi vừa đầy rủi ro và khiến họ lo lắng. Hay lần tôi chọn đi thực tập tại một khu vực rất nghèo khó tại Ethiopia (châu Phi) với nhiều thử thách.

Nhưng đó là chuyến đi rất ý nghĩa khi tôi là sinh viên châu Á duy nhất trong đoàn, dù ít nhiều bỡ ngỡ nhưng tôi tự hào vì bản thân đã dám bước ra khỏi "vòng tròn an toàn".

Chuyến thực tập trên cũng giúp tôi nhận ra niềm yêu thích với các hoạt động thiện nguyện và mong ước được làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận. Đó cũng chính là dự định nghề nghiệp của tôi sau khi tốt nghiệp cao học.

Được làm điều mình thấy hạnh phúc

* Dân Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), có "xuất phát từ vạch đích", có công việc đáng mơ ước ngay khi tốt nghiệp... nên nhiều người cho rằng con đường bạn đi luôn trải hoa hồng chắc không sai?

- Thực ra tôi gặp rất nhiều thất bại. Hồi năm thứ ba đại học, tôi nộp đơn xin thực tập tại các công ty đa quốc gia, cũng được gọi đi phỏng vấn nhưng... rớt hết! Nhìn lại, tôi nhận ra bản thân đã chưa chuẩn bị đủ hoặc chưa có kinh nghiệm, chưa thể hiện được điểm mạnh.

Tôi nhận ra mỗi thất bại có bài học, ý nghĩa riêng và đó chính là không bao giờ được từ bỏ, không được ngừng tự soi rọi chính mình.

Khi không được nhận vào các công ty lớn, tôi chấp nhận thực tập ở một vị trí nhỏ hơn và cố gắng học thật nhiều kinh nghiệm từ vị trí thực tập này để tiếp tục "chinh chiến". Cuối cùng tôi đã được nhận vào một tập đoàn công nghệ lớn ở năm kế tiếp.

Khi gia đình có điều kiện hơn, chúng ta phần nào dễ tiếp cận những cơ hội tốt hơn. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ, tôi không chắc chúng ta có thể tận dụng điều đó hiệu quả.

Tôi có nghe mình bị dán nhãn "xuất phát từ vạch đích" nhưng không nghĩ quá nhiều về áp lực vượt qua định kiến hay phải chứng minh gì cả dù có thể gia đình mình có điều kiện hơn so với nhiều bạn khác một chút.

Vì tôi vẫn luôn cố gắng hết mình và hạnh phúc với kết quả đạt được, điều đó với tôi quan trọng hơn.

"Tôi muốn tiếp tục thử thách bản thân"

* Một trong những quyết định có ý nghĩa nhất mà khi nhắc lại bạn sẽ nhớ ngay?

- Sau nhiều năm học tập và làm việc tại Mỹ, tôi đã quyết định trở về Việt Nam. Có hai lý do dẫn đến quyết định trên. Đầu tiên là hai chữ gia đình, đây là điều tôi luôn biết ơn và trân trọng, nhất là khi đại dịch xảy ra khiến tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của sự gần gũi với gia đình.

Kế đến, tôi tin quê hương sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn. Sau thời gian dài ở Mỹ, tôi nghĩ rằng mình khó thể tiếp tục phát triển bản thân ở đây. Về Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục được thử thách bản thân, trải nghiệm những điều mới vì môi trường trẻ trung, năng động, nhiều tiềm năng hơn.

Đối thoại tuổi đôi mươi: Chỉ trong khó khăn, mình mới đủ lớn!Đối thoại tuổi đôi mươi: Chỉ trong khó khăn, mình mới đủ lớn!

TTO - Du học, làm việc cho công ty lớn của thế giới, dấn thân khởi nghiệp - ngã ba đường đầy cơ hội và không ít thử thách hiển hiện trước mắt chàng sinh viên Lê Yên Thanh vừa tốt nghiệp đại học khi ấy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên