16/01/2015 09:07 GMT+7

​Hãy đặt mục tiêu cho cuộc đời mình

LÊ NAM thực hiện
LÊ NAM thực hiện

TT - 11 năm trước ông Phạm Hồng Hải, giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ Ngân hàng HSBC VN, xuất hiện trong loạt bài “Người làm thuê số 1” trên báo Tuổi Trẻ.

Có mục tiêu và cháy hết mình vì mục tiêu đó để thành công. Trong ảnh: giờ học của sinh viên chương trình tiên tiến Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: N.Hùng
Có mục tiêu và cháy hết mình vì mục tiêu đó để thành công. Trong ảnh: giờ học của sinh viên chương trình tiên tiến Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: N.Hùng

Mới đây ông là người VN đầu tiên trở thành tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại VN kể từ ngày ngân hàng này có mặt tại VN.

Đối thoại tuổi đôi mươi giới thiệu những chia sẻ của ông cùng các bạn trẻ.

Ông Phạm Hồng Hải - Ảnh: Tiến Long
Ông Phạm Hồng Hải -
Ảnh: Tiến Long

* Ông chọn làm việc trong ngành ngân hàng ngay từ đầu?

- Khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi đã thực tập ở một số đơn vị nhưng lại chọn làm việc ở HSBC. Thời điểm đó tôi thật sự chưa nhận ra đâu sẽ là nơi phù hợp cho mình, đến khi vào làm ở ngân hàng cũng không biết bộ phận nào sẽ giúp mình thành công... nhưng càng làm tôi mới phát hiện có những mảng phù hợp với sở thích ban đầu từ hồi sinh viên của mình rồi dần dần đam mê công việc này.

* Rồi sau đó ông có dễ dàng thăng tiến?

- Tôi phải mất chín năm mới đạt đến vị trí mà rất nhiều bạn bây giờ mới vào ngân hàng đã có được. Nhưng tôi lại nghĩ đó là điều may mắn vì được sống chậm. Lúc đó quy mô ngân hàng còn nhỏ nên tôi có cơ hội được cùng các đồng nghiệp làm nhiều mảng khác nhau. Các bạn trẻ giờ vào làm việc áp lực công việc rất lớn nên chỉ lo đủ thời gian tập trung hoàn thành tốt công việc hiện nay của mình đã là khó.

* Làm việc rất lâu ở một nơi, có lúc nào ông cảm thấy công việc trở nên nhàm chán?

- Năm 2000 khi tôi là nhân viên phòng kinh doanh ngoại tệ, mặc dù rất yêu thích công việc nhưng khi đó thị trường tài chính ít sản phẩm, đã vậy lại còn đơn giản, tôi từng không thấy khả năng để phát triển nghề nghiệp. Khi đó mảng bảo hiểm đang rất sôi động, tăng trưởng nhanh, kiếm tiền rất nhanh.

Tôi cũng mon men nghĩ đến chuyện chuyển sang một công ty bảo hiểm. Đúng lúc đó có một số người bạn trong ngân hàng biết tôi có ý định này đã nói rằng việc chuyển công việc là bình thường nhưng phải chọn thời điểm thích hợp, đó là khi đã lên đến đỉnh trong một lĩnh vực. Khi chưa tạo ra dấu ấn ở nơi mình đang làm, nhảy sang công việc mới bạn cũng sẽ tiếp tục ở vị trí như cũ mà thôi.

* Chức tổng giám đốc đối với ông có “to” không?

- Tôi nghĩ việc trở thành tổng giám đốc cũng không có gì to tát nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc và vui vì mình là một ví dụ để mọi người tự tin hơn và mong muốn có nhiều bạn trẻ thành công hơn nữa. Làm sao có một ngày nào đó, một người VN trở thành tổng giám đốc một tập đoàn lớn, khi đó tôi mới nghĩ đến việc tạo được dấu ấn riêng của người VN.

* Điều gì khiến ông có quyết tâm mạnh mẽ hơn?

- Cũng năm đó khi tham gia một khóa học ở London (Anh) dành cho các bạn trẻ mới vào ngân hàng, chúng tôi được hỏi: Mục tiêu nghề nghiệp cuối cùng của bạn là gì? Bạn muốn làm gì trong vài năm tới?

Ngay khi đó tôi đặt ra mục tiêu mình sẽ vào nhóm đầu của ngân hàng đang công tác sau năm năm, dù khi đó còn nhiều người nước ngoài và nhiều đồng nghiệp già dặn khác có cấp bậc cao hơn nhưng mục tiêu này đã giúp tôi có động lực.

* Hồi đi học ông là học sinh thế nào?

- Tôi không xuất thân từ gia đình khá giả và phải trải qua những giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên điều này lại trở thành động lực, buộc mình vươn lên. Thỉnh thoảng tôi vẫn giở học bạ ra xem vì chưa bao giờ mình là học sinh khá, có nhiều môn còn dưới mức trung bình, phải thi lại.

Bước ngoặt quan trọng nhất của tôi là thời điểm năm tôi học lớp 11, tôi chơi với một nhóm bạn học rất giỏi ở trường chuyên. Tôi tự hỏi sao các bạn đó học giỏi mà mình lại cứ lẹt đẹt hoài và đó cũng là động lực cho bản thân để không thua kém các bạn.

Con người có khả năng vô hạn, vấn đề là bạn đã cố gắng hết mức để xem khả năng của mình đến đâu chưa, biết đâu bạn sẽ phát hiện khả năng nào đó mà mình chưa phát hiện được. Một khi đã có áp lực, tự bản thân sẽ nghĩ ra cách để giải quyết khó khăn đó, tự bản thân sẽ điều chỉnh.

* Khi nhận được quyết định bổ nhiệm, ông chia sẻ gì với các nhân viên?

- Tôi gửi cho các nhân viên một bức thư chia sẻ lại những gì mình thu nhận được trong 20 năm làm việc. Tôi nói rằng các bạn phải tiến lên phía trước nhưng phải nhìn lại quá khứ để hiểu vì sao nó diễn ra như vậy. Nếu anh thật sự đóng góp và có nhiệt huyết thì sớm hay muộn anh cũng được tưởng thưởng.

Bây giờ tôi thấy nhiều bạn chỉ muốn theo kiểu “mì ăn liền”: tôi đóng góp năm nay rồi thì cuối năm phải thăng chức, thưởng cho tôi, không thì năm sau tôi sẽ đi qua tổ chức khác. Nhiều khi sống chậm sẽ giúp bạn rất nhiều. Việc chậm lên lương, lâu thăng chức thì thật sự không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận được, nhưng nó giúp mình có nhiều thời gian đào sâu kiến thức, khi đảm nhận vị trí mới thì mình đã có nền tảng.

Giới trẻ hiện nay có điểm xuất phát tốt hơn thời của tôi rất nhiều nhưng dường như sự khát khao, cống hiến không còn nhiều như thời của tôi. Tôi có cảm nhận nhiều bạn nghĩ những gì các bạn nhận được là hiển nhiên, mình làm hay không làm chắc chắn cũng sẽ có. Nếu không kiếm được việc tốt, không thành công trong công việc, gia đình cũng sẽ lo lắng cho các bạn...

Nhưng đáng sợ hơn là nếu tất cả mọi người đều không còn giữ được “lửa” nữa thì VN chẳng còn khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Trả lời câu hỏi mình là ai và mình muốn gì cực kỳ khó, hơn nữa khi hưởng thụ lúc nào cũng dễ, còn “cày cuốc” phát triển bản thân là chuyện rất cực khổ. Vậy mục tiêu cuối cùng của mình là gì? Bạn có muốn tạo dấu ấn trong cuộc đời - là người đã tạo bước ngoặt cho ngành đó hoặc đã cống hiến lớn cho ngành, cho gia đình? Chỉ có một cách: cháy hết mình vì mục tiêu đã đặt ra.

LÊ NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên