Ông Phạm Anh Khoa - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Hẳn là có lý do.
Ông Phạm Anh Khoa, giám đốc Công ty cổ phần giáo dục YOLA và là đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận VietAbroader (được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ công nhận), chia sẻ.
Thử tìm nguyên nhân
Không chỉ đặt mục tiêu đọc sách cho bản thân mình, CEO của Facebook còn khích lệ tinh thần đọc sách của cộng đồng khi mở ra CLB đọc sách trực tuyến “A year of books” (https://www.facebook.com/ayearofbooks) thử thách mọi người cứ hai tuần đọc một quyển sách, gợi ý các tựa sách hay và cùng nhau thảo luận về các quyển sách sau khi đọc xong.
Tại sao Mark Zuckerberg - CEO quyền lực của công ty trị giá hơn 200 tỉ USD trên sàn chứng khoán - lại quan tâm đặc biệt đến việc đọc sách như vậy? “Sách giúp bạn khám phá một chủ đề toàn diện và say sưa hòa mình vào trải nghiệm đó một cách sâu sắc hơn hầu hết các phương tiện truyền thông hiện nay”, một phần trả lời nằm trong chính dòng status trên Facebook của Mark Zuckerberg.
Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, không chỉ Mark Zuckerberg mà nhiều lãnh đạo toàn cầu đều thấy tầm quan trọng của việc hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa và con người của các nước trên thế giới.
Tôi may mắn có dịp đi dự các hội nghị doanh nhân thế giới của Diễn đàn kinh tế thế giới và APEC ở Bangkok (Thái Lan), Bali (Indonesia), Manila (Philippines)... và trong các buổi trò chuyện trên bàn tiệc, tôi nhận ra các chủ đề trao đổi không chỉ về kinh tế, kinh doanh mà còn về văn hóa, nghệ thuật hay tâm lý học, vì nói cho cùng mọi thứ đều liên quan và tác động lẫn nhau.
Quả thật tôi rất ấn tượng khi thấy các vị chủ tịch và CEO những tập đoàn lớn ngoài kiến thức chuyên môn còn có hiểu biết sâu sắc, uyên bác về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Quan trọng hơn, tôi phát hiện rằng cho dù chia sẻ trước hàng ngàn người, tranh luận trong các bàn tiệc hay đơn giản trò chuyện hai người với nhau, các lãnh đạo doanh nghiệp rất hay trích dẫn từ các sách khi dẫn chứng hoặc bảo vệ một quan điểm nào đó.
Từ điều này suy ra: sách là người bạn đồng hành quan trọng của các lãnh đạo này trong con đường kinh doanh.
Một em nhỏ say sưa đọc sách trong hội sách 2014 tổ chức tại công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Cơ hội giành học bổng
Gần hơn, tôi muốn chia sẻ về một cuộc chiến không kém phần khốc liệt: nắm bắt cơ hội du học. Ngoài học lực trong trường, khả năng giành các suất học bổng du học phụ thuộc những yếu tố quan trọng: kết quả các bài thi chuẩn hóa như TOEFL, SAT hay GRE..., bài luận và/hoặc phỏng vấn.
Nếu bạn đọc sách nhiều và thường xuyên, kho kiến thức và tư duy sâu rộng sẽ là “vũ khí” quan trọng khi bạn đối đáp các tình huống hóc búa của nhân viên tuyển sinh hay trả lời các câu hỏi khó trong bài luận.
Và đừng quên, “Cuốn sách cuối cùng bạn đọc là gì? Bạn nghĩ sao về cuốn sách đó?” luôn là câu hỏi phổ biến nhất trong các buổi phỏng vấn học bổng.
Tôi có ba người bạn thân là Khang, Trang và Việt, cả ba đều là những trường hợp thành công điển hình trong giới du học sinh (tốt nghiệp từ ĐH Princeton, ĐH Luật New York, ĐH Stanford, Trường Harvard và đang giữ các vị trí cấp cao ở Mỹ và VN).
Cả ba người bạn này đều có một điểm chung: đam mê đọc sách từ nhỏ. Đến bây giờ mỗi khi gặp lại họ dù bất cứ nơi đâu... tôi thường bắt gặp ở họ hình ảnh luôn cầm trên tay một quyển sách.
Làm thế nào để đọc sách thông minh?
Qua thời gian học tập và làm việc với các cá nhân trên cũng như nhiều bậc phụ huynh nước ngoài, tôi nhận thấy họ giúp các bé đọc sách thông minh qua ba nguyên tắc sau:
* Tập ngay thói quen từ nhỏ
Ông bà chủ nhà trọ người Mỹ của tôi hơn 80 tuổi kể rằng cách đây hơn 50 năm, ông bà kể chuyện cho con ông bà nghe, khi lớn hơn thì ngồi đọc sách chung với họ. Sau này các người con của ông bà đều trở thành các bác sĩ thành đạt và họ quay lại kể chuyện và đọc sách với con họ. Để thành thói quen thì quan trọng nhất là hành động thường xuyên, có thể chỉ 20-30 phút mỗi ngày nhưng phải kiên trì duy trì thói quen đó.
* Đọc đa dạng
Các phụ huynh phương Tây không bắt các bé đọc một loại sách cụ thể mà sẽ đưa ra nhiều lựa chọn (đã kiểm chứng về an toàn nội dung) để các bé chủ động chọn. Vì các bé từ khi sinh ra đến trưởng thành sẽ có nhiều đam mê, hoài bão khác nhau, họ thường khuyến khích các bé đọc nhiều chủ đề, lĩnh vực để các bé mở rộng kiến thức và trí tưởng tượng một cách phóng khoáng.
* Chia sẻ, thảo luận cởi mở
Khi các phụ huynh cùng đọc và trao đổi với con mình về các chủ đề trong sách, việc này sẽ kích thích các bé phân tích và hiểu sâu hơn các chủ đề, đồng thời giúp phụ huynh và các bé hiểu về quan điểm của nhau một cách sâu sắc hơn.
Cho dù bạn muốn giành học bổng đi du học, trở thành công dân toàn cầu, hay phấn đấu thành lãnh đạo tập đoàn... hãy luôn nhớ rằng đọc sách là một hành trang không thể thiếu. Đọc sách - để khám phá thế giới, để khám phá bản thân, để trở thành một người có ích cho gia đình và cho xã hội - là một lựa chọn đầu tư thông minh cho dù bạn là ai, đến từ đâu.
Mark Zuckerberg đã lựa chọn con đường này. Còn bạn?
“Cùng xây tủ sách thông minh” (thuộc dự án “Thư viện thông minh Samsung”) là chương trình do báo Tuổi Trẻ và Samsung VN phối hợp tổ chức. Chương trình hướng tới việc hỗ trợ các bậc phụ huynh cách tiếp cận, hướng dẫn, khuyến khích tình yêu đọc sách ở trẻ em. Các bậc phụ huynh muốn chia sẻ những câu chuyện liên quan đến việc đọc sách của con có thể gửi email về: tusachthongminh@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận