16/07/2018 10:03 GMT+7

'Mẹ cứ để con mặc đồ cũ, không sao đâu'

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Lê Đình Quốc Việt (12 tuổi), cậu học sinh lớp 4/7 trường tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp, TP.HCM) nói với mẹ trong những ngày chuẩn bị cho đầu năm học mới.

Mặc đồ cũ để tiết kiệm tiền

Chị Phùng Thị Hương (46 tuổi), mẹ Quốc Việt tự hào kể với chúng tôi về sự hiếu thảo và ngoan ngoãn của cậu con trai nhỏ. Bảy năm trước, chồng chị qua đời khiến mọi áp lực đổ dồn lên vai chị. Đứa con lớn cũng bỏ học giữa chừng rồi bị đưa vào trường giáo dưỡng, gần đây vừa xin được việc làm nhưng cũng ít khi ghé về nhà.

Trong khi đó, dù còn nhỏ tuổi nhưng Quốc Việt lại có ý thức trách nhiệm với gia đình và việc học. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, Việt lại lấy bài cô giao ra để học hoặc đọc sách để chuẩn bị trước cho buổi học sắp tới.

Hầu hết thời gian em đều ở nhà phụ giúp mẹ những công việc lặt vặt như rửa chén, quét nhà, gấp quần áo... Hiện nay, chị Hương giúp việc cho các gia đình với mức lương khoảng 40.000 đồng một giờ. Ngoài ra, tận dụng chiếc máy may ở nhà, chị cũng nhận thêm công việc sửa quần áo để kiếm thêm chút thu nhập lo cho bữa ăn gia đình.

Căn phòng chị Hương thuê để ở chỉ vỏn vẹn 9 mét vuông. Có những lúc thiếu tiền, chị phải chạy vạy ngược xuôi đi mượn để đóng học phí cho Việt.

"Miễn sao con mình quyết tâm, chịu khó học là mình chấp nhận hết, không bao giờ cho con bỏ học. Ngày xưa mình mù chữ thì đành chịu, nhưng giờ phải cho con học để nó có tương lai sau này", chị tâm sự.

Mẹ cứ để con mặc đồ cũ, không sao đâu - Ảnh 1.

Dù còn nhỏ tuổi nhưng Quốc Việt lại có ý thức trách nhiệm với gia đình và việc học - Ảnh: BÌNH MINH

Sống trong hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ, Việt đã học được cách tiêu xài tiết kiệm. Số tiền để dành được, Việt chưa một lần lấy đi mua đồ chơi dù rất thích vì "sợ tốn tiền". Ngược lại, em dành dụm để đầu năm học mới đi mua tập sách và dụng cụ học tập.

Năm học này, hai mẹ con Việt dự định sẽ đi mua một chiếc bàn học vì hiện nay ở nhà em chỉ ngồi học trên nền đất, hoặc phải sang nhà hàng xóm để mượn bàn.

Chị Hương kể có lần chị nói sẽ dẫn con đi mua đồ mới, nhưng không ngờ Việt lại từ chối.

"Thằng bé nói cứ để nó mặc đồ cũ vì còn vừa, sang năm chuyển cấp hẵng mua đồ mới chứ không lại tốn tiền", chị kể.

Mê nói chuyện với người nước ngoài

Cô bé Trần Ngọc Yến Nhi (9 tuổi), học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản (Quận 12) tự tin nói với chúng tôi rằng mình rất thích được nói chuyện với thầy giáo người Mỹ trong lớp.

Không như những bạn bè khác, Nhi luôn chủ động tìm kiếm cơ hội để được học và tiếp cận với môn tiếng Anh. Cô bé hăng say giơ tay phát biểu và trả lời các câu hỏi của thầy, không hề tỏ ra sợ hãi.

Vừa qua, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (41 tuổi) may mắn tìm được cho Nhi một suất học tiếng Anh được hỗ trợ học phí. Trong kết quả thi cuối khóa học, Nhi đạt 13/15 điểm, được giáo viên đánh giá cao về khả năng tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ.

Mẹ cứ để con mặc đồ cũ, không sao đâu - Ảnh 2.

Trong kết quả thi cuối khóa học, Nhi đạt 13/15 điểm - Ảnh: BÌNH MINH

Chín năm trước, Nhi chào đời nhưng không có tuyến lệ khiến mắt em thường bị nhiễm trùng. Chị Hà kể đó là khoảng thời gian vất vả nhất của chị vì sức khỏe Nhi rất yếu, nhiều lần phải nhập viện điều trị. Có những đêm, cô bé chảy máu cam ướt hết cả cổ áo, chị phải dậy lau máu cho con. Điều may mắn lớn nhất là sau thời gian dài kiên trì chăm sóc sức khỏe Nhi, cô bé đã khỏe mạnh hơn và trưởng thành tốt.

Chị Hà đang làm tạp vụ tại trường tiểu học Trần Quốc Toản, nơi Nhi theo học. Mỗi sáng, hai mẹ con đèo nhau đến trường. Buổi chiều khi học sinh các lớp tan học, Nhi lại phụ giúp mẹ dọn dẹp lớp rồi cùng mẹ về. Sau bữa ăn tối, Nhi lại lên bàn tự học. Những bài khó, em nhờ mẹ hoặc anh hai hướng dẫn. Cứ thế, đều đặn, các năm học Nhi đều được xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt.

Mẹ cứ để con mặc đồ cũ, không sao đâu - Ảnh 3.

Các năm học Nhi đều được xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt - Ảnh: BÌNH MINH

Chị Hà cho biết dù mức lương không cao nhưng chị luôn đặt việc học của con là ưu tiên hàng đầu.

"Mỗi khi lãnh lương, việc đầu tiên tôi làm là trích ra phần tiền để đóng học phí cho con", chị chia sẻ.

Sắp tới, chị Hà dự định sẽ cố gắng làm thêm để có tiền cho Nhi học thêm tiếng Anh. Chị nói nhất định sẽ đầu tư cho con ăn học thành tài, và sẽ mang tất cả bằng khen của Nhi lộng vào khung để làm động lực cho cả hai mẹ con cùng phấn đấu.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ

TTO - Hai đứa trẻ lớn lên trong hai hoàn cảnh không cha, được nuôi lớn từ gánh bún của bà, của mẹ, sống cùng người thân bệnh tật nhưng vẫn cố gắng học hành, yêu thương gia đình.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm