19/12/2019 09:20 GMT+7

Màn luận tội chia rẽ nước Mỹ

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ngày 18-12 sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ như một ngày đen tối khi Tổng thống Donald Trump gần như chắc chắn trở thành tổng thống thứ ba bị luận tội trong 240 năm qua.

Màn luận tội chia rẽ nước Mỹ - Ảnh 1.

Người biểu tình xuống đường đòi luận tội ông Trump tại California ngày 17-12 - Ảnh: AFP

Vụ luận tội ông Trump đã gây chia rẽ mạnh mẽ chính trường và cả người dân nước Mỹ.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ bị Hạ viện, do Đảng Dân chủ nắm đa số, buộc hai tội danh chính là lạm quyền và cản trở Quốc hội tiến hành luận tội khi gây sức ép lên Ukraine buộc nước này điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden, một đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. 

Dù nhiều khả năng ông Trump dễ dàng vượt qua phiên xét xử tại Thượng viện, vốn do Đảng Cộng hòa kiểm soát, nhưng vụ luận tội vẫn đánh dấu một thảm kịch chính trị của nước Mỹ.

Chia rẽ

Một khảo sát của Đài CNN ngày 17-12 cho thấy 46% người tham gia cho rằng cần phải luận tội ông Trump trong khi 49% phản đối, tương tự một khảo sát của AFP với 45% ủng hộ và 51% phản đối. Trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, khoảng 600 cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ để kêu gọi luận tội và bãi nhiệm ông Trump.

Tại quảng trường Thời Đại ở New York, hàng ngàn người xuống đường với các khẩu hiệu "Trump không đứng trên luật pháp" hay "luận tội Trump". Trong khi đó, trong bức thư đăng trên trang Medium, 700 nhà sử học Mỹ cũng đồng lòng kêu gọi bãi nhiệm tổng thống. 

"Ông Donald Trump đã vi phạm lời thề "thực thi một cách trung thực Văn phòng tổng thống Mỹ" và "giữ gìn, bảo vệ và che chở Hiến pháp Mỹ"" - bức thư viết, đề cập đến "vô số" việc lạm quyền và cản trở Quốc hội của ông Trump.

Nhưng điều đó không ngăn được ông Trump có được sự ủng hộ cao nhất trong nhiệm kỳ của mình. Thăm dò của Đại học Quinnipiac, Mỹ ngày 16-12 cho thấy có 43% người tham gia khảo sát ý kiến công nhận hiệu suất công việc của ông Trump, trong khi 52% không công nhận. Dù tỉ lệ này vẫn thấp hơn những người tiền nhiệm của ông Trump tại cùng thời điểm của nhiệm kỳ, nó cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cử tri Mỹ sẽ không có tiếng nói trong việc luận tội mà là các nghị sĩ. "Các cử tri sẽ có cơ hội quyết định vào năm sau" - hạ nghị sĩ Mỹ Elissa Slotkin nói.

Sáu giờ luận tội

Ủy ban quy định Hạ viện ngày 17-12, giờ Mỹ, đã ấn định thời gian sáu giờ để Hạ viện tranh luận việc luận tội ông Trump ngày

18-12 trước khi tiến hành bỏ phiếu hai bản luận tội ông cùng ngày. Dù vậy, kết quả dường như đã ngã ngũ. Phe Dân chủ tự tin có đủ số phiếu đa số để thông qua hai bản luận tội, chưa kể những bằng chứng vững chắc. Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, người thay thế ông Nadler dự họp, khẳng định Ủy ban Tư pháp đã thu thập rất nhiều bằng chứng cho thấy ông Trump đã phạm nhiều tội nặng lẫn nhẹ, đủ tiêu chuẩn luận tội theo Hiến pháp Mỹ.

Dù biết không thể xoay chuyển được việc luận tội, ông Trump ngày 17-12 vẫn gửi một lá thư dài 6 trang tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, trong đó tố phe Dân chủ âm mưu "đảo chính", gây chiến với nền dân chủ Mỹ khi cơ quan này chuẩn bị bỏ phiếu hai bản luận tội ông vào ngày 18-12. 

"Bằng việc tiến hành việc luận tội vô căn cứ của bà, bà đã vi phạm lời tuyên thệ của mình, bà đang phá bỏ sự trung thành của mình với hiến pháp và tuyên chiến với nền dân chủ Mỹ. Bà coi dân chủ như kẻ thù của mình" - ông Trump gay gắt.

Giữ đúng lời hứa sẽ không theo dõi cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, ông Trump ngày 17-12 đã lên đường đến Michigan để gặp gỡ người ủng hộ, để lại cuộc tranh cãi cho các nghị sĩ Cộng hòa. 

Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Dough Collins ngày 17-12 chỉ trích tiến trình luận tội do Đảng Dân chủ chủ xướng giống như một "phiên tòa kangaroo", bỏ qua và coi thường các nguyên tắc của luật pháp và công lý. 

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Mitch McConnell bác bỏ yêu cầu của Đảng Dân chủ đòi đưa các nhân viên Nhà Trắng, cựu và đương nhiệm, ra làm chứng trước phiên tòa của Thượng viện vào năm sau.

Trong lịch sử Mỹ, chưa từng có tổng thống nào bị bãi nhiệm thông qua tiến trình luận tội được tiến hành theo Hiến pháp Mỹ, và đến nay cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ thay đổi điều này.

Hạ viện Mỹ họp phiên luận tội, ông Trump nói ‘không làm gì sai’ Hạ viện Mỹ họp phiên luận tội, ông Trump nói ‘không làm gì sai’

TTO - Hạ viện Mỹ bắt đầu bước vào phiên họp với phần thảo luận kéo dài trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu lịch sử với hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên