Kỳ 1: “Tôi muốn chuyển giới...” Kỳ 2: Mạo hiểm với thân xác
Phóng to |
Khám cắt ngực tại một bệnh viện thẩm mỹ - Ảnh: Tâm Lụa |
Như đi trong bóng đêm
Aki nói mình và bạn đi cùng là người muốn chuyển giới nên muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Vị bác sĩ cho biết ở đây không nhận phẫu thuật chuyển đổi giới tính mà chỉ nhận phẫu thuật cắt ngực. Sau khi kêu Aki và bạn đi cùng cởi áo khám và xem ngực, vị bác sĩ này nói: “Ngực cháu cắt bỏ với giá 30 triệu đồng, còn cháu kia 35 triệu đồng vì ngực “khủng” hơn. Nếu được thì sáng mai nhập viện làm thủ tục cắt liền”.
Sáng hôm đó, Aki và bạn còn đi khảo sát ở mấy bệnh viện thẩm mỹ nữa, nhưng chỗ nào cũng ra giá quá sức so với mức thu nhập của cô sinh viên mới ra trường. Bạn bè trong giới của Aki thường rỉ tai nhau cách để chuyển giới ở VN một cách “hợp pháp và đỡ tốn kém nhất”. “Bạn em thường làm từng phần một. Những người chuyển giới từ nữ sang nam thường muốn cắt bỏ buồng trứng trước vì để “có tháng” thì rất khó chịu. Bạn em đã có người cắt buồng trứng ở bệnh viện với giá 10 triệu đồng. Nhiều người còn đưa bác sĩ tiền để viết giấy chứng nhận bị ung thư vú hoặc hỏng buồng trứng để được cắt bỏ”- Aki cho biết.
Mặc dù nhu cầu được tư vấn, được khám tiền chuyển giới là có thật nhưng ở VN việc phẫu thuật chuyển giới bị cấm hoàn toàn, thế nên các bạn chuyển giới thường phải mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau như người đi trong bóng đêm. Điều này đã gây ra những hệ lụy đáng tiếc mà các bạn chuyển giới phải gánh chịu. Lộ Lộ (34 tuổi, một người chuyển giới từ nam sang nữ) cho biết: “VN hiện giờ không có bất cứ dịch vụ tư vấn nào về việc chuyển giới. Người đi trước tư vấn cho người đi sau nhưng cũng không thể nào lường trước được hậu quả. Tôi thường khuyên các bạn trong giới hãy ngưng việc uống thuốc, tiêm hormone một cách bừa bãi để chờ các dịch vụ chính thống. Khuyên là khuyên thế thôi nhưng tôi cũng không biết bao giờ VN mình mới có dịch vụ chính thống dành cho các bạn chuyển giới”.
Theo Lộ Lộ, quy trình chung của việc chuyển giới là phải uống hormone hai năm, có cuộc sống với giới tính mà mình mơ ước trong hai năm xem có hợp hay không, sau đó làm các trắc nghiệm tâm lý rồi mới được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nhưng hiện nay rất ít người tuân thủ theo quy trình này. Nhiều bạn bè trong giới của Lộ Lộ chỉ điện thoại qua Thái Lan, đặt lịch mổ, đến ngày thì bay qua phẫu thuật xong rồi về chứ không hề làm trắc nghiệm tâm lý hay uống hormone trước. Lộ Lộ cũng đang dùng thuốc tránh thai và tiêm hormone mỗi tháng ba mũi để duy trì vóc dáng như con gái. Lộ Lộ thừa nhận: “Từ ngày dùng thuốc tôi trở nên hay quên, bị sạm da, nổi mụn, rất dễ cáu gắt và dễ khóc. Bạn bè tôi có người tiêm hormone còn bị sốc dẫn đến ngất xỉu. Có người ốm nhom vì nhịn ăn để gầy giống con gái, không có tiền không biết làm gì để chuyển giới cả...”.
“Chị Cà” trong một hội thảo tại TP.HCM - Ảnh: Lê Vân |
Chuyện của “chị Cà”
Jessica - một người chuyển giới từ nam sang nữ khá nổi tiếng ở TP.HCM vì đã hoàn thành liệu trình chuyển nữ một cách hoàn hảo. Bạn bè trong giới thường gọi Jessica với cái tên Việt hơn là “chị Cà”. Câu chuyện chuyển giới trần ai của Cà được truyền tai nhau ly kỳ như phim.
Một buổi tối muộn cuối tháng 9, dưới ánh đèn đường vàng vọt trong một quán nước vỉa hè, Cà kể cho tôi nghe câu chuyện “trần ai” về hành trình chuyển giới. Từ nhỏ Cà đã sống chui nhủi trong sự kỳ thị của gia đình, bạn bè. Ở nhà, ba mẹ còn không cho Cà tiếp xúc với người ngoài vì xấu hổ. Gia đình còn liên tục mời thầy cúng về chữa bệnh, làm phép, đốt bùa mong con trai mau thoát khỏi ám ảnh “bệnh tật”. Mẹ đưa Cà đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mong tìm ra cách “chữa bệnh” cho con trai. Cà kể: “Mẹ bắt em đi thử máu, thử hormone như người ta chỉ. Làm kinh dị như là em bị siđa không bằng. May hồi đó đi khám ở BV Hòa Hảo, một bác sĩ đã mắng cho mẹ một trận. Bác nói Cà không bị bệnh gì cả. Bác còn hỏi em có cảm xúc thế nào khi yêu? Em nói em chỉ rung động khi gặp đàn ông, y như hai người dị giới yêu nhau”. Nhưng cha mẹ Cà vẫn không chấp nhận nỗi cú sốc đó. Lúc học CĐ Hoa Sen, Cà không chịu được sự kỳ thị đã bỏ nhà đi bụi. Năm ấy Cà 19 tuổi.
“Bị kỳ thị, đi bụi, thất nghiệp đến độ phải lạc vào nghề chỉ “pêđê” mới làm là đi hát sô đám ma... Trong mắt mọi người, những người như tụi em càng đáng ghét, đáng ghê sợ hơn vì vậy”, Cà rớm nước mắt tâm sự. Từ ngày bỏ nhà ra đường ở, Cà thuê nhà “ôm” theo một đội hát sô đám ma kiếm sống. May mắn Cà học được nghề cắt tóc, trang điểm nên sau đó kiếm được một số tiền. Cà quyết định thực hiện ước mơ đau đáu suốt đời: đi Thái chuyển giới hoàn toàn. Trước đó ở VN, Cà đã bơm silicon để tạo ngực cho đỡ phần nào chi phí. Vậy mà lúc đi Thái Cà cũng phải mượn nợ lãi cao để có đủ tiền cắt báu vật, biến hình thành nữ hoàn toàn.
Không một lời từ biệt gia đình, Cà bỏ sang Thái theo sự chỉ dẫn của nhóm đàn chị trong giới chuyển giới. Ở Thái có nhiều lựa chọn cho Cà, nhưng rẻ và được chọn nhiều nhất là cơ sở y tế của một ông bác sĩ tên “Thép”. Cà mông lung nhớ lại: “Đó là một phòng khám tư như ở VN vậy. Ông Thép mát tay lắm, cứ vào tay ông là được như ý nên dân “pêđê” Việt Nam mình đi nhiều lắm. Chỉ 30 phút là xong. Lúc lên làm phẫu cũng run lắm, nhưng ổng nói yên tâm, đẹp ngay ấy mà! thế là mình tin. Nhưng thôi thúc thành con gái mới là động lực chính. Cũng từ lúc này mình chợt nghĩ: “Liều như pêđê, chết sớm chẳng thành vấn đề!”.
Trong giới thứ ba đồn rằng nếu cắt “báu vật” của đàn ông sẽ giảm thọ cả 10 năm. Lời đồn thổi đó khiến Cà phì cười đáp trả: “Thà chết trước 10 năm còn hơn sống thêm 10 năm trong đau khổ!”. Thời gian Cà ở Thái làm “phẫu dưới” chỉ hơn một tuần. Khi về VN mới là hành trình đầy ngược đãi bản thân của Cà và nhiều người chuyển giới khác. Ít ai bản lĩnh dám đối diện như Cà để đến BV chăm sóc vết thương. Như trường hợp của Bảo Châu (một người chuyển giới từ nam sang nữ tại TP.HCM) đúng là một ví dụ kinh điển về quá trình “hành xác” sau phẫu dưới. Bảo Châu kể: “Khi về VN em xấu hổ nên không dám đến BV, đành thuê một y tá về chăm sóc, “nong nới” chỗ kín để hoàn thiện. Mỗi lần nghĩ lại cảnh hành xác ấy còn đau đớn hơn chết đi gấp vạn lần. Chưa kể nhiều lần vết mổ bị nhiễm trùng, máu ra ồ ạt phải đi viện mới cầm máu được, tính mạng lơ lửng trên đầu mà vẫn chỉ mong sao “báu vật” mới xài được chứ không thì công cốc hết!”.
Cuộc sống của Cà bây giờ là giấc mơ có thật của nhiều người chuyển giới. Cà sống với hình dáng một cô gái thanh mảnh, với công việc ổn định là nghề trang điểm. Để trải qua hành trình trần ai trong đời, Cà vẫn còn một khoản nợ nho nhỏ sau nhiều lần phải đi chỉnh sửa. Nhưng Cà nói cô vẫn còn may vì có công việc ổn định, có thể tự lập để trả nợ chứ nhiều bạn khác nhiều khi phải bán thân mới đủ tiền trả lãi lời những khoản “nợ từ kiếp trước”.
___________
Kỳ tới: Hoa hậu chuyển giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận