Thủ tướng Shinzo Abe gặp ông Donald Trump tại tòa nhà Trump Tower ở New York vào tháng 11-2016 - Ảnh: Reuters |
Theo nhật báo New York Times, lý do chính cho cuộc gặp này là những bàn bạc cụ thể về các vấn đề kinh tế và thương mại - những nội dung xuất hiện nhiều trong các phát biểu của tân Tổng thống Donald Trump trong thời gian gần đây.
Bảo vệ doanh nghiệp Nhật
Ông Trump từng cảnh báo hãng xe Toyota về việc sẽ áp mức thuế cao nếu họ xây dựng một nhà máy mới ở Mexico, và tuyên bố với giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ rằng Nhật Bản đã cố tình phá giá đồng yen để tạo lợi thế kinh tế.
Tuy nhiên vấn đề gây lo ngại nhất lúc này với ông Abe là các chính sách "nước Mỹ là trên hết" của ông Trump có thể gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Nhật nói riêng và nền kinh tế Nhật nói chung.
Sau khi ông Trump ký sắc lệnh chính thức rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có lẽ ông Abe cũng sẽ tính tới khả năng thuyết phục ông Trump về việc thương thuyết một thỏa thuận thương mại song phương tương lai giữa Mỹ và Nhật.
Đương nhiên để giải quyết những mối lo đó, ông Abe sẽ phải thuyết phục để ông Trump tin rằng các quan hệ hợp tác, liên minh về kinh tế với Nhật cũng mang lại lợi ích đáng kể cho Mỹ.
Theo đó ông Abe sẽ chỉ ra những bằng chứng cho thấy các công ty Nhật đang đầu tư mạnh mẽ nguồn vốn vào Mỹ. Theo Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty Nhật đã đầu tư trực tiếp hơn 400 tỉ USD vào nhóm công ty xây dựng và các công ty khác ở Mỹ, tạo ra khoảng 1,7 triệu việc làm cho người lao động Mỹ.
Ông Abe cũng đã đề cập việc các doanh nghiệp Nhật hoặc chính phủ có thể đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng của Mỹ. Trước đó ông Abe thông báo với giới nghị sĩ trong nước là ông muốn bán công nghệ tàu cao tốc ở Mỹ và tạo thêm việc làm theo cách đó.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Nhật cũng đã có phản ứng ngay lập tức sau các tuyên bố gây quan ngại của ông Trump. Cụ thể, sau khi ông Trump tấn công Toyota trên Twitter, nhà sản xuất ô tô này công bố sẽ đầu tư thêm 10 tỉ USD vào Mỹ trong 5 năm tới mặc dù chưa rõ việc đó đã được lên kế hoạch chưa.
Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn viễn thông Softbank của Nhật tuyên bố đầu tư 50 tỉ USD vào Mỹ, dự kiến tạo thêm 50.000 việc làm.
Các công ty khác, trong đó có Sharp và Fuji Heavy Industries gần đây cũng đã công khai thông báo những kế hoạch đã có trong việc mở mang thêm hoặc xây mới các nhà máy ở Mỹ.
Đồng yen và hợp tác an ninh
Về chuyện ông Trump cáo buộc Nhật phá giá đồng yen, thủ tướng Nhật chắc chắn sẽ có động thái giải thích lại cho rõ với tân Tổng thống Mỹ. Ông Abe từng cho rằng cáo buộc đó của ông Trump là chưa chính xác vì trên thực tế giá trị của đồng yen đã giảm dần khi Ngân hàng trung ương Nhật bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế.
Ngoài việc thảo luận về những khúc mắc về kinh tế và thương mại, có lẽ hai nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề an ninh. Trong đó ông Abe hẳn sẽ muốn tân Tổng thống Mỹ tái khẳng định quan điểm mà tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis từng tuyên bố khi tới thăm Nhật gần đây.
Theo đó ông Mattis mô tả Nhật như "một hình mẫu về sự chia sẻ chi phí và gánh nặng" trong hoạt động an ninh quốc phòng, đồng thời đảm bảo Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hiệp ước an ninh giữa hai bên, duy trì lực lượng quân đội Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Okinawa và những nơi khác của Nhật.
Giới quan sát cho rằng rất có thể Nhật sẽ sẵn sàng chi thêm tiền trong lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lập luận rằng quân đội Mỹ hiện không chỉ bảo vệ nước Nhật mà còn bảo vệ các lợi ích của chính nước Mỹ tại châu Á.
Lầu Năm Góc đã được rót ngân sách khoảng 5,5 tỉ USD cho các hoạt động quân sự ở Nhật năm nay. Nhật Bản cũng dự kiến sẽ chi khoảng 1,8 tỉ USD để hỗ trợ hoạt động của các căn cứ quân sự, cộng thêm ít nhất 4 tỉ USD cho những chi phí liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận