Thủ tướng Shinzo Abe (trái) cùng ông James Horton - giám đốc khu tưởng niệm quốc gia ở Thái Bình Dương của Mỹ - trong buổi tưởng niệm tại Honolulu, Hawaii ngày 26-12 - Ảnh: Reuters |
“Chúng ta không được lặp lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh một lần nữa. Cùng với Tổng thống Obama, tôi xin bày tỏ với thế giới giá trị của sự hòa giải cùng lời cam kết cho tương lai này |
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe |
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có chuyến thăm đáng nhớ đến Trân Châu Cảng thuộc quần đảo Hawaii (Mỹ) cùng Tổng thống Barack Obama ngày 27-12. Đây là nơi chứng kiến trận tập kích bất ngờ của quân đội Nhật vào tháng 12-1941, đánh dấu sự tham gia của Mỹ vào Thế chiến thứ hai.
Chuyến công du của ông Abe, bắt đầu từ ngày 26-12, diễn ra chỉ vài tháng sau khi ông Obama thăm thành phố Hiroshima - nơi người Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới năm 1945.
Chánh Văn phòng thủ tướng Nhật Yoshihide Suga khẳng định “mục đích chuyến thăm chỉ là tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh chứ không phải để xin lỗi”.
Đó là phát ngôn bề mặt bởi sâu xa hơn chính là việc Nhật khẳng định mình và Mỹ đã gác bỏ thù riêng để trở thành “đối tác thân thiết nhất”.
Chiến lược “hòa giải, kết thân”
Hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới đang bước vào một giai đoạn biến động địa chính trị to lớn. Bảy năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nền kinh tế vẫn chưa hồi phục. Chủ nghĩa bảo hộ, chống nhập cư, chống toàn cầu hóa... đang chiếm ưu thế.
Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với nhiều vấn đề mang tính nền tảng, từ làn sóng người nhập cư, phong trào chống EU cho đến Brexit. Trong khi đó, chủ nghĩa khủng bố vẫn là cơn đau đầu đối với nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh này, vai trò của Nhật trong khu vực càng trở nên quan trọng. Ông Abe không phải là nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên thăm Trân Châu Cảng, nhưng ông đã làm một việc những người tiền nhiệm chưa từng làm: công khai thừa nhận hành động chiến tranh của Nhật trong quá khứ.
Giới quan sát nhận định đây là chiến lược lớn của Tokyo kiếm một tấm vé bảo đảm cho nền an ninh tương lai.
Tháng 11 vừa qua, ông Abe là lãnh đạo thế giới đầu tiên cất công bay đến New York gặp ông Donald Trump, chỉ một tuần sau khi kết quả bầu cử được xác nhận.
Cùng với sự hiện diện ở Trân Châu Cảng, thủ tướng Nhật muốn thuyết phục ông Trump rằng Mỹ cần duy trì ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương và cách duy nhất đối mặt với những thách thức an ninh là tiếp tục hợp tác cùng nhau.
Nói về tầm quan trọng của mối quan hệ này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội thảo quốc tế Nikkei về Tương lai châu Á (Tokyo) từng có những nhận xét rất xác đáng.
Theo ông Lý, liên minh quốc phòng Mỹ - Nhật giữ vai trò quan trọng kể từ sau Thế chiến thứ hai và sẽ tiếp tục là trụ cột cho sự ổn định vì nó là “chiếc neo” của Mỹ ở khu vực, giúp ngăn các nước Đông Bắc Á leo thang xung đột.
Chiếc ô hạt nhân của Mỹ giúp Nhật duy trì chính sách phi hạt nhân, tránh rủi ro Nhật phải phản ứng trước hành động quân sự hóa và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Nhật và cán cân quyền lực châu Á
Tờ Wall Street Journal bình luận vai trò của Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ quan trọng hơn trong thời gian tới trong bối cảnh các đồng minh truyền thống khác của Mỹ trở nên mất ổn định.
Tổng thống mới của Hàn Quốc có thể sẽ là một nhân vật cực tả, Úc đã rút khỏi chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì đang có dấu hiệu ngả về phía Trung Quốc...
Thông điệp của ông Abe chuyển đến ông Trump đã rõ ràng: “Chúng tôi là đối tác duy nhất ngài có thể trông cậy”.
Sự trợ giúp của Nhật là rất cần thiết khi ông Trump quyết định muốn “đương đầu” với Trung Quốc đến cỡ nào.
Cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, lập trường cứng rắn về thương mại và mối quan tâm đặc biệt đến các vấn đề kinh tế, an ninh của ông Trump hứa hẹn một giai đoạn trắc trở trong quan hệ Trung - Mỹ.
Ông Trump sau này có khả năng kêu gọi sự ủng hộ của Nhật, chẳng hạn trong các nhiệm vụ hàng hải ngày càng nhiều của Mỹ ở châu Á. Ông Abe có lẽ hiểu rõ điều này.
Cũng cần lưu ý sự kiện hòa giải Mỹ - Nhật nằm trong một loạt chương trình ngoại giao lớn của Tokyo chỉ trong vài tháng cuối năm 2016. Không chỉ tái khẳng định quan hệ với đồng minh chiến lược Mỹ, Tokyo còn “mở lòng” với cả Nga - quốc gia mà họ chưa từng có nền hòa bình chính danh.
Cách đây một tuần, Thủ tướng Abe đã tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin trên đất Nhật và họ đã nói chuyện một cách thẳng thắn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ phương Bắc (theo cách người Nhật gọi, còn Nga gọi là quần đảo Nam Kuril).
Những bước đi ngoại giao của Tokyo vào thời điểm này có lẽ không phải tình cờ.
Ngoài những chuyển biến chung của tình hình quốc tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc - yếu tố mà Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho là dẫn đến những thay đổi lớn đối với châu Á và thế giới - là một nguyên nhân chính.
“Trong bối cảnh chiến lược và những thay đổi hiện nay ở châu Á, tôi tin Nhật cũng giữ một vai trò quan trọng. Trong nhiều thập niên qua, Nhật đã quảng bá cho hòa bình, ổn định, phát triển khu vực và có những đóng góp quý giá. Nhưng những thay đổi ở Nhật và khu vực đồng nghĩa Nhật phải “tiến hóa” để tiếp tục con đường đã đi...” - ông Lý Hiển Long kêu gọi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận