
Du lịch thăm làng rắn Lệ Mật được xem là tour “vượt qua sợ hãi”
Tại một góc nhỏ ở làng rắn Lệ Mật, nhóm bạn người Czech thích thú ngắm những chú rắn sọc dưa cuộn tròn trong hốc gỗ lũa. Những chuồng rắn xếp gọn trong khoảnh vườn rợp bóng cây đang nuôi hơn trăm con rắn của ông Trương Quốc Lập, ở tổ 8, phường Việt Hưng.
Tour du lịch vượt qua nỗi sợ hãi
Du khách dừng lại ngắm những đôi giày, túi da may thủ công từ da rắn. Chị Vojta, người trong đoàn, chọn chiếc thắt lưng da rắn và nghe chủ nhà giới thiệu tỉ mỉ từng công đoạn để làm thắt lưng này.
Chiếc thắt lưng làm bằng da rắn ráo trâu - loài rắn được chủ nhà chăm sóc kỹ lưỡng để có bộ da không hỏng một chiếc vảy. Mỗi thắt lưng là da một con rắn có vân đẹp.
Vojta kể biết đến Lệ Mật qua chương trình kênh CNN Travel. Cô rất tò mò và thán phục.
"Chuyến thăm này đáng nhớ nhất trong tour 15 ngày của tôi ở Việt Nam. Tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và có trải nghiệm tuyệt vời", Vojta cười nói.
Ông Trương Minh Khánh, phó giám đốc Hợp tác xã làng nghề Lệ Mật, cho hay du khách mỗi lần đến Lệ Mật là một lần vượt thử thách. Họ sợ nhưng lại tò mò về câu chuyện nuôi rắn của dân làng.
Những công ty du lịch trước khi đưa khách đến hỏi rất kỹ nguồn gốc, tính hợp pháp của các cơ sở nuôi rắn.
"Họ muốn khám phá nhưng e ngại về bảo vệ động vật hoang dã. Chúng tôi yêu cầu các hộ trong làng nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật về chăn nuôi rắn, từ con giống, chủng loại, số lượng, từng con, từng hộ... phải có hồ sơ hoàn toàn hợp pháp", ông Khánh cho hay.
Hợp tác xã làng nghề đặc biệt này hiện có hơn 30 thành viên. Hộ nào cũng có truyền thống nhiều đời gắn bó với rắn. Từ lấy nọc, ngâm rượu, làm thuốc rồi sau này là nuôi rắn, chế biến theo mô hình "từ trang trại đến bàn ăn". Những hộ từng nuôi rất nhiều kết hợp kinh doanh nhà hàng như Quốc Triệu, Xuân Chu, chị Hường...
Hơn chục năm trước, Lệ Mật là làng tỉ phú từ nghề nuôi rắn, kinh doanh nhà hàng. Ngày ấy có những trang trại nuôi cả nghìn con, chủ yếu hổ mang và rắn ráo. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc do nhu cầu nguyên liệu đông y.
Thế rồi người Trung Quốc đến mua ngày một ít, nhiều nơi khác cũng hình thành làng nghề nuôi rắn. Thêm vào đó là các quy định chặt chẽ về chăn nuôi động vật hoang dã trong khu dân cư.
Đầu bếp khách sạn năm sao nghỉ việc giữ nghề
Ông Trương Khắc Lập - ở tổ 8, phường Việt Hưng - không nhớ mình là thế hệ thứ mấy trong gia tộc gắn bó nghề này. Ngày ông còn nhỏ, ông nội và bố ông đã nuôi cả gia đình bằng nghề làm thuốc cứu người từ nọc rắn, mật rắn và những thang rượu bổ từ rắn.
Còn trẻ, ông Lập không nối nghiệp cha mà học nấu ăn thành đầu bếp ở khách sạn Sheraton, Hà Nội. Ông cũng là một trong những đầu bếp nấu ăn phục vụ đám cưới đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson.
Một lần ông đưa giám đốc khách sạn về nhà chơi. Ngày ấy nhà ông nuôi hàng trăm con rắn. Ông Lập thịt một con, nấu đủ năm món đãi khách. Vị khách người Canada gật gù góp ý đầu bếp trẻ rằng nuôi rắn rất tốt, nấu ăn rất ngon nhưng còn thiếu hai thứ: truyền thông và sản phẩm lưu niệm.
Cũng từ hướng dẫn của ông sếp nước ngoài, người đầu bếp trẻ Khắc Lập mày mò lập trang web đưa hình ảnh, bài viết về nghề rắn, về làng Lệ Mật để quảng bá. Ông gõ cửa cao nhân trong làng có nghề thuộc da rắn bán cho Trung Quốc nhưng bị từ chối.
Mỗi nhà ở Lệ Mật giữ bí quyết riêng. Ông lại nhờ người bạn hỗ trợ đến Viện Nghiên cứu da giày ở Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) học cách thuộc da, đóng giày, may túi.

Đầu bếp Trương Khắc Lập và sản phẩm thời trang từ rắn - Ảnh: V.TUẤN
Sau gần 5 năm thì đôi giày bằng da rắn hoàn thành mũi khâu cuối cùng.
"Tôi muốn bảo tồn - ông Lập chia sẻ - dân làng gắn bó với rắn đã nghìn năm nay. Đời ông, đời cha tôi kiếm sống bằng rắn, gây dựng sự nghiệp cho con cháu cũng từ rắn nên tôi muốn giữ nghề và truyền lại con cháu".
Nhà ông Lập được UBND xã Việt Hưng trước đây cấp cho 60 con rắn ráo giống. Vài năm sau, số rắn tăng dần, nhiều nhất tới hàng trăm con. Ông Lập mở nhà hàng rắn kết hợp thuộc da, may phụ kiện thời trang thủ công từ da rắn.
Ông sếp tốt bụng còn dẫn ê kíp kênh Discovery đến ghi hình làm cả một chương trình khám phá rắn ở nhà ông Lập. Du khách nước ngoài biết Lệ Mật từ đó. Vài năm sau ông Lập thôi việc khách sạn, về tập trung cho mô hình gia đình.
Ông không thể quên được người cha sắp những bộ "tam xà", "ngũ xà" (những thang thuốc bắc) vào giỏ cói đạp xe rong ruổi Hà Nội. Ông Lập cho rằng thuần thục hổ mang, cạp nia... là kỹ năng đã "ăn vào máu" người Lệ Mật. Tiền nhân ông trước đây biết bắt rắn từ lúc biết đóng khố, lội ruộng.
"Vùng này xưa kia toàn ruộng với bụi bờ. Các cụ chỉ cần nhìn bờ đất, bụi cỏ là biết rắn ở hay không? Các cụ còn học bốc thuốc, chữa bệnh bằng nọc rắn, rượu rắn...", ông Lập nói.
Đến nay, gia đình ông Lập là một điểm đến của khách nước ngoài. Khách tham quan trang trại rắn, xem biểu diễn những kỹ năng chế biến từ rắn, thưởng thức đặc sản "vượt qua nỗi sợ" và gian hàng lưu niệm do chính bàn tay bố con ông làm.
"Chúng tôi không ngại vốn, mọi sản phẩm hiện có chúng tôi cũng đã được công nhận OCOP. Chỉ cần UBND quận ủng hộ, giao đất, chúng tôi sẽ làm được. Chúng tôi chỉ mong truyền thống nghìn năm của cha ông được bảo tồn và phát triển", ông Lập hy vọng.
Sẽ có một Lệ Mật mới thành trung tâm bảo tồn rắn
Lãnh đạo UBND quận Long Biên chia sẻ nghề truyền thống của Lệ Mật đang gặp vướng do đô thị hóa. Làng quê đã thành phố phường, quy định không cho chăn nuôi.
Ngày mới được công nhận làng nghề, Lệ Mật có 40 hộ nuôi rắn, nay chỉ còn gần nửa số hộ giữ nghề. Tính ra chỉ khoảng 0,1% số hộ nuôi rắn, những hộ còn lại tha thiết giữ nghề.
Chính quyền xây dựng hướng đi mới: tập trung đa dạng sản phẩm du lịch chứ không chỉ ẩm thực. Quận hỗ trợ khôi phục truyền thống văn hóa phi vật thể, đa dạng hóa sản phẩm từ rắn như cung cấp dược liệu, sản phẩm và phụ kiện thời trang, hình thành vườn bảo tồn rắn...
UBND quận cũng hỗ trợ người nuôi rắn dựng các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư. Mong muốn của chính quyền là xây dựng được một Lệ Mật mới thành đại lý và trung tâm bảo tồn rắn cả nước.
Tháng 4-2024, Lệ Mật chính thức được công bố là điểm du lịch làng nghề duy nhất của quận Long Biên, trở thành điểm du lịch đầu tiên của quận. Điệu múa giảo long của dân làng có cơ hội phục vụ du lịch chứ không chỉ là điệu múa nghi lễ đình làng.

Chăm sóc rắn hổ mang - Ảnh: THẾ ĐẠI
Truyền thuyết tổ nghề rắn Lệ Mật
Tương truyền, đời Lý Thái Tông (1028 - 1054) có công chúa thường bơi thuyền du ngoạn dòng Thiên Đức (sông Đuống). Ngày nọ không may công chúa bị đắm thuyền chết đuối, chẳng thấy thi thể.
Vua lệnh nếu ai vớt được thi hài công chúa sẽ phong chức tước và thưởng công to. Rất nhiều tướng sĩ không tìm được nàng. Lúc ấy có chàng trai nghèo sống bằng nghề bắt rắn, người ở làng Trù Mật (Lệ Mật ngày nay) xin đi tìm thi thể nàng.
Vua phong tước, ban thưởng nhiều vàng bạc châu báu nhưng chàng trai không nhận, chỉ xin vua cho dân làng Trù Mật sang khẩn đất hoang phía tây thành Thăng Long.
Dân làng vượt sông Nhị Hà (sông Hồng) sang khai khẩn, lập 13 trại ấp ở Hà Nội ngày nay như Thụy Chương, Ngọc Hà, Giảng Võ, Đại Yên, Cống Vị, Đông Thái... Chàng trai họ Hoàng còn dạy dân làng cách bắt rắn, các bài thuốc trị rắn cắn...
Ông mất, dân làng suy tôn là thành hoàng Lệ Mật, hội làng vào ngày 23 tháng ba (âm lịch) hằng năm. Điệu múa giảo long trong lễ hội đình làng Lệ Mật tái hiện chuyện thành hoàng Lệ Mật chiến đấu với giảo long (giao long, thuồng luồng) để đưa công chúa về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận