Lệ Mật là một làng cổ xưa có tên là "Trù Mật", có lẽ vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương (1686 - 1729) nên đổi thành tên như hiện nay. Tương truyền, vào đời vua Lý Nhân Tông, một công chúa của vua thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) và vào một hôm, công chúa bị đắm thuyền chết đuối không thấy xác. Vua ban thưởng cho ai tìm thấy công chúa nhưng không người nào tìm được. Có một chàng thanh niên họ Hoàng ở Lệ Mật đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật và mấy làng quanh đó sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Sau khi được vua ưng thuận, dân chúng Lệ Mật đã cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu "Thập Tam trại".
Sau khi khai lập được 13 trại, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ, rất trù phú, nên gọi làng là "Trù Mật". Sau khi chàng thanh niên mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn chàng là Thành Hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn.
Hiện nay trong làng có hàng trăm hộ nuôi rắn, hàng chục nhà hàng đặc sản rắn và có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn được tổ chức rầm rộ hàng năm. Lệ Mật được đánh giá là trung tâm giao dịch về rắn của toàn miền Bắc, đồng thời là làng rắn nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Làng Lệ Mật xưa có hai ngôi đình: đình Thượng (nay không còn), thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đình Hạ thờ dũng sĩ họ Hoàng.
Hàng năm hội làng được tổ chức từ ngày 20 đến 24 tháng 3 âm lịch, hội chính vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, suy tôn Thành Hoàng làng Lệ Mật. Vào ngày hội chính, đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Phần lễ của hội bao gồm: lễ rước nước từ giếng làng, rước cá chép vào đình Thánh, rước cỗ (lễ vật) của 13 trại ở quận Ba Đình về làng dâng thần. Phần hội đặc sắc nhất là trò múa rắn. Con rắn (được làm bằng nan tre lợp vải) tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Nhạc múa là dàn bát âm và tiếng trống nhịp đôi kết hợp dồn dập, náo nức.
Người ta còn tổ chức thi rắn to, rắn đẹp, rắn lạ, phổ biến các bí quyết bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc, chữa rắn độc cắn, nhân dân trổ tài thi nấu các món đặc sản như: tam xà đại hội (3 loại rắn là rắn hổ mang, cạp nong, rắn ráo), ngũ hổ chầu lâm (cỗ 5 con ếch) và lý ngư vọng nguyệt (cỗ cá chép to, cỗ gỏi)… Du khách tham dự lễ hội có thể được thưởng thức các món đặc sản chế biến từ thịt rắn.
Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng gặp gỡ nhau, ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn đối với tổ tiên. Đây cũng là dịp để du khách thập phương ghé lại tìm hiểu về không gian văn hóa tâm linh của một vùng đất có lịch sử lâu đời; và được dịp thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận