Phóng to |
Đây là chiếc xích chó mà người chồng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã dùng để xích chân vợ trong căn buồng tối trên gác ba ngày - Ảnh: M.Lăng |
Đã hơn 20 năm xét xử các vụ án hình sự, đối với thẩm phán Vương Văn Nghĩa, tòa hình sự TAND TP.HCM, những vụ án mạng đau lòng giữa những người thân, vợ chồng với nhau xuất phát từ việc một bên bị bên kia bạo hành, đối xử tàn tệ luôn để lại những xót xa, day dứt cho người “cầm cân nảy mực” khi phải lựa chọn hình phạt để tuyên cho người phạm tội.
Phóng to |
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa - Ảnh: CHI MAI |
Một người đã vĩnh viễn ra đi nhưng người ở lại cũng sống mà không thôi ân hận. Nhiều khi người ta chỉ muốn thỏa mãn lòng hiếu thắng của bản thân mà không lường được chuyện mình đánh chửi vợ, chồng, con cái mỗi ngày đã khiến người thân đau đớn đến dường nào.
Chỉ đến khi “con giun xéo lắm cũng quằn”, người chồng, người vợ bị dồn đến chân tường phản ứng lại một cách tiêu cực thì hậu quả xảy đến cho chính những người thân trong gia đình ấy mới thật đáng tiếc.
Câu chuyện về tội lỗi của người vợ giết chồng dưới đây là một trong những vụ án về bạo hành gia đình mà thẩm phán Nghĩa không thể quên dù vụ việc đã xảy ra nhiều năm qua.
Câu chuyện của ông thẩm phán
Bị cáo là Nguyễn Thị Ngọc Nhung (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM). Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nhung kết hôn cùng ông Đ., có với nhau ba đứa con chung. Hằng ngày bà Nhung tần tảo, vất vả với quán bán cơm bình dân để kiếm tiền chi tiêu cho cả gia đình.
Cuộc sống êm ấm hơn 10 năm thì tai họa ập tới gia đình nhỏ bé khi bị cáo phát hiện mình bị ung thư tử cung, mà lại ở giai đoạn cuối (khi bị cáo mới 37 tuổi). Những tưởng bị cáo đã không còn giữ được mạng sống của mình để chăm sóc chồng và ba đứa con thơ.
Nhưng rồi sau nhiều tháng dốc tiền bạc để chữa trị, bà cũng giữ được mạng sống sau khi bác sĩ chỉ định cắt bỏ tử cung. Chỉ có điều là từ đó, cuộc sống êm ấm của gia đình bị cáo dần mất đi, thay vào đó là những chuỗi ngày căng thẳng, mệt mỏi vì mâu thuẫn vợ chồng.
Dù hằng ngày bị cáo vẫn tất bật với quán cơm để kiếm tiền cho các con ăn học, rồi bù vào gánh nặng chi phí thuốc men, chạy chữa bệnh tật đã bỏ ra nhưng người chồng vẫn không hài lòng.
Vì vẫn đang phải tiếp tục chữa bệnh và đã cắt tử cung nên chuyện vợ chồng đối với bị cáo là một cực hình. Theo lời khai của bị cáo, nhiều đêm bà phải cắn răng chịu đựng trong đau đớn mà chồng vẫn không hiểu.
Không thông cảm cho vợ, lại thêm bí bách về tiền bạc, ông Đ. thường đi uống rượu rồi lấy cớ này cớ nọ chửi vợ mắng con. Biết mình không làm trọn nghĩa vụ của người vợ, biết chồng bực bội chuyện nọ, tìm cớ cãi cọ chuyện kia nên sau nhiều tháng ngày căng thẳng, bị cáo quyết định trả tự do cho chồng.
Chẳng biết mình sẽ sống tiếp được bao lâu nên trong bản án ly hôn tại tòa, bị cáo tự nguyện giao hết nhà cửa, tài sản và để các con cho chồng nuôi dưỡng như chuẩn bị trước cho sự ra đi của mình. Dù vậy bà vẫn ở lại nhà chồng để chăm sóc con cái đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Thế nên dù trên giấy tờ hai vợ chồng đã ly hôn nhưng hàng xóm không ai biết vì vẫn thấy vợ chồng sống chung nhà.
Dù đã được vợ trả tự do để tìm người phụ nữ khác nhưng hằng ngày ông Đ. vẫn thấy chướng mắt, kiếm cớ gây sự khi đụng mặt vợ cũ ở nhà. Mỗi khi có rượu vào thì hành động của ông Đ. mới thật sự khiến bị cáo khiếp đảm. Ông luôn xem vợ cũ như cái gai trước mắt, khi ông mắng chửi mà bị cáo cãi lại thì vớ được cái gì ông cũng phang, cũng ném vào bị cáo.
Buổi trưa hôm đó, ông Đ. đi uống rượu về. Thấy bà Nhung đang sửa soạn đồ ăn để bán hàng, ông lại chửi bà. Khi vợ cũ lên tiếng, ông Đ. lao vào, cầm con dao kề vào cổ dọa cắt cổ bà.
Lúc này do cũng đang cầm con dao thái thịt, bà Nhung vung dao đâm lại khiến mũi dao đâm trúng ngực ông Đ., còn bà hốt hoảng bỏ chạy trốn vì sợ chồng đánh. Ông Đ. vẫn chưa cảm nhận được sự nguy hiểm trong nhát dao của vợ mà chạy đuổi sang nhà hàng xóm tìm vợ.
Ông còn vạch áo chỉ cho những người hàng xóm thấy “bà vợ hỗn láo” đã đâm mình như thế nào, đòi quyết cho vợ biết tay. Nhiều người vội chạy đến định băng bó vết thương, đưa ông đi bệnh viện nhưng ông gạt đi, tiếp tục cầm hai con dao rượt đuổi vợ. Lúc đó bị cáo Nhung đã quá sợ hãi chạy trốn vào nhà hàng xóm. Lúc sau, thấy máu chảy nhiều ông Đ. mới chịu để những người hàng xóm đưa đi cấp cứu nhưng ông đã tử vong đêm đó.
Ân hận...
Thẩm phán Bùi Văn Trí (phó chánh tòa dân sự TAND TP.HCM): Đừng thờ ơ để hậu quả nặng nề Bộ luật hình sự tuy không có tội danh cụ thể để xử tội bạo hành gia đình nhưng tùy theo tính chất nghiêm trọng của hành vi bạo hành như đánh đập gây thương tích thì có thể bị xử về tội “cố ý gây thương tích”, hành hạ vợ, chồng, cha mẹ con cái thì bị xử về tội “hành hạ người khác”... Để phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ các nạn nhân của tình trạng bạo hành, Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định nhiều vấn đề có liên quan chuyện bảo vệ, giúp đỡ các nạn nhân bị bạo hành. Vấn đề là các cơ quan có chức năng, chính quyền địa phương cũng không nên thờ ơ mà phải quan tâm hơn nữa khi nhận được yêu cầu giúp đỡ của những nạn nhân bạo hành, kịp thời hỗ trợ thì mới mong ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. |
Tại phiên tòa, bị cáo Nhung chỉ biết khóc vì ân hận. Bị cáo nói mình chẳng còn sống được bao lâu, chỉ mong chờ chồng sửa đổi tính tình, thay mình chăm các con.
Nào ngờ trong lúc sợ chồng đánh, đâm mình, không biết bị cáo đã làm thế nào mà lại gây ra cái chết cho chồng khiến các con phải mồ côi cha, sắp tới sẽ còn mồ côi cả mẹ khi bị cáo không qua khỏi căn bệnh nguy hiểm. Bà mẹ chồng cũng là đại diện của gia đình nạn nhân đã nói với hội đồng xét xử về những đau khổ mà con dâu bà đã chịu đựng nhiều năm qua.
Bà nói bị cáo là đứa con dâu tốt, hết mực hi sinh vì chồng vì con, chăm chỉ làm ăn. Bà nói bà còn thương con dâu hơn con ruột! Chính con trai bà là người thường đánh đập vợ nhiều lần. Giờ con trai bà đã chết, ba đứa cháu đã mất cha, chỉ còn ít ngày được gần mẹ. Bà mong tòa xử mức án nhẹ nhất cho đứa con dâu tội nghiệp của mình.
Cả hội đồng xét xử đã bàn luận thật lâu trước khi quyết định hình phạt. Xét người chồng đã hành hạ, đối xử tệ với vợ ngay trong khi vợ mình đang mắc bệnh hiểm nghèo, ly hôn rồi mà ông vẫn còn thói quen đánh vợ cũ, chính ông Đ. cũng là người cầm dao tấn công bị cáo trước nên mới đẩy bị cáo tới phản ứng tiêu cực trong tích tắc.
Hơn nữa, nếu ông Đ. chịu đi cấp cứu kịp thời, có lẽ hậu quả đã không đáng tiếc như thế. Cuối cùng, hội đồng xét xử quyết định chỉ tuyên bị cáo 3 năm tù và cho hưởng án treo. Mức án này thấp hơn nhiều so với đề nghị của VKS.
Án tuyên xong, nhìn bà mẹ chồng ôm chầm lấy đứa con dâu gầy gò, xanh mét vì bệnh tật mà mừng, cả hội đồng xét xử đều chạnh lòng. Thôi thì bị cáo cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, hãy để cho những đứa con đã quá buồn khổ vì mồ côi cha được sống cạnh mẹ chúng thêm ngày nào hay ngày ấy. Bản án treo và nỗi buồn vì mất mát của gia đình cũng đủ để cho bị cáo nhìn nhận lại tội lỗi của mình.
Vẫn biết mạng sống của con người là quý giá, không ai có quyền tước đi tính mạng của người khác mà không bị trả giá. Thế nhưng, cũng có những khoảnh khắc mà con người ta khi bị dồn đến bước đường cùng, vượt qua ngưỡng chịu đựng của con người thì việc bùng phát những hành động thiếu kiềm chế là rất dễ xảy ra. Phải chi người chồng biết thương và thông cảm với vợ mình hơn. Phải chi bị cáo tìm được sự chia sẻ, quan tâm giúp đỡ kịp thời của người thân, không để cơn giận xóa mờ ý chí thì đã không phải ân hận suốt quãng đời còn lại khi nhìn con mình phải mất cha vì chính bàn tay người mẹ. Trong những bi kịch gia đình, sau cùng thì những đứa trẻ luôn là người gánh hậu quả, thiệt thòi.
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai” Kỳ 2: Nhật ký của một bác sĩ Kỳ 3: 12 năm sống trong sợ hãi Kỳ 4: Tuổi thơ, lằn roi và nước mắt Kỳ 5: Tận cùng tàn độc Kỳ 6: Người đàn bà và cái huyệt trong nhà Kỳ 7: Chết dưới tay chồng Kỳ 8: 4 người, 3 bữa ăn, 100.000 đồng... Kỳ 9: Phiên tòa đẫm nước mắt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận