04/08/2013 10:35 GMT+7

Tuổi thơ, lằn roi và nước mắt

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Bố cũng là một phần đau lòng đấy. Nhưng nhiều lúc cháu cứ nhớ lại lúc bố mua sữa cho cháu uống khi cháu học lớp 3. Lúc đó cháu rất gầy. Lúc ấy cháu lại thấy bố rất tốt...” - N.Quỳnh nói, gương mặt cô học trò 15 tuổi đầm đìa nước mắt.

Trên cơ thể cô bé vẫn còn hằn in dấu vết những lằn roi mà em phải chịu mỗi khi bố nổi nóng.

Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai” Kỳ 2: Nhật ký của một bác sĩ Kỳ 3: 12 năm sống trong sợ hãi

4yCznM1G.jpgPhóng to
Vết sẹo dài trên đầu bé H.Khánh - Ảnh: My Lăng

Đó là vết sẹo nổi cộm ngoằn ngoèo trên mông, trên thái dương, trên bắp tay, là đôi mắt bị mờ và một tai nghe không rõ. Còn em trai Quỳnh, cháu H.Khánh (11 tuổi) thì bị sụp mí mắt, một tay bị khuỳnh cùng những mảng sẹo trắng lóa trên đầu. Quỳnh và em trai hiện ở cùng bà ngoại tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Còn bố Quỳnh - ông Nguyễn Văn Ngữ (43 tuổi) - đang trả giá cho sự tàn độc với chính con đẻ của mình trong song sắt trại giam.

Mím chặt môi và không được khóc

4 tuổi, Quỳnh đã chứng kiến những hình ảnh sẽ ám ảnh cô bé suốt đời. “Cháu thấy bố cứ cầm tóc rồi tát, đánh mẹ túi bụi. Mẹ ôm theo tụi cháu chạy vào ủy ban trốn. Người ta phải khóa cửa lại vì sợ bố vào. Khi bố mẹ cháu ly dị, mẹ nhận nuôi chị em cháu nhưng bà nội bảo để một đứa ở với bà” - Quỳnh kể.

Cô bé về ở với bà nội. Khi bà mất, Quỳnh về ở với bác. Lớp 3 thì cô bé về ở hẳn với bố vì mẹ Quỳnh đi làm xa tận Lạng Sơn. “Cháu bị bố đánh từ lúc bé. Có lần bố đánh mông cháu tóe máu không đi đâu được, cứ phải nằm úp xuống. Nhà không có ai ngoài cháu và bố. Bố hay đi làm hoặc đi đâu đó chơi nên chẳng có ai chăm sóc cháu. Cháu chỉ biết nằm một mình trong buồng khóc thôi, cứ để vết thương tự lành. Cháu tủi thân lắm” - Quỳnh vừa nói vừa lau nước mắt.

Hè lớp 3, trong một lần kiểm tra bài tập môn toán thấy Quỳnh không làm được, Quỳnh bị bố đánh sưng hết cả mặt mũi đến nỗi phải nghỉ học gần nửa tháng hè.

“Bố hay tát vào mặt, vào người cháu rồi có lúc đánh bằng dép. Có khi bố lấy gậy to gần bằng cổ tay cứ phang vào người. Cháu nằm im để bố đánh vì không chạy được. Cháu van xin, gào gọi “mẹ ơi” thì bố bảo: Con mẹ mày có nuôi được mày ngày nào mà mày gào nó... Có lần cháu nghỉ học lâu, các cô phải đến nhà hỏi thăm. Thấy cháu bị thâm tím mặt, các cô bảo cho cô xem người có bị sao không. Bố nhìn thấy. Khi các cô về, bố hỏi mày định thế nào mà cho chúng nó biết, rồi dọa đánh thêm. Cháu sợ lắm, không dám nói gì” - Quỳnh nói và nghẹn ngào khóc.

Khi Quỳnh học gần hết lớp 4, bố lấy vợ hai rồi đưa em trai út là Khánh về ở cùng. Những trận đòn vô cớ lại trút lên thân thể bé bỏng của hai chị em. Bố đánh bất cứ lúc nào, không vì lý do gì. Thích lúc nào đánh lúc đó. Bố đi làm hoặc đi chơi về có chuyện bực bội, đánh. Bố bị thua bạc, đánh. Tự nhiên bố mất vui, đánh... Có lần hai chị em đùa nhau, một ít nước mắm dây ra quần áo hơi có mùi. Tối đang ăn cơm, bố giật tóc Quỳnh dập đầu xuống đất. Bố vồ lấy thanh sắt tròn quất vào đầu, vào mặt, vào người đứa con gái gầy gò túi bụi.

Cô bé tâm sự: “Lúc nào tụi cháu cũng thấy sợ. Hơi một tí là bố mắng, quát ầm lên, mắt đỏ ngầu nhìn sợ lắm. Nghe tiếng bố cháu đã thấy sợ. Cháu không dám nhìn vào thẳng mặt bố dù bố vui hay khó chịu. Ở nhà có bố lúc nào cũng không cười không nói, cứ thì thào. Khi ở nhà cháu chỉ sợ bố về. Mỗi lần bố đánh toàn đóng cửa nên hàng xóm không biết. Nếu chúng cháu kêu to, bố dọa đánh thêm. Càng khóc bố càng đánh đau. Tụi cháu phải mím chặt môi cố không được khóc”.

5hZD3Va2.jpgPhóng to
Bữa cơm trưa của bốn bà cháu chỉ là cơm trắng với tô rau muối chua và một ít thịt ba chỉ - Ảnh: My Lăng

Bắt con ăn phân: hình phạt man rợ

“Em Khánh bị đánh nhiều hơn vì hay nghịch - Quỳnh bảo - Có lần chỉ vì mải chơi và viết chữ xấu mà nhiều lần bố bắt em Khánh cởi quần áo đi bốc phân rồi đi đến trường, không cho rửa tay. Cháu cũng nhiều lần như vậy khi học lớp 4, bắt bốc phân rồi đi ra trường”.

8 tuổi, Khánh đã bị bố bắt ăn những thứ dơ bẩn ấy ba lần: hai lần ăn phân người và một lần phân gà vì viết sai chính tả và mải chơi. Mỗi lần đó bố đều túm tóc, đứng giám sát, buộc phải nuốt vào bụng. Còn Quỳnh bị tra tấn kiểu man rợ ấy một lần vì quên giặt mấy cái bao mà bố dặn.

“Bố đánh cháu xong vào chỗ em Khánh học, thấy chữ xấu đánh Khánh rồi lôi hai đứa ra nhà xí, bố bảo móc phân lên. Cháu không móc vì bẩn lắm. Bố bảo: mày không móc tao đánh mày chết. Cháu sợ quá, móc lên thì bố bắt phải ăn. Hai chị em cháu van xin nhưng bố bảo: tao không tha. Bố lấy chổi quét vườn định đánh nên cháu sợ quá, phải ăn. Cháu vừa ăn vừa khóc vừa muốn nôn ra nhưng sợ bố đánh nên không dám nôn. Đợi hai chị em cháu ăn xong, bố đánh thêm vài cái nữa rồi bắt đi vào” - Quỳnh nức nở kể.

Đến những giấc ngủ của hai đứa trẻ ấy cũng không bình yên. Buổi tối, chìm trong bóng đêm là những giọt nước mắt của hai chị em. Các em phải lấy tay bụm miệng lại để không khóc thành tiếng, sợ bố nghe thấy. “Bị bố đánh nhiều quá, cháu bảo Khánh: hay là hai chị em mình tự tử? Khánh gật đầu và bảo: Em không muốn ở với bố, thà em chết đi còn hơn. Em muốn về với mẹ. Cháu bảo với Khánh: nếu mình chết thì mẹ không sống được. Nếu có mỗi mình cháu thì cháu tự tử lâu rồi nhưng còn em cháu nữa... Chúng cháu không dám bỏ về với bà ngoại vì nhỡ bố biết bắt lại sẽ đánh chết mất” - Quỳnh vừa nói vừa nấc lên...

Cuộc sống như địa ngục ấy sẽ vẫn tiếp diễn nếu không có trận đòn kinh hoàng cuối năm 2011 với bé Khánh. Sau đó, chị N.T.L. (mẹ đẻ của Quỳnh) đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Nguyễn Văn Ngữ đã bị bắt tạm giam. Khi bố bị bắt, Quỳnh đã được mẹ đưa về nhà ngoại còn bé Khánh vẫn ở bệnh viện. “Bố bị bắt, cháu đau lòng lắm khi nhớ lại lúc còn nhỏ bố mua sữa cho cháu uống. Nhưng mỗi lần nhớ lại những việc bố làm, cháu vẫn khóc và càng căm tức bố. Cháu không vui cũng không buồn, chỉ thấy thoải mái hơn vì không bị đánh nữa”.

Kể từ khi bố bị bắt, Quỳnh và Khánh đã có cuộc sống mới: được ăn mặc tươm tất đi học, không sợ bị đánh chửi vô cớ, được ăn một bữa cơm không đầm đìa nước mắt hay nơm nớp lo sợ bị đánh bất cứ lúc nào, được ngủ giấc ngủ bình yên... H.Khánh đang học lớp 5. Cậu bé nghịch nhưng học rất giỏi, từ lớp 1-3 là học sinh tiên tiến, lớp 4 là học sinh giỏi. Còn Quỳnh đang học lớp 9, ôm ấp giấc mơ trở thành họa sĩ. Quỳnh mím môi, gạt nước mắt bảo: “Người ta có bố mẹ đầy đủ mới vui, nhưng tụi cháu chỉ cười nhiều khi được về đây với bà ngoại và các bác”.

___________

Kỳ tới: Tận cùng tàn độc

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên