Khi H. như điên loạn lao vào cặp tình nhân thì người chồng chặn lại, thản nhiên bảo: “Lỗi của tao, mày đừng đánh nó khổ thân nó”.
Kỳ 2: Nhật ký của một bác sĩ Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai”
Phóng to |
“Tao đuổi mày ra khỏi nhà” - người chồng đã “thông báo văn bản” cho chị H. như vậy - Ảnh tư liệu gia đình |
Tiếng khóc sau cánh cửa
Nhưng bi kịch gia đình của H. không phải bắt đầu từ đó. Đến thời điểm tận mắt chứng kiến sự thật ấy, H. (quê Thanh Hóa) đã 11 năm sống trong bạo hành, sợ hãi, căng thẳng. Khi H. lấy chồng - một người đàn ông hơn cô 16 tuổi - nhiều người bảo cô thích ra Hà Nội nên mới lấy chồng lớn tuổi như vậy. Không ai tin H. đã yêu người đàn ông ấy từ cái nhìn thiện cảm lần đầu gặp. Về ở với nhau được ba năm, những mặt trái của cuộc sống vợ chồng nảy sinh. H. bị cấm sang nhà hàng xóm nói chuyện, cấm về quê thăm bố mẹ...
H. cũng bị cấm đi làm với lý do: ở nhà chăm con nhỏ.
“Một ngày anh ấy để 5.000 đồng trên bàn cho tôi mua thức ăn, thừa thiếu gì mặc kệ. Từ khi đứa con đầu lòng lên 3 tuổi, tôi đã bị chồng tước mất quyền chăm con. Ngay cả việc mua một miếng bánh chưng, chọn một cái áo cho con, ngủ với con, ôm hôn con... tôi cũng không được làm. Nhiều lần mua quà bánh về cho con, anh ấy giằng lấy vứt xuống đất, đạp cho nát bấy hoặc vứt vào thùng rác” - chị H. kể.
Những trận đòn dần xuất hiện, trở thành nỗi ám ảnh suốt 12 năm của H.. Có lần quét nhà nhặt được con dao cạo râu ở hành lang, H. để lên mặt tủ. Trưa về chồng không tìm thấy dao cạo, tát H. sưng cả mặt. Một buổi tối, chỉ vì không mang nồi chè vào đúng giờ cho mẹ chồng do mải bón bột cho hai đứa con, người chồng đã cầm cuốn sách tát vào mặt vợ 16 cái liền và đạp vào bụng vợ như đạp một con gián. Ngồi vắt bột suốt đêm, con khóc không kịp dỗ cũng bị chồng lao ra đánh...
“Một lần anh ấy vừa đi Thái Nguyên về, nghe mẹ chồng phàn nàn gì đó, anh ta chửi bới xúc phạm một hồi rồi đánh tôi sưng hết mặt. Sau đó anh ta lột hết quần áo rồi đuổi tôi ra khỏi nhà lúc 2g sáng. Tôi vớ được bộ quần áo cũ ở góc sân vẫn làm giẻ lau mặc vào rồi đi bộ ra bờ sông Tô Lịch gần đồn công an ngồi cho đến sáng. Vừa thấy tôi về, anh ta đã lao vào đấm đá túi bụi” - chị H. nhớ lại, ánh mắt vẫn không thôi đau đớn. Đó không phải lần duy nhất chị bị đuổi ra khỏi nhà. Chị Tạ Kim Dung, người bạn thân và cũng từng là hàng xóm của chị H., kể: “Nó bị đánh nhiều lần lắm. Có lần sang chơi tôi thấy H. nằm trần truồng mình mẩy bầm tím, mặt mũi sưng vù cứ rên ư ử. Tôi là người đưa nó đi bệnh viện, chăm sóc rồi chở nó về”.
Rồi người chồng nghĩ ra đủ trò khiến vợ ly dị để độc chiếm ngôi nhà. Xúc phân chó, chất than tổ ong để lên giường vợ. Viết giấy đuổi vợ ra khỏi nhà. Không cho vợ vào nhà ngủ. Chiếc phản mà H. kê ngoài đầu ngõ ngủ, anh ta cũng mang dao chặt phá hết. Thời điểm đó (năm 1995) hai vợ chồng đang xây nhà, mùa đông rét cắt da cắt thịt, H. phải ra lán công trường nằm co người áp mặt xuống đất ngủ. Không chăn, không chiếu, H. phải lấy bao tải để đắp, lấy phên che để nằm. Có buổi tối H. bị đuổi ra khỏi nhà. Cô ngồi trên đống nguyên vật liệu ngổn ngang trước nhà. Gần 12g đêm, hai đứa con thì thào gọi mẹ qua song cửa sắt. Chúng lấm lét đưa áo qua khe cửa cho mẹ, vội vàng bảo: con phải lên ngủ đây, không bố biết bố đánh con chết”. Hai đứa nhỏ không dám khóc thành tiếng vì sợ bố nghe thấy là bị đòn. “Có lần con trai tôi đi học về, anh ta bắt nó ra đường chửi mẹ, dọa không chửi đánh nó chết. Nó ra ngoài đường không dám về nhà trưa đấy dù trời rất nắng” - chị H. kể.
Phóng to |
Đây là chiếc đũa mà người chồng dùng để chọc vào mắt chị Q. (Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: My Lăng |
Những đêm địa ngục
Những kiểu hành hạ không chỉ dừng ở đó mà còn là nỗi ám ảnh, khiếp sợ mỗi khi đêm xuống. Người đàn ông ấy còn nhẫn tâm hành hạ vợ mình ngay cả trên giường. “Đêm nào giấc ngủ của tôi cũng là cơn ác mộng với những cái tát, cú đấm, cái đạp vào mặt, vào đầu, vào người và những lời lẽ chua ngoa, xúc phạm hàng giờ từ người chồng trí thức. Một thời gian sau anh ta ép tôi phải ly thân. Ly thân nhưng anh ta bắt tôi phải ngủ cùng. Không ngủ đánh chết” - chị H. không nén được bức xúc trong giọng nói khi nhớ lại những tháng ngày ấy.
Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ, sương gió, chị H. tâm sự: “Anh ta bắt tôi viết đơn ly hôn để anh ta ở với cô cháu gái tôi. Nếu không bỏ thì anh ta hành hạ đến chết. Cứ đêm đến là anh ta lại chửi bới, xúc phạm tôi. Đêm nào anh ta cũng đợi lúc hai đứa con đi ngủ là lên phòng tôi khóa chặt cửa phòng lại, giở những hành động ghê tởm trên giường chiếu. Tôi đã khóa cửa lại mấy lần, lần nào anh ta cũng lấy dao chặt, cạy tung khóa, hùng hục xông vào cưỡng bức vợ. Nếu tôi từ chối, anh ta bóp cổ. Quần áo trên người tôi bị xé tả tơi. Có đêm, anh ta uống thuốc kích dục rồi hành hạ tôi rất đau đớn. Có lần tôi khóc, van xin anh ta dừng lại vì quá đau đớn, vùng kín bị chảy máu, anh ta vẫn không tha. Tôi phải gào to gọi hàng xóm cứu. Đêm nào nghe thấy tiếng động là tôi lại giật mình, sợ hãi. Tôi hận lắm. Vì sao một người có học hành, một trí thức lại nghĩ ra những thứ không phải dành cho con người đó với vợ mình. 3g sáng 24-7-1994, anh ta lại đánh và bắt tôi viết đơn ly hôn, ép tôi phải tự tay gửi đơn ra tòa và ra thời hạn nếu trong bốn ngày mà tòa không gọi thì sẽ bị đánh đòn tiếp. Tôi không chịu. Anh ta khóa chặt cửa ép tôi viết. Đến 4g sáng, tôi tức quá nhắm mắt viết cho xong sự đời. Nhưng khi tòa bảo phải chia tài sản, anh ta sợ, không chịu ly hôn nữa”.
Và cuộc sống địa ngục với H. cứ thế tiếp diễn sau khi căn nhà xây xong. Những trận đánh, tra tấn bằng chửi bới lại diễn ra hằng đêm sau khi cánh cửa đã khép lại. Người chồng cắt luôn đường điện và nước ở tầng 3 nơi H. ở. Hơn 10 năm sống trong căn nhà đó, H. phải chịu cảnh không nhà vệ sinh, phải dùng túi bóng và xô nhựa. Hai đứa trẻ đã phải cam chịu cảnh sống trong sợ hãi như mẹ. Bố gầm một tiếng là hai đứa nhỏ nép vào sau cánh cửa.
“Đêm 25-5-2004, anh ta tuyên bố không chia tài sản cho tôi và ép tôi phải tự nguyện ra đi trắng tay. Nếu ở lại anh ta sẽ gây căng thẳng đến mức không chịu đựng được. Nếu báo công an, anh ta sẽ bóp cổ tôi cho đến chết. Tôi sống trong lo âu từng giờ từng phút nhưng không thể ra đi. Tôi nghĩ mình bỏ đi, sau này hai đứa con nghĩ như thế nào về mẹ nó. Nó có hiểu cho lòng tôi không. Mẹ tôi đã 80 tuổi. Anh em họ hàng thì ở xa...” - chị H. tâm sự.
Cuối cùng không thể chịu đựng được nữa, người vợ ấy đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn.
Đọc bản án ly hôn do Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy ký ngày 23-6-2006 không khỏi xót xa. Bản án ghi rõ: Tại phiên tòa chị H. chỉ đề nghị được sở hữu một xe đạp mini màu đỏ, một tủ gỗ hai buồng đã cũ. Còn căn nhà ba tầng, tài sản chung của hai vợ chồng, chị chỉ xin được ở một phòng 16m2 sát chân cầu thang. Còn lại xe máy, những vật dụng giá trị khác và phần lớn ngôi nhà chị xin để lại cho chồng và hai con. Không nghề nghiệp, thu nhập chỉ dựa vào hàng nước, chị sợ hai con khổ, không được học hành đến nơi đến chốn, đành rứt ruột để hai đứa nhỏ ở với bố. 43 tuổi, cầm bản án ly hôn - kết quả sau ba năm trời ròng rã - người phụ nữ ấy rơi nước mắt. “Chỉ cần được ly hôn là tôi nhẹ lòng rồi, chuyện tài sản, tiền bạc, hơn thiệt không có ý nghĩa với tôi. Tôi chỉ mơ được ngủ thật ngon, không còn bị đánh, không phải sống trong sợ hãi, lo lắng” - chị thủ thỉ.
Sau cuộc chia tay ấy, chị phải vay tiền và thuê thợ xây dựng bức tường ngăn giữa phòng chị và phòng của người đàn ông ấy ở tầng 1. Căn nhà chia làm đôi. “Cuộc sống của tôi bây giờ rất thoải mái. Tôi có thể mua một bình hoa về ngắm, làm những điều nho nhỏ mình muốn. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi không phải chịu cảnh địa ngục như trước nữa...” - chị H. chia sẻ.
------------------
Kỳ tới: Tuổi thơ, lằn roi và nước mắt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận