Trong căn nhà xây gạch trát ximăng thô sơ chỉ vừa đủ một người ở lúc nào cũng im ắng, nằm chơ vơ côi cút giữa đồng cỏ sau những quả đồi ở thôn Hợp Phú (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), bà Phạm Thị Xuê đang nằm co ro trong cái mền cũ kỹ.
61 tuổi, không con cái, bà chỉ có người bạn thân thiết vốn là em họ đã 70 tuổi Nguyễn Thị Hạnh ở xóm bên.
Phóng to |
Bà Xuê với vết sẹo dài trên má trái - vết tích của lần ông Soạn dùng dao chém trong một cơn say - Ảnh: My Lăng |
33 năm địa ngục
Hậu quả của 33 năm sống cùng người chồng tàn độc đã hủy hoại gương mặt hiền dịu, thanh thoát của cô thiếu nữ ngày nào, khiến người phụ nữ ấy trở nên còm cõi, già nua, nhăn nhúm và quá khắc khổ so với tuổi thật. Hàm răng đã lung lay, rệu rã, hàm trên bị gãy rụng gần hết.
Nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc mỏng của chị họ, bà Hạnh thủ thỉ: “Bây giờ mới để được tóc dài chứ hồi ổng ở với ả, ổng giật tóc, cắt tóc không biết bao lần”.
Mái tóc dài thưa thớt không đủ che đi những mảng da đầu trắng hếu chằng chịt dấu vết của biết bao lần chồng bà dùng dao, gậy, dùng bất cứ thứ gì trong tay phang lên đầu bà.
Vết sẹo dài hằn sâu chạy dọc bên trái gương mặt là tội ác của ông trong một lần say rượu sau khi đi hỏi vợ cho con về. “Cả con dao phay chém vào lưỡng quyền, máu phụt ra phủ lên cả mắt...”, bà Xuê nói chưa trọn câu, cổ họng đã nghẹn lại, ôm mặt khóc rưng rức.
Lấy nhau từ năm 1976, một năm sau ngày hòa bình nhưng cuộc đời người phụ nữ ấy từ đó không một ngày bình yên.
Từ khi lấy chồng, cô không dám mua một bộ quần áo mới cho mình. “May về là chết với ổng. Quần áo của ả ổng chặt, đốt hết. Toàn đồ người ta cho mặc lại. Khi ổng đi tù ả mới dám may quần áo”, bà Hạnh cho biết.
Mùa đông cũng như mùa hè, ngày nào tầm 3-4 giờ, bà Xuê cũng phải dậy đi chợ. Chợ xa, bà đi bộ hai tiếng đồng hồ, cứ đầu gồng đầu gánh, buôn thúng bán mẹt, còn ông chồng ở nhà uống rượu. Mỗi lần về phải có một cuốc rượu 2.000 đồng (sau này là 7.000 đồng) và lòng bò cho chồng. Không có tiền phải mượn tiền mua.
Mỗi khi có đám giỗ họ hàng, đình đám của làng, bà Xuê phải lạy lục sống chết, năn nỉ, van xin chồng cho đi. Chồng cho mới được đi. Vợ về trễ 5-10 phút, ông ta lôi cha mẹ, ông bà bên ngoại của vợ ra chửi. Chửi xa xả. Chửi rất dai.
Người chồng ấy ghen đến mù quáng, tàn độc. Đỉnh điểm của thói ghen tuông ích kỷ, mù quáng ấy là lần người vợ xin chồng cho về bên ngoại có đám giỗ. “Tôi phải xin sống xin chết ổng mới cho đi. Lần đó tôi về trễ, ổng chửi từ trong nhà rồi lao ra tát túi bụi vào mặt”, bà Xuê nhớ lại. Đó là lần đầu tiên bà bị đánh và bắt đầu cho quãng đời u ám đầy nước mắt của bà suốt hơn 30 năm sau đó.
Cứ 2-3 ngày bà lại bị đánh một lần. Những bộ quần áo trên người bà cứ nhàu nát, rách bươm, tơi tả sau những tháng ngày bị đòn roi giáng xuống như vậy. Chửi mắng, nguyền rủa thì hằng ngày hằng giờ, cả đêm lẫn ngày. Không có chuyện gì ông Soạn cũng gây.
Bà Hạnh cho biết: “Nhiều ngày ả phải nhịn đói, có khi phải sang bên tui ăn. Ăn xong là ba chân bốn cẳng chạy về. Có lần tui qua thấy ả ăn lúc với mắm, lúc với muối toàn cơm thừa canh cặn, còn ông ấy ăn cá, thịt. Có gì ngon ổng ăn hết, cái gì dở chừa lại. Ổng ăn xong ả mới được ăn. Mà có được yên ổn ăn đâu. Ổng cứ hoạnh họe: “Sao mày ăn lâu vậy?”.
Có khi ổng còn chửi rủa”. “Con cháu thương cho cái gì tui cũng không dám ăn và không được ăn. Có hôm khi tui đang ăn ổng xuống đá nồi canh, chén mắm không cho ăn. Có lần ổng ăn xong còn thừa mấy miếng huyết tui thèm quá mang cất định ăn, ổng chạy theo xuống bếp giật lấy, đổ hết xuống đất, lấy chân chà nát không cho ăn”, bà Xuê rớt nước mắt kể.
Nhà có ba cái giường nhưng 32 năm làm vợ cũng là ngần ấy thời gian bà Xuê phải nằm ngủ ở bộ ván ngoài hiên nhà. Bà bị cấm không được phép nằm giường. Mùa đông hay hè, rét hay nóng cũng phải nằm ở đó. Trời nóng bà mở quạt, ông ta chống nạnh, cằn nhằn: tiền đâu mà trả rồi bắt vợ tắt quạt. Mùa đông bà chỉ có cái chăn chiên mỏng tang mua từ năm 1976 nhưng ông cũng giật lấy không cho đắp. Bà co quắp trên cái phản gỗ lót manh chiếu bà mua từ ngày cưới.
“Có ngày mệt quá, tui xin cho tui nằm nghỉ tí thì ổng nắm đầu, kéo tóc bắt tôi dậy nấu cơm. Không dậy kịp là ổng kéo dập đầu xuống ván, vào tường...”, bà Xuê nói giọng nghẹn lại. Có lần ông lấy kìm kẹp mặt bà phun cả máu, đánh trật hai khớp tay. Bà sợ quá cắm đầu chạy.
Lần khác, ông đánh bà bằng đòn gánh ngay ruộng. Máu mũi, máu miệng ộc hết ra. Hàm răng của bà từ đó bị lung lay, mới 61 tuổi mà rụng gần hết. Trong nhà lúc nào cũng có sẵn 6-7 cây gậy ổng chuốt thẳng tắp, to bằng cổ tay, dài như đòn gánh.
“Ổng đánh tui chết ngất thì múc nước xối. Toàn đánh bằng sống dao, gậy vào đầu nên đầu tui đầy vết sẹo, giờ lãng trí. Tóc tai khi đó rụng hết, không có như bây giờ. Đánh lắm, đau lên óc, đêm không ngủ được. Công an, hội phụ nữ đến can thiệp, ổng văng tục, chửi càn quấy”, bà Xuê tâm sự. Đã không biết bao lần bà bỏ nhà đi, ông ta lại tìm đến năn nỉ, ngon ngọt nói về. Bà lại mềm lòng. Về. Lại bị đánh.
Không thể tha thứ
Một buổi chiều cuối tháng 6-2008, trong cơn say như bao ngày khác, ông Soạn dùng đá đập vào mặt vợ khiến bà đau đớn không thể dậy nấu ăn được. Cả ngày bị đánh đập lại không được ăn gì, người đàn bà tội nghiệp đói lả. Bà lết từ trên ván xuống cửa bếp để nấu gì đó ăn thì ông chồng bật dậy, quơ lấy cây gậy đánh vào đầu, vào lưng vợ. Người phụ nữ đáng thương khuỵu xuống, gục đầu bất tỉnh ngay trước cửa bếp.
Tưởng vợ chết, người đàn ông ấy đã man rợ lột hết quần áo vợ, lấy dao cắt từng bộ phận trên cơ thể người đàn bà yếu đuối: ngực trái, cổ tay trái, cổ chân trái và cả ở vùng kín. Sau đó, ông ta bình thản đi gọi người cháu họ, thông báo: “Mụ Xuê chết rồi”.
Người cháu trai chạy qua nhà, bàng hoàng với cảnh tượng kinh hoàng trước mặt: bà Xuê nằm bất tỉnh, thân thể không quần áo và loang lổ máu khô bết trong máu tươi. Chỗ kín của bà được che đậy sơ sài bằng mảnh nilông rách.
Ai cũng nghĩ bà sẽ chết dù được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Gân gót bị cắt đứt. Vùng kín bị cắt thành hình chân chim... Qua một đêm bà Xuê mới tỉnh dậy sau khi được khâu sáu mũi dưới ngực trái, chín mũi bên chân trái để nối gân gót, ba gân tay và vùng kín khâu chín mũi. Không con cái. Bà Hạnh khi đó đang đi Gia Lai. Bà Xuê phải thuê người chăm sóc, nuôi 20 ngày.
Sau đó, ông Trần Giang Soạn đã bị xử 4 năm tù về tội bạo hành gia đình, cố ý gây thương tích. Tôi hỏi bản án đó bà có thỏa mãn không, bà chảy nước mắt bảo: “Làm sao thỏa mãn được hết nỗi đau mà ổng gây ra cho tui hả cô? Cuộc đời của tui giờ như thế này, ổng có đi tù bao nhiêu năm đi nữa tui cũng không hết đau”.
Những nỗi đau về thể xác vẫn đeo đẳng bà đến tận bây giờ. Từng ngày, từng giờ, bà phải gồng mình chịu đựng những tổn thương về thể xác dù đã được giải thoát khỏi người đàn ông tàn độc ấy.
Kỳ tới: Người phụ nữ và cái huyệt trong nhà
____________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai” Kỳ 2: Nhật ký của một bác sĩ Kỳ 3: 12 năm sống trong sợ hãi Kỳ 4: Tuổi thơ, lằn roi và nước mắt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận