20/05/2019 06:40 GMT+7

Làm thêm 400 giờ, vui hay buồn đây?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu chia sẻ về việc đồng tình nới rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ 'trong tâm trạng buồn. Bởi vì hiện nay thu nhập của người lao động rất thấp'.

Làm thêm 400 giờ, vui hay buồn đây? - Ảnh 1.

Đề nghị cho tăng giờ làm thêm dự báo sẽ tác động không nhỏ đến thị trường lao động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông nói: Chúng ta đã có thêm nhiều tỉ phú nhưng đang có rất nhiều lao động nghèo. Nhiều công nhân muốn ra khỏi nhà đi làm bởi không muốn ở trong phòng trọ quá chật chội. Vừa rồi chúng tôi đi thực tế thấy đau lòng trước tình trạng "tín dụng đen" khá phổ biến trong giới công nhân.

Tiền làm thêm sẽ tăng lũy tiến?

* Như vậy, sự đồng tình của Tổng liên đoàn Lao động VN với việc tăng giờ làm thêm là sự đồng tình với một giải pháp tình thế?

- Tôi cho rằng đó là một giải pháp tình thế. Hiện nay không ít lao động của chúng ta vẫn có nhu cầu làm thêm, lý do là thu nhập của họ quá thấp, không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống gia đình, nuôi con cái.

Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị phải quy định tiền công trả cho giờ làm thêm tăng lũy tiến, ví dụ 2 giờ làm thêm đầu tiên trong ngày là 5 đồng mỗi giờ thì giờ thứ 3 phải tăng lên 7 đồng và giờ thứ 4 phải 9 đồng. Quy định như vậy để đảm bảo chi phí tái sản xuất sức lao động, tránh sự lạm dụng của doanh nghiệp, để khi thực sự cần thiết thì mới huy động người lao động làm thêm giờ.

Tôi muốn nhắc lại rằng tăng giờ làm thêm không phải là vấn đề mà chúng ta mong muốn cho một chiến lược lâu dài. Thời gian tới chúng ta phải tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất lao động, giảm giờ làm, kể cả giờ làm việc chính thức.

Đằng sau người lao động là con cái của họ. Chúng tôi có đề nghị là nghiên cứu chế độ làm việc 44 giờ (từ thứ hai đến thứ sáu và nửa ngày thứ bảy hằng tuần), trước mắt là khuyến khích các doanh nghiệp. Người lao động được nghỉ ngơi thì cũng là động lực để họ làm việc tốt hơn.

* Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ủng hộ quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu theo như tờ trình của Chính phủ, vì sao?

- Việc tăng tuổi nghỉ hưu là rất cần thiết. Chúng ta đang ở thời điểm dân số vàng nhưng cũng đang trong giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên, điều chúng tôi đề nghị là cần tính toán rất cụ thể về số tuổi tăng, giảm cũng như với từng đối tượng cụ thể.

Ví dụ, với những người lao động sản xuất trực tiếp hầu hết là lao động cơ bắp, trong môi trường vất vả, cần định hướng độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn. Một số lĩnh vực không thể tăng độ tuổi nghỉ hưu. Ví dụ một cô giáo lớn tuổi không thể nào múa hát, dạy dỗ tốt ở một lớp học có mấy chục cháu mầm non.

Nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử, chủ sử dụng lao động cũng không muốn sử dụng lao động đã lớn tuổi. Nên pháp luật cần quy định cụ thể.

Vì vậy, đại biểu Quốc hội sẽ xem xét dự án luật cùng với các nghị định kèm theo do Chính phủ trình để đánh giá về các quy định cụ thể đối với từng loại đối tượng.

Quản chặt các hình thức hợp đồng lao động mới

* Bộ luật lao động (sửa đổi) lần này cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh, cả đến những vấn đề gây tranh cãi như quan hệ lao động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ như Uber, Grab?

- Tôi thấy trong tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ thực tế như thời gian qua đã xuất hiện tình trạng giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói hoặc giao kết hợp đồng bằng văn bản nhưng lại sử dụng các tên gọi khác như "hợp đồng dịch vụ", "hợp đồng cộng tác viên", "hợp đồng đại lý"... hoặc giao kết nhiều hợp đồng lao động dưới 1 tháng để trốn tránh các nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động...

Nhiều dạng quan hệ việc làm mới đã xuất hiện, như người làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh cho các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải, người làm việc tự do, tạm thời theo dự án...

Dự thảo bộ luật đã sửa đổi khái niệm người lao động, bổ sung quy định, theo đó bất kỳ thỏa thuận về việc làm nào mà có đủ 3 dấu hiệu: công việc phải làm; tiền lương; có sự quản lý điều hành của người sử dụng lao động, dù có được thể hiện bằng tên gọi hoặc hình thức (lời nói/văn bản) nào cũng đều được coi là hợp đồng lao động.

Tôi thấy rằng nên ủng hộ quan điểm nêu trên của Chính phủ. Đây cũng là quy định nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động và cũng chính là cách chúng ta chuyển hóa các quan hệ lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức thuận lợi hơn.

Điều này cũng đảm bảo nguyên tắc pháp chế là các chủ thể đều phải tuân thủ pháp luật, dù có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động, ở đâu có lao động thì ở đó phải có tác động của Bộ luật lao động.

Không đồng ý nghỉ "ngày tri ân"

Chính phủ đề nghị chọn ngày 27-7 là ngày nghỉ lễ để có thời gian làm tốt hơn nữa công tác tri ân (có thể gọi là ngày tri ân). Đa số ý kiến phát biểu tại phiên thẩm tra không đồng ý với đề nghị này.

"Tôi đề nghị không quy định, vì ngày đó không phải để nghỉ, bây giờ cho nghỉ thì biết là họ có đi thắp hương, có tri ân không hay là ở nhà đi chơi, nghỉ ngơi" - đại biểu Giàng A Chu băn khoăn.

Đề xuất tuổi nghỉ hưu của người lao động bắt đầu tăng từ 2021 Đề xuất tuổi nghỉ hưu của người lao động bắt đầu tăng từ 2021

TTO - Dù đưa ra hai phương án nhưng Chính phủ đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62, nữ lên 60 tuổi bắt đầu từ năm 2021.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên