07/05/2019 08:06 GMT+7

Điều chỉnh giờ làm việc: đừng sửa chiếc TV không hỏng

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TTO - Việc điều chỉnh giờ làm việc từ 8h30 đến 17h30 nhằm giải quyết vấn đề gì? Làm luật mà không rõ vấn đề thì khác gì với việc chọc cái TV không hỏng ra để sửa. Rủi ro của việc 'chữa bò lành thành bò què' là rất dễ xảy ra.

Điều chỉnh giờ làm việc: đừng sửa chiếc TV không hỏng - Ảnh 1.

Thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc nên để Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị quy định cụ thể - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Một trong bốn chính sách lớn được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân là thống nhất thời gian làm việc trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (ba chính sách khác là kéo dài tuổi hưu, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm, thêm một ngày nghỉ lễ 27-7).

Cụ thể thời gian làm việc của các cơ quan dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. "Thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp với thời gian làm việc của các quốc gia". Đây là phương án 1.

Bộ cũng đề xuất phương án 2 là giữ nguyên như hiện hành. Chúng ta hiểu phương án 1 là phương án ưu tiên của bộ. Nếu phương án này được lựa chọn thì có một số điều rất đáng phải băn khoăn.

Thứ nhất, vấn đề mà chính sách thống nhất thời gian làm việc hướng tới để giải quyết là vấn đề gì? Các vấn đề mà chính sách kéo dài tuổi hưu, chính sách tăng giờ làm thêm được thiết kế để xử lý là rất rõ ràng. Không kéo dài tuổi hưu: quỹ bảo hiểm xã hội sẽ vỡ. Không tăng giờ làm thêm: các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Như vậy, hai chính sách lập pháp nêu trên được thiết kế ra là để xử lý những vấn đề có thật và đang trở nên ngày càng nóng bỏng của cuộc sống. Thế nhưng vấn đề mà chính sách thống nhất giờ làm việc hướng tới để xử lý thì quả thực là không thật rõ.

Làm luật mà không rõ vấn đề thì khác gì với việc chọc cái TV không hỏng ra để sửa. Rủi ro của việc "chữa bò lành thành bò què" là rất dễ xảy ra.

Thứ hai, quy định tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị đều làm việc từ 8h30 đến 17h30 là rất cứng nhắc và hình thức. Những quy định quá cứng nhắc như vậy có thể làm phát sinh những vấn đề mà trước khi chúng được ban hành đã không hề có. Rủi ro hơn, trong một số trường hợp cụ thể, chúng không thể tuân thủ được.

Nên chăng Bộ luật lao động chỉ cần quy định thời gian làm việc của cán bộ, công chức 40 giờ/tuần. Thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc nên để Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị quy định cụ thể.

Các cơ quan của trung ương và của địa phương có thể có thời gian làm việc chênh lệch nhau một ít để tránh ách tắc giao thông. Thậm chí trong mùa đông giá rét, các tỉnh ở miền Bắc có thể bắt đầu ngày làm việc muộn hơn.

Thực tế này đã được nhiều trường học ở các địa phương áp dụng thời gian qua và phát huy hiệu quả. Nếu quy định lại thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, mọi hiệu quả sẽ trở về số không, đó là chưa kể những bất lợi phát sinh mới khi tình hình giao thông hiện phức tạp hơn xưa rất nhiều.

Ngoài ra, thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển mới khi chính phủ điện tử, chính phủ trí tuệ nhân tạo đang và sẽ làm việc 24/24 giờ mỗi ngày và 365/365 ngày mỗi năm. Quy định thời gian làm việc linh hoạt để đón đầu thời đại đang đến là quan trọng, thay vì quy định một giờ cụ thể cho bao nhiêu triệu con người.

Thăm dò ý kiến

Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đề xuất điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan hành chính bắt đầu từ 8h30. Theo bạn giờ làm việc nên:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bắt đầu làm việc từ 7h30, 8h, hay 8h30? Bắt đầu làm việc từ 7h30, 8h, hay 8h30?

TTO - Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên