Người dân đến liên hệ công việc tại UBND Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN
Trong đó, yếu tố thời tiết, khí hậu và đặc thù về sinh hoạt, giờ giấc của cán bộ, nhân dân sẽ quyết định việc chọn thời gian bắt đầu làm việc. Tôi làm viên chức đã 25 năm, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến hàng ngày sẽ làm việc từ 8h30.
Không khả thi
Với người độc thân, đi làm và về nhà lúc mấy giờ không thành vấn đề. Thậm chí càng đi làm trễ họ càng thích vì được "ngủ nướng". Tuy nhiên, trong số cán bộ - công nhân viên thì phần đông đã có con cái, cho nên buổi sáng việc đầu tiên của họ khi ra khỏi nhà là phải đưa con đi học.
Ai cũng biết thời khóa biểu của các trường học ở nước ta muộn nhất là 7h, đặc biệt nhiều trường từ bậc tiểu học trở lên quy định 6h30 học sinh phải có mặt tại lớp. Như vậy, phụ huynh biết làm gì để giết thời gian trong suốt hai tiếng đồng hồ ấy?
Cuối giờ chiều, mới hơn 16h là nhiều người phải xin phép cơ quan để đi đón con. Điều đó đồng nghĩa với "bớt xén" hơn nửa giờ làm việc. Thế nhưng, nó vẫn chưa thấm vào đâu nếu kéo dài giờ tan sở lúc 17h30. Trường hợp phải chấp hành đúng thời gian làm việc, chẳng lẽ ngày nào cũng để con chờ ở trường hơn một tiếng đồng hồ.
Cháu gái tôi đang dạy ở mầm non công lập than thở: nếu 17h30, các bậc cha mẹ mới được ra khỏi cơ quan thì ít nhất 18h giáo viên mới về đến nhà, trong khi buổi sáng phải có mặt trước 6h30 để đón cháu. Cháu hỏi tôi rằng mỗi ngày làm việc gần 12 tiếng, vậy có vi phạm Bộ luật lao động?
Ngoài ra, giờ nghỉ trưa hiện nay là 11h30 và trở lại công việc lúc 13h là hợp lý. Người lao động có thời gian ăn trưa và nghỉ ngơi phục hồi, tái tạo sức lao động. Còn một khi chỉ được nghỉ trưa 60 phút thì chắc chắn khó lòng đáp ứng vì tình trạng trên kéo dài ngày này qua ngày khác.
Đối với khía cạnh thời tiết, mùa này trên cả ba miền đất nước mới 5h là trời đã sáng rõ. Người dậy muộn cũng 6h là thức giấc. Vậy biết làm gì cho hết hai tiếng rưỡi đồng hồ?
Với ngành y tế giờ làm việc bắt đầu càng muộn càng bất cập và không khoa học. Hiện tại, nhiều bệnh viện phải mở cửa phục vụ người dân đến khám bệnh từ 5h mà vẫn bị quá tải. Mặt khác, các khâu khám tổng quát, đo huyết áp, xét nghiệm cận lâm sàng như thử máu, nước tiểu, siêu âm, nội soi… đều phải thực hiện trong buổi sáng mới có độ chính xác cao. Đó là chưa kể lấy mẫu xét nghiệm muộn có thể dẫn đến việc hôm sau người dân phải quay lại để nhận kết quả. Do vậy, vấn đề kéo dài thời gian làm việc buổi sáng đến tận 12h30 là hoàn toàn không phù hợp.
Nên vận dụng linh hoạt
Tôi nghĩ rằng tiếp tục duy trì thời gian bắt đầu làm việc lúc 7h30 là đúng đắn. Riêng các địa phương từ Phú Yên trở ra bắc và các tỉnh Tây Nguyên có thể linh động áp dụng mốc 8h vào mùa đông.
Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhiều tỉnh thành ở Bắc Bộ có khí hậu lạnh không kém gì Hàn Quốc, Nhật Bản nên rất cần có giờ giấc làm việc đặc thù cho cán bộ và nhân dân nơi đây. Không nhất thiết phải làm đủ 8 tiếng/ngày, có thể rút ngắn 7 đến 7 tiếng rưỡi nhưng yêu cầu đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Điều này rất nên làm vì các em học sinh cần được nghỉ học trước 16h vào mùa đông.
Thời gian bắt đầu làm việc của một ngày mới, nếu muộn quá, vô tình sẽ gây ra lãng phí khá lớn bởi người lao động không biết "tiêu thụ" giờ rảnh rỗi cho việc gì. Trong khi cuối buổi chiều phải về nhà rất muộn, tất bật giải quyết công việc nhà, cho con cái ôn bài muộn kéo theo chuyện thức khuya làm ảnh hưởng sức khỏe.
Lâu nay, một hội nghị hoặc ngay cả họp Quốc hội bắt đầu lúc 8h, nghỉ trưa vào 11h30 đã thấy là hơi trễ. Thử hình dung trường hợp đến 8h30 khai mạc và hơn 12h mới xong thì mấy ai đủ kiên nhẫn ngồi dự.
Thiết nghĩ, các bộ ngành có liên quan nên mở cuộc "trưng cầu dân ý", trong cả cán bộ công nhân viên lẫn người dân lao động về thời gian bắt đầu làm việc "lý tưởng" nhất. Chắc chắn sẽ có khá đông người ủng hộ phương án làm việc trước 8h mỗi ngày.
Giờ giấc làm việc hằng ngày còn liên quan đến "đồng hồ sinh học" của mỗi người. Vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sẽ có tác dụng kích thích sự sáng tạo, phấn đấu, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận