
Báo Phú Khánh với những bài viết kêu gọi thanh niên cống hiến xây dựng đất nước - Ảnh tư liệu
Hợp nhất vùng đất hai bên đèo Cả
Phú Khánh được thành lập vào cuối năm 1975 theo chủ trương "bỏ khu hợp tỉnh" của trung ương, nên hợp hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa lại.
Phú Yên vốn là vùng đất phía bắc núi Đại Lãnh (đèo Cả ngày nay) được lập phủ từ năm 1611 và trên bước đường Nam tiến mở cõi của dân tộc Việt, đây là nơi lập dinh Trấn Biên (dinh ở đầu địa giới) từ năm 1629.
Còn Khánh Hòa là vùng đất phía nam núi Đại Lãnh, lập dinh từ năm 1653 với tên gọi là dinh Thái Khang, đổi thành tỉnh Khánh Hòa (năm 1832). Thời nhà Nguyễn về trước, hai vùng đất này bị cách trở lớn bởi qua lại đèo Cả rất khó khăn.
Theo các vị nguyên lãnh đạo tỉnh, tên Phú Khánh được hình thành theo trào lưu chung lúc bấy giờ ở miền Trung ghép một phần tên các tỉnh lại với nhau như Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình... khác phía Nam xu hướng đặt tên mới như Cửu Long, Minh Hải...
Lúc mới thành lập, Phú Khánh có sáu huyện đồng bằng (Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, Khánh Ninh, Khánh Xương, Cam Ranh), bốn huyện miền núi (Miền Tây, Sơn Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) và hai thị xã (Nha Trang, Tuy Hòa), tỉnh lỵ đặt tại Nha Trang.
Phú Khánh có các sản vật nổi tiếng: yến sào, trầm hương..., có Nha Trang - một trong ba nơi nghỉ mát hàng đầu của phía Nam (cùng với Đà Lạt và Vũng Tàu), có Tuy Hòa "vựa lúa miền Trung" lo được cái đói lương thực bấy giờ.
"Lúc mới thành lập, cán bộ ở Phú Yên vào Nha Trang làm việc nhẹ nhàng như chấp hành mọi nhiệm vụ hồi còn chiến tranh vậy. Tôi cùng nhiều anh em gói ghém tư trang chỉ một ba lô, ăn ngủ tại cơ quan mới. Tình cảm anh em cùng tỉnh mới khi đó rất chan hòa" - ông Nguyễn Bằng, nguyên cán bộ tỉnh Phú Khánh, nhớ lại.
Tuy nhiên những năm cuối của thập niên 1970 Phú Khánh phải đối mặt với khó khăn chung do hậu quả của chiến tranh trước 1975, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
"Tỉnh phải triển khai rất nhiều việc: huy động nhân dân khai hoang phục hóa, đưa dân đi kinh tế mới, cải tạo sản xuất nông nghiệp, rồi cải tạo công thương nghiệp, huy động sức người sức của cho tiền tuyến... Các địa phương rất gian nan để hoàn thành chỉ tiêu "3L" là lính, lúa, lợn được giao...", ông Nguyễn Bằng kể.
Khởi sắc từ Nha Trang
Đó là những năm tháng mà ngay tại Nha Trang người dân phải phơi nông sản trên hè phố, ngăn nhà phố ra nuôi heo, đào sân lên trồng rau...
Nhưng rồi đường phố đất cát bay mù dần được tráng nhựa. Các khu gia binh cũ nhường chỗ cho khu dân cư mới, nhà tôn được thay mái ngói. Bộ mặt phố phường thay đổi nhờ trụ sở chính quyền các cấp và các ty được cải tạo, xây mới cùng các trường ĐH Thủy sản, CĐ Sư phạm Nha Trang...
Đặc biệt nhất là Chợ Đầm được sửa sang nâng cấp khang trang với tên mới "Cửa hàng bách hóa tổng hợp Nha Trang" là một trung tâm thương mại nổi tiếng của cả miền Trung lúc bấy giờ.
Nha Trang cũng là nơi trung chuyển hàng hóa nông lâm sản từ Tây Nguyên xuất khẩu đi các nước, đồng thời cảng Nha Trang cũng là nơi tập trung các hàng nhập khẩu hoặc từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam để đưa đi các huyện trong tỉnh và lên Tây Nguyên.
Phú Khánh nổi tiếng với xuất khẩu: hải sản đông lạnh, mực khô, yến sào, kỳ nam, trầm hương, gỗ và hàng mây tre lá. Lịch sử đảng bộ tỉnh ghi lại năm 1988, kim ngạch xuất khẩu Phú Khánh đạt 13,5 triệu rúp, là một tỉnh xuất khẩu khá của cả nước.
Giai đoạn 1980-1989, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp phát triển mạnh, cơ sở vật chất của các hợp tác xã như trụ sở, nhà kho, sân phơi, trạm, trại... đã tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn.
Phú Khánh có những hợp tác xã điển hình trong cả nước như Diên An (Diên Khánh), Ninh Quang (Ninh Hòa), Hòa Bình (huyện Tuy Hòa), Hòa Quang (thị xã Tuy Hòa)...
Về công nghiệp có Nhà máy Dệt, Nhà máy cơ khí và đại tu ôtô Phú Khánh, Nhà máy đường Diên Khánh, Nhà máy chế biến thực phẩm Suối Dầu, Nhà máy xay Ninh Đa, Nhà máy xi măng Hòn Khói...
Tuy nhiên, sự phát triển sản xuất công nghiệp của các vùng trong tỉnh không đồng đều do thiếu điện. Ông Phan Thanh Bình, nguyên cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Phú Khánh, nhớ lại:
"Thời đó thiếu điện kinh khủng, Bắc Phú Khánh nằm ngoài hai lưới điện quốc gia, đầu nào cũng với chưa tới, thủy điện Đa Nhim chỉ ra đến Ninh Hòa, thủy điện Hòa Bình chỉ vào đến Quy Nhơn.
Thị xã Tuy Hòa quay quắt trong cảnh "đèn dầu nước giếng", chỉ có điện diesel phát vài tiếng mỗi đêm, mà cũng đêm có đêm không. Trong 119 công trình của 14 năm tỉnh Phú Khánh, trên địa bàn Bắc Phú Khánh chỉ có 6 công trình dang dở.
Vì thiếu điện nên cả vùng Bắc Phú Khánh không có một cơ sở công nghiệp nào đáng kể, bởi luận chứng kinh tế của bất cứ cơ sở công nghiệp nào cũng tính đến yếu tố đầu tiên là điện năng".

Đội bóng Phú Khánh từng nổi tiếng "vua trụ hạng" - Ảnh tư liệu
"Nẫu lo phần nẫu, mình lo phần mình"
Không chỉ thiếu điện mà thiếu cả đường (giao thông) - trường (trường học) - trạm (trạm y tế). Đặc biệt là giao thông rất khó khăn, nhất là các huyện xa ở phía Bắc đi lên tỉnh có khi vào tỉnh phải mất 2-3 ngày đường.
Nhà báo Lương Kiên Định, nguyên là phóng viên thường trú Bắc Phú Khánh (sau này là tổng biên tập báo Khánh Hòa), kể:
"Mỗi lần đi cơ sở, chúng tôi phải dậy từ 4h sáng để ra bến xe thị xã Tuy Hòa xếp hàng mua vé xe đi huyện (mặc dù có thẻ nhà báo được ưu tiên mua vé thời đó nhưng vì mỗi ngày chỉ có 1-2 chuyến xe đi huyện nên nếu không ra sớm là hết vé).
Về huyện có khi chúng tôi phải nằm lại cả tuần để đi về xã, lấy tư liệu và viết bài. Ngày đó phương tiện liên lạc thật khó khăn. Viết bài xong chúng tôi phải ra bưu điện hoặc bến xe gửi bài về tòa soạn tại Nha Trang".
Đó là chuyện của cán bộ, còn với người dân có việc phải đi khám chữa bệnh, lo chuyện con cái học hành, mỗi lần vào tỉnh còn khó khăn hơn nhiều.
Cái câu "Tỉnh dài, huyện rộng, xã to - Tỉnh lo phần tỉnh, dân lo phần mình" được biết ở nhiều nơi, riêng ở vùng Bắc Phú Khánh khi đó, được đọc với dị bản là: "Tỉnh dài, huyện rộng, xã to - Nẫu lo phần nẫu, mình lo phần mình".
Vì tỉnh lớn so với điều kiện quản lý và hoạch định phát triển thời ấy, theo lời kể của một số vị nguyên lãnh đạo tỉnh, đến đầu năm 1989 Hội nghị Tỉnh ủy Phú Khánh lần thứ 13 (khóa IV), đã nhìn thẳng vào sự thật, nêu vấn đề chia tỉnh là một yêu cầu khách quan, phù hợp với khả năng của cán bộ và điều kiện tự nhiên nên đã kiến nghị trung ương cho chia tỉnh.
Đó cũng là kiến nghị của nhiều tỉnh lúc bấy giờ nên trung ương đã lấy Phú Khánh và Nghĩa Bình làm thí điểm để chia lại tỉnh.
Ngày 1-7-1989, Phú Khánh được chia lại thành Phú Yên và Khánh Hòa như trước. Sau khi chia tỉnh, cả hai đều có bước phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay theo tình hình phát triển mới, đề án sáp nhập các tỉnh thành, Phú Yên sẽ nhập với Đắk Lắk nhằm mở ra một hành lang kinh tế Đông - Tây mới và Khánh Hòa sẽ nhập với Ninh Thuận kỳ vọng tạo nên một trung tâm kinh tế biển của Việt Nam.
"Vua trụ hạng" một thời
Phú Khánh có Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng một thời vang danh trong cả nước với các giọng ca: Anh Đào, Ngọc Thúy, Ánh Tuyết... với những ca khúc nổi tiếng Gần lắm Trường Sa (Hình Phước Long), Mưa ngâu, Phố biển (Thanh Tùng)...
Còn với dân ghiền bóng đá, nhắc đến Phú Khánh là nhắc đến "vua trụ hạng". Đội Công Nhân Phú Khánh không thuộc loại "làm mưa làm gió" ở Giải vô địch bóng đá A1 toàn quốc, mà luôn làm người ta hồi hộp vì nhiều mùa liên tiếp đi chung kết... ngược và luôn trụ hạng thành công.
-----------------------------------
Trang nhất số báo cuối tuần báo Đà Nẵng gần đây có dòng tít làm nhiều người rưng rưng: "Đất Quảng quê mình" như lời nhắn nhủ anh em chuẩn bị hành trang cho ngày trở về sau thời gian dài chia xa.
Kỳ tới: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận