Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 4: 'Miền đất hứa' giữa hai bờ Cửu Long

Tỉnh Cửu Long rộng lớn nằm giữa sông Tiền và sông Hậu một thời được những người tâm huyết với vùng đất gọi là 'miền đất hứa'.

cửu long - Ảnh 1.

Cánh đồng điện gió ven biển Trà Vinh - Ảnh: VÕ TRƯỜNG AN

Một thời còn phải chạy gạo ăn

Sau vài lần hẹn, ông Chín Nhỏ (Bùi Quang Huy, nguyên bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, nguyên phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) nói ông vừa rút ngắn cuộc họp chi bộ với nội dung rất thời sự là việc điều chỉnh địa giới hành chính.

"Điều kiện bây giờ ngon lành rồi, chứ ngày trước tui về đây bộn bề đủ thứ. Trà Vinh lúc mới tái lập tỉnh nghèo nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bây giờ chúng ta đã làm được mới, giữ được cũ...".

Ông Chín Nhỏ nổi tiếng ở các tỉnh ĐBSCL với phong cách lãnh đạo giản dị, gần gũi nhưng sâu sắc, "thu phục nhân tâm". Người có tầm nhìn dài hạn với những quyết sách mà cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó có câu chuyện xây dựng tỉnh Cửu Long, sau là tỉnh Trà Vinh khi được tách ra...

Tháng 2-1976, vùng đất nằm giữa hai dòng sông lớn nhất vùng ĐBSCL đổ ra biển được hợp nhất. Hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long nhập thành tỉnh lớn, với tên gọi Vĩnh Trà. Hơn năm tháng sau, tên gọi Vĩnh Trà được đổi thành tỉnh Cửu Long.

So với những tỉnh lớn vừa được sáp nhập thời đó như Hậu Giang, Minh Hải... thì Cửu Long được coi là có địa thế thuận lợi khi nguồn nước từ hai con sông lớn đầy phù sa kéo về ôm trọn chiều dài tỉnh ra tới biển.

Nhắc đến tỉnh Cửu Long, ông Chín Nhỏ nhớ lại: tỉnh Cửu Long khi mới thành lập có 1,3 triệu dân... Tỉnh có hình dáng chữ nhật, rộng trên 30km, dài trên 110km. Diện tích đất nông nghiệp chủ yếu làm một vụ lúa mùa năng suất thấp, đất vườn cây ăn trái cặp sông rạch. Ven biển có trên 40.000ha đất rừng ngập mặn, gồm có cây dừa nước, mắm, giá, đước, cóc...

"Tỉnh Cửu Long thành lập, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý xã hội cơ bản vẫn là đội ngũ cán bộ hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long sáp nhập lại.

Đây là đội ngũ cán bộ được thử thách trong chiến tranh, tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, chịu đựng khó khăn, ác liệt... có thừa nhưng trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật kém, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới..." - trích hồi ký "Bùi Quang Huy - Còn lại với thời gian".

Khi đó chủ trương cải tạo nông nghiệp và công thương nghiệp với nghị quyết của Tỉnh ủy Cửu Long đề ra "đến năm 1980 phải hoàn thành cải tạo nông nghiệp bằng các hình thức tập đoàn sản xuất, hợp tác xã và nông trường quốc doanh".

Ông Bùi Quang Huy nhớ lại trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh phát động hàng chục ngàn thanh niên (mỗi đợt thanh niên trong toàn tỉnh đi lao động thủ công trong mười ngày và luân phiên kéo dài hàng sáu tháng) tham gia đào kênh thủy lợi lớn như kênh Trà Ngoa dài hàng chục cây số để dẫn nước ngọt từ sông Măng Thít đi ngang qua các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú.

Đặc biệt là vùng đất có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Tiểu Cần, Trà Cú từ bao đời chỉ dựa vào nước mưa, làm một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp. Lần đầu tiên có nước ngọt về phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đồng bào rất phấn khởi. Ngoài kênh Trà Ngoa còn có kênh đào 19-5, 3-2... dẫn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu về vùng ruột của tỉnh.

Khi những kế hoạch dài hơi để phát triển vùng đất Cửu Long vẫn đang tiếp tục thì có những thay đổi khi lại tách Cửu Long để tái lập hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long được triển khai.

Trước tháng 5-1992, ngày Trà Vinh chính thức được tái lập, các cán bộ tỉnh Cửu Long cũ nói rằng nhiều địa phương ở Trà Vinh thời đó cứ tới mùa giáp hạt (tháng 6 tháng 7) là phải chở lương thực từ Vĩnh Long và vận động những nơi khác. Thậm chí, có nơi người dân phải... "bán máu để nuôi thân".

Đó là Trà Vinh ngày trước. Một nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh Cửu Long nói Trà Vinh nghèo như vậy nhưng nhiều cán bộ quê Trà Vinh vẫn mong muốn được tách ra khỏi Vĩnh Long để có điều kiện tập trung phát triển.

Có thể làm một so sánh khi tỉnh Bạc Liêu tách khỏi Cà Mau từ tỉnh Minh Hải, ngân sách được thu trên địa bàn tỉnh năm đó là 145 tỉ, với tỉ lệ hộ nghèo gần 30%.

Còn Trà Vinh tách ra khỏi Vĩnh Long từ tỉnh Cửu Long, ngân sách thực thu năm ấy là 40 tỉ đồng, với gần nửa dân số sống dưới mức nghèo khó được quy định vào thời điểm đó.

cửu long - Ảnh 2.

Biển Trà Vinh - Ảnh: PHAN MINH

"Làm bí thư tỉnh ủy hồi đó khó lắm"

"Thời điểm tách ra từ Cửu Long, bối cảnh đất nước mới bắt đầu đổi mới, còn nặng bao cấp. Khi tách ra, gần 2.000 cán bộ về Trà Vinh làm việc đều không có chỗ ở. Bí thư Tỉnh ủy còn phải ở lại phòng làm việc.

Ngày làm việc bên ngoài, bên trong để ghế bố ngủ vậy thôi. Anh em gia đình còn ở Vĩnh Long thứ bảy, chủ nhật phải về trên kia. Phải mất mấy năm anh em mới ổn định được chỗ ở", ông Bùi Quang Huy chia sẻ.

Ngay cả Tỉnh ủy cũng phải mượn trụ sở cũ của Sở Thủy sản làm nơi làm việc. Còn các cơ quan trưng dụng các trụ sở cũ. Chứ tỉnh nghèo quá không có tiền xây trụ sở làm việc.

"Chúng tôi xác định trước hết là ổn định dân tình. Tiếp đó tập trung phát triển kinh tế. Lúc đó mình đã có chương trình ngọt hóa sông Măng Thít, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đó là công trình thủy lợi quan trọng, có hiệu quả tích cực kinh tế Trà Vinh cho đến bây giờ. Đó là hệ thống đê bao theo bờ sông Tiền, sông Hậu kéo dài ra đến biển. 

Phía đông làm thủy lợi khép kín hết toàn bộ Trà Vinh, kéo dài đến Vũng Liêm, Trà Ôn của Vĩnh Long. Mà làm thủy lợi gắn liền với giao thông. Khi mới tách tỉnh cả Trà Vinh chỉ có... 20 cây số đường nhựa từ Càng Long về trung tâm tỉnh lỵ. Còn lại là đường đất...", ông Chín Nhỏ nhớ lại.

"Làm bí thư Tỉnh ủy hồi đó khó lắm. Nhiều vụ việc căng thẳng mình phải xử lý. Có vụ nóng như dân phá đập Chà Và, phải nhờ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo. Lúc đó không phải quyết sách nào cũng được sự đồng thuận cao trong Thường vụ Tỉnh ủy. Có nhiều chuyện cũng gay cấn dữ lắm", ông Chín Nhỏ kể thêm.

Nhờ có những quyết sách hợp lý trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi nên nạn xâm nhập mặn ở ĐBSCL tuy diễn ra gay gắt nhưng Trà Vinh tuy là tỉnh giáp biển mà vùng quy hoạch hệ sinh thái ngọt đến nay vẫn ổn.

Thủy lợi xong đến câu chuyện giao thông. Hồi đó Trà Vinh có mạng lưới giao thông kém nhất so với Vĩnh Long và Bến Tre, hai tỉnh lân cận. Chính vì vậy mà Trà Vinh phải kỳ quyết làm đường và làm sớm. Trong một thời gian, Trà Vinh đã vượt lên về hệ thống lộ nông thôn theo phương châm dưới hệ thống thủy lợi, trên là đường giao thông.

Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, vấn đề nổi cộm của Trà Vinh thời điểm mới tách ra khỏi Cửu Long là vấn đề người nghèo. Lúc cao nhất gần nửa dân số trong tỉnh sống ở mức nghèo khó.

Ông Bùi Quang Huy nhớ thậm chí có những gia đình thương binh, liệt sĩ... phải cầm cố thẻ thương binh, liệt sĩ. Tỉnh phải làm một chuyện vô tiền khoáng hậu là đi vận động tiền để... chuộc giấy tờ cho bà con. Chính sách "nhường cơm sẻ áo", người có đất nhiều cho người không đất mượn để canh tác...

Hai đơn vị "tạm gọi là công nghiệp" đầu tiên là Công ty Dược và Công ty Xổ số. Bây giờ thì tình hình đã hoàn toàn khác. Trà Vinh nổi lên với nhiều dự án năng lượng trọng điểm, là tỉnh có nền kinh tế biển được phát huy hiệu quả và kinh tế nông nghiệp được khai thác bền vững...

Năm 2024, Trà Vinh nằm trong top 3 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực ĐBSCL, chính thức vượt qua nhiều tỉnh lớn có những khởi đầu tốt trong khu vực.

Đó là hành trang để tỉnh tái nhập với "người anh em" Vĩnh Long, Bến Tre. Sau những năm tháng "ra riêng", tỉnh nghèo Trà Vinh ngày trước giờ "có của ăn của để" khi trở về chung với anh em tỉnh bên.

--------------------------------

"Cái tên sao khéo đậm đà - Phú là giàu có, Khánh là mừng vui", hai câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng - Trường Chinh khi ông là chủ tịch Hội đồng Nhà nước về thăm Phú Khánh, đã nhắc nhớ nhiều người về vẻ giàu đẹp một thời của tỉnh này.

Kỳ tới: "Phú là giàu có, Khánh là mừng vui"

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 4: "Miền đất hứa" giữa hai bờ Cửu Long - Ảnh 3.Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 3: Ai về phương Nam, ghé thăm tỉnh Cửu Long

Một thời, tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh là một với tên gọi tỉnh Vĩnh Trà, sau đó đổi tên thành tỉnh Cửu Long. Hơn 15 năm "chung nhà", hai tỉnh lại tách ra để "tập trung phát triển quê hương với những thế mạnh riêng".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên