
Cầu Sông Ông Đốc là một trong nhiều công trình giúp Cà Mau thoát ngăn cách bởi sông nước - Ảnh: QUỐC MINH
Tập trung cho nông thôn
Năm 1976, tỉnh Minh Hải được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau, ban đầu lấy tỉnh lỵ là Cà Mau. Nhà sử học Hữu Thành kể có lần ông Đỗ Mười về thăm Minh Hải ngay mùa nước lên.
Trụ sở tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ngập lênh láng. Ông Đỗ Mười nói Cà Mau là vùng thấp so với mực nước biển, nếu làm tỉnh lỵ ở đây thì có điểm bất tiện.
Từ ý kiến đó, tỉnh lỵ Minh Hải được dời về thị xã Bạc Liêu, đổi tên thành thị xã Minh Hải. Đến năm 1984, tỉnh lỵ lại được dời về Cà Mau, nơi được đánh giá có quy mô đô thị lớn hơn, có địa thế trung tâm tỉnh.
Tỉnh cuối cùng cực nam Tổ quốc tuy được đánh giá "rừng vàng biển bạc" nhưng kỳ thực có nhiều khó khăn. Lộ làng về nông thôn gần như không có. Phía tây bắc là rừng U Minh hạ và vùng nê địa với những cánh đồng bạt ngàn.
Nghe qua cái tên Đồng chó ngáp, người ta sẽ dễ liên tưởng cảnh khó khăn của vùng đất phèn ngập này.
Trong khi đó phía đông nam tỉnh là rừng ngập mặn bạt ngàn, nơi người ta rủ nhau đến "khai hoang" lấy đất nuôi tôm. Kinh tế Minh Hải dần "nới" hơn khi con tôm từ vùng ngập mặn thu về nhiều kim ngạch cho tỉnh. Đó cũng là thời gian nguồn lực kinh tế tập trung về xây dựng nông thôn...
Tinh thần tập trung cho nông thôn, ưu tiên lo đời sống dân nghèo tiếp tục được lãnh đạo Bạc Liêu phát huy khi tỉnh sau thời gian nhập lại được tách ra khỏi Cà Mau từ 1-1-1997.
Ông Trương Minh Chiến, nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, chia sẻ: "Năm 1997 hầu hết các xã trong tỉnh đều nằm trong tình trạng bị cô lập, tách biệt.
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh có chủ trương tập trung nguồn lực cho nông thôn, vừa vực dậy tiềm năng địa phương cũng là để đền ơn đáp nghĩa vùng đất đã chở che cách mạng những năm chiến tranh gian khó.
Ông Nguyễn Trường Giang, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, có cùng nhìn nhận về Bạc Liêu thời điểm đó: cơ sở hạ tầng cũ, xuống cấp nhưng không có tiền để nâng cấp, sửa chữa. Giao thông thì chia cách. Điện không có, thủy lợi cũng không.
"Chúng tôi đứng nhìn tiềm năng mà đau lòng vì suất đầu tư của tỉnh trung ương hồi đó đưa về chỉ bao nhiêu đó thôi...".
Ông Trường Giang chia sẻ thêm: "Thời gian đó tôi làm bí thư thị xã Bạc Liêu. Đường ra ngoài Nhà Mát không đi được. Khu vực phía trong xuống cấp không có tiền làm.
Ông Trần Bạch Đằng về đây tôi chở đi một vòng, ông nói: "Trường Giang ơi, thị xã mày bây giờ thành thị trấn rồi mày ơi!".
Thời điểm đó thông tin cấp trên hạn chế bàn tán về vấn đề chia tách tỉnh. Bởi lúc đó không có ngân sách để xây dựng tỉnh mới. "Đồng chí Hai Lợi, chủ tịch thị xã, xuống phường 7 họp cán bộ hưu trí, sơ hở bàn về việc chia tách tỉnh.
Mấy ngày sau đồng chí Tám Thanh mời tôi và đồng chí Hai Lợi lên nhắc nhở, kiểm điểm...", ông Trường Giang chia sẻ và kể tiếp đến khi việc chia tách tỉnh được chính thức thực hiện, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự, xe đưa đoàn về trụ sở ủy ban tỉnh không được do người dân kéo ra đường chào đón ông và ăn mừng tỉnh được tái lập. Cố Thủ tướng phải xuống xe đi bộ để chào bà con.

Bạc Liêu - tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL phát triển điện gió ven biển - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
Xóm nhà lầu ở Đồng chó ngáp
Ông Trương Công Đặng, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cũng không quên năm 1997 khi tỉnh Bạc Liêu tái lập, ông được phân công làm trưởng Ban tổ chức, thường trực Tỉnh ủy.
Ông nhớ ngân sách tỉnh Bạc Liêu thu trong năm đó chỉ 145 tỉ đồng. Nhưng đến cuối năm cơn bão Linda đã gây thiệt hại cho tỉnh gần 500 tỉ. Mấy chục ngàn căn nhà sập, ghe bị chìm, người chết... khó khăn chồng chất khó khăn.
Tỉnh ủy họp bàn đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy ngân sách tập trung xây dựng hạ tầng cho nông thôn như đường sá, trường học, thủy lợi, trạm y tế... chứ chưa xây dựng trụ sở.
Nơi làm việc tận dụng cơ quan cũ của tỉnh, sửa sang lại mà làm việc. Không xây dựng cơ quan, trụ sở. Bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc tập trung xây dựng nông thôn, nâng đời sống cho người dân.
Ồng Đặng nhớ do có chủ trương chưa xây dựng trụ sở làm việc nên nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ tỉnh Bạc Liêu từ Cà Mau chuyển về được "trưng dụng" nhà cửa có sẵn. Thường trực Tỉnh ủy trưng dụng nhà của "tư sản lương thực" để lại để làm trụ sở làm việc.

Chính sách tập trung cho nông thôn của Bạc Liêu, Cà Mau đã làm thay đổi nhiều vùng nê địa khó khăn một thời - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
UBND tỉnh làm việc tại trụ sở UBND TP. Mãi đến năm 2005, tỉnh ủy Bạc Liêu mới khởi công xây dựng. Đến tám năm sau đó, Bạc Liêu mới có được khu hành chính như hôm nay.
"Lúc đó không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu cán bộ. Anh em chia nhau cáng đáng công việc trên tinh thần đoàn kết, cống hiến, xây dựng quê hương...", ông Đặng nói.
Nhắc một thời chưa quên, ông Nguyễn Minh Chánh - nguyên tổng biên tập báo Bạc Liêu - nhớ lại lúc mới tách tỉnh, anh em làm báo Bạc Liêu có khái niệm "ăn một mâm, ngủ chung phòng".
16 cán bộ, phóng viên từ Cà Mau chuyển về công tác tại báo Bạc Liêu cùng ăn, cùng ngủ chung một căn phòng được "trưng dụng".
Ông Chánh kể: "Lúc đó lãnh đạo tỉnh động viên anh em cán bộ gắng chịu cực chịu khổ. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là chưa xây dựng thị xã, mà toàn lực tập trung xây dựng nông thôn, những vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng... vừa tạo động lực để phát triển vừa đền ơn đáp nghĩa".
Lúc mới tái lập tỉnh, ngân sách tập trung cho sáu mục tiêu phát triển nông thôn. Trong đó ưu tiên hàng đầu là điện, đường...
Có thời gian chuyện làm lộ về nông thôn tỉnh Bạc Liêu "nóng" đên mức báo chí ví von "cả Bạc Liêu là một công trường". Với tinh thần đó, trong một thời gian Bạc Liêu đã "phủ đường" về đến trung tâm huyện, xã, ấp...
"Tôi còn nhớ anh Út Đen (nguyên bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Văn Út), anh Năm Hưng (nguyên bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhiệm kỳ kế tiếp) rất trăn trở làm gì để vùng phía bắc phát triển được".
Trong lúc đó hệ thống kênh mương không có, đường sá không có. Cái vùng ta gọi là "Đồng chó ngáp" nó mênh mông nhưng bị ách tắc. Nước ngọt không tới.
Nước mặn tràn về. Phèn thì không xổ được. Cho nên quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội thì phải mời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Bạc Liêu để xác định lại. Và sau đó chúng tôi mời thêm các viện như Viện Nước, Viện Lúa, Viện Cá, Đại học Cần Thơ, Đại học Nông lâm... Các anh Võ Tòng Xuân, Tô Quốc Tường ở Đại học Cần Thơ, Đại học Nông lâm đã giúp vùng bắc Bạc Liêu rất nhiều", ông Trường Giang nhớ mãi.
Từ những chương trình bền vững như lúa - tôm, lúa - cá, lúa chất lượng cao... vùng đất một thời có tên là "Đồng chó ngáp" nổi lên những "xóm nhà lầu", các "làng tỉ phú"... Những nông dân chạy gạo từng bữa ngày nào đã biết tới sổ tiết kiệm ngân hàng.
Trăn trở phát triển kinh tế nhưng Bạc Liêu là địa phương được biết đến với những quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
Một thời Bạc Liêu cũng tạo ra tranh luận với slogan "Bạc Liêu đi lên từ văn hóa", hay "dám" thiếu nợ để tập trung xây dựng nông thôn mới cho đến chuyện từ chối dự án tỉ đô để bảo vệ môi trường...
Một cán bộ lão thành nhận xét về hướng phát triển của Bạc Liêu: Đền ơn đáp nghĩa với nhân dân không chỉ tạo cho bà con đời sống kinh tế mà còn giữ được môi trường sống, đời sống văn hóa bản sắc không chỉ riêng Bạc Liêu, Cà Mau mà là bản sắc của Minh Hải thời nhập tỉnh.
---------------------------
Một thời tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh là một, với tên gọi Vĩnh Trà sau đó được đổi tên Cửu Long. Hơn 15 năm "chung nhà", hai tỉnh lại được tách ra để "tập trung phát triển quê hương với những thế mạnh riêng".
Kỳ tới: Ai xuôi về phương Nam, ghé thăm tỉnh Cửu Long
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận