
Dự án khu bến tổng hợp Định An có vốn đầu tư trên 4.452 tỉ đồng, vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, hàng container,… được kỳ vọng trở thành trung tâm đầu mối vận chuyển hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những siêu dự án sẵn có và sẽ có khu lấn biển
Trà Vinh là một trong bốn tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long) nằm trong tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long, có đặc điểm kinh tế - xã hội gần tương đồng với các tỉnh khác trong khu vực.
Tỉnh Trà Vinh sở hữu đường bờ biển dài tương đương tỉnh Bến Tre với 65km, là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hai cửa sông (Định An và Cung Hầu).
Hiện nay, vùng giáp biển của tỉnh Trà Vinh đã có sẵn hệ thống cảng biển (cảng biển Trung tâm điện lực Duyên Hải, khu bến tổng hợp Định An, cảng Trà Cú) và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, là tuyến hàng hải quan trọng của vùng thông thương ra Biển Đông với cả nước và quốc tế.
Vùng biển của tỉnh Trà Vinh có diện tích 6.704km2, có lợi thế phát triển kinh tế biển, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để hướng ra biển, phát triển kinh tế bền vững.
Tại đề án phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, tỉnh Trà Vinh đã xác định mục tiêu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.
Mục tiêu này cũng được thể hiện trong quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó đến năm 2030 Trà Vinh phấn đấu có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó sẽ ưu tiên phát triển ba nhóm ngành: công nghiệp biển và ven biển; khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch biển.
Còn với đường bờ biển kéo dài 65km qua tỉnh Bến Tre, địa phương này cũng đang có tham vọng lớn với dự án lấn biển khoảng 50.000ha để đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, năng lượng, cảng biển, logistics nhằm phát triển thương mại dịch vụ, du lịch và đô thị ven biển.
Ông Dương Văn Phúc, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre - cho biết trong tổng số diện tích 50.000ha lấn biển, khu vực lấn biển tại huyện Bình Đại lớn nhất với khoảng 21.000ha, huyện Thạnh Phú khoảng 15.000ha và huyện Ba Tri khoảng 14.000ha.
Những dự án giao thông nào kết nối các tỉnh, thành ven biển?
Đầu tháng 10-2024, tỉnh Bến Tre khởi công dự án cầu Ba Lai 8. Đây là một trong bốn dự án thành phần thuộc dự án đường bộ ven biển nối các tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh.
Chiều dài toàn tuyến (cả cầu và đường) có tổng chiều dài 52,5km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 18.300 tỉ đồng.
Song song đó, Sở Giao thông công chánh TP.HCM cũng đang phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư tuyến đường ven biển phía Nam, kết nối chín địa phương từ Tiền Giang qua huyện Cần Giờ đến Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Dự án này được đề xuất nghiên cứu đầu tư với chiều dài khoảng 941km, tổng vốn đầu tư từ 31.000 - 62.000 tỉ đồng. Cụ thể, tuyến đường ven biển nối TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long qua chín tỉnh, thành gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuyến đường sẽ có tổng chiều dài 941km. Điểm đầu của tuyến đường ven biển là TP.HCM, bắt đầu từ khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Điểm cuối của tuyến đường nằm ở Kiên Giang, cụ thể là khu vực Hà Tiên, tiếp giáp với Campuchia. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án ước tính từ 31.000 đến 62.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận