
Dự án đường sắt tốc độ cao này sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa hướng trung tâm TP.HCM (quận 7) và Cần Giờ và mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái, kinh tế biển và bất động sản cho khu vực vốn chỉ có tuyến huyết mạch - Rừng Sác
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dọc theo hướng tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao (từ quận 7 đến Cần Giờ) là một bức tranh đan xen giữa đô thị hóa và thiên nhiên hoang sơ. Từ điểm đầu trên trục đường Nguyễn Văn Linh, khu Nam Sài Gòn hiện lên với những tòa cao ốc, khu dân cư hiện đại, trung tâm thương mại sầm uất.
Tuy nhiên, chỉ vài cây số sau, cảnh quan dần chuyển sang những khoảng xanh của khu vực Nhà Bè - nơi vẫn còn nhiều khu đất trống, ao hồ, xen kẽ các khu dân cư.
Tiếp tục xuôi về phía Nam, vào huyện Cần Giờ, khu vực được ví như "lá phổi xanh" của TP.HCM, tại đây, đường Rừng Sác là tuyến hiện hữu duy nhất nối hướng trung tâm TP.HCM với Cần Giờ uốn lượn qua những cánh rừng đước ngập mặn bạt ngàn.
Cảnh vật hai bên đường là những hàng đước, sú xanh um tùm, thi thoảng là mái nhà tôn đơn sơ, tàu ghe nhỏ neo đậu cạnh mép nước.
Đến gần khu đất 39ha nơi dự kiến đặt điểm cuối tuyến metro, không gian mở rộng ra với tầm nhìn hướng về biển, nơi sẽ hình thành khu đô thị du lịch lấn biển trong tương lai.
Khung cảnh hiện tại còn khá hoang sơ, nhưng chính sự yên bình ấy lại khiến người ta càng thêm háo hức khi nghĩ về tương lai nơi đây sẽ trở thành đô thị biển năng động, được kết nối với TP.HCM bằng chuyến metro hiện đại băng qua rừng ngập mặn.
Xem hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Cần Giờ qua hình ảnh:

Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ bắt đầu từ trục Nguyễn Văn Linh (quận 7), nơi những tòa nhà cao, khu dân cư đông đúc ở cửa ngõ phía Nam TP.HCM. Trong ảnh là khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập, đoạn gần nơi dự kiến xây dựng depot Tân Phú.

Đường tàu tốc độ cao tiếp tục đi theo dải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Linh, đến nút giao với đường Nguyễn Lương Bằng, rẽ trái và đi giữa theo đường Nguyễn Lương Bằng rồi đi thẳng


Vài cây số sau đó, tuyến đường sắt sẽ chạy về hướng Rạch Đĩa sang khu dân cư Hồng Lĩnh - Nhà Bè

Sau đó đi thẳng theo đường số 11 khu TĐC Vạn Phát Hưng - Nhà Bè, băng qua đường Nguyễn Bình hướng về khu vực dự kiến xây dựng cầu Cần Giờ - băng qua những vùng đất còn hoang sơ, lau lách, có nhiều dừa nước, cây đước, sông Soài Rạp

Bao năm nay, đường đến huyện là phà Bình Khánh độc đạo, người dân nơi đây mong mỏi có phương án đi lại khác được xây dựng để thôi cảnh “qua sông lụy phà”

Sau khi vượt sông, tuyến đường sắt đi song song với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

Càng tiến về phía Nam, cảnh quan đô thị nhường chỗ cho những cánh rừng cỏ và ngôi nhà nhỏ len giữa khoảng xanh còn giữ được nét nguyên sơ


Đường Rừng Sác uốn lượn nối Cần Giờ với trung tâm TP.HCM, và trong tương lai, song hành cùng nó sẽ là tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại chạy băng qua rừng đước

Tàu ghe nhỏ xíu, lững lờ bên mép nước, phản ánh nhịp sống mưu sinh của người dân địa phương, những người sẽ trực tiếp chứng kiến sự thay đổi lớn khi tuyến đường sắt đô thị này được triển khai

Khi đến gần khu đất 39ha - nơi dự kiến đặt điểm cuối của tuyến đường sắt (depot ga Cần Giờ), không gian mở ra rộng lớn

Khu đất nằm giữa dự án đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với quy hoạch biến cả khu này thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quy mô quốc tế

Một góc nhìn từ trên cao cho thấy tuyến đường sắt tương lai sẽ là trục xương sống phát triển đô thị dọc hành lang sinh thái khu lấn biển và khu dân cư hiện hữu

Từ nơi chỉ có bùn lầy và cỏ dại, một thành phố biển đang mọc lên và tuyến đường sắt tốc độ cao chính là sợi dây nối kết mạch sống từ trung tâm TP.HCM ra vùng đất mới này

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ khi hoàn thành dự kiến đón 8,9 triệu lượt khách mỗi năm - Phối cảnh: Tập đoàn Vingroup
Rút ngắn thời gian từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ
Theo Tập đoàn Vingroup (doanh nghiệp đề xuất đầu tư), tuyến metro này được thiết kế đi trên cao, tốc độ tối đa 250km/h, có thể chở 30.000 - 40.000 người/giờ mỗi hướng. Điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), điểm cuối tại khu đất 39ha giáp dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Dự án không chỉ rút ngắn thời gian đi lại giữa trung tâm TP.HCM và Cần Giờ chỉ còn 16 phút, mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái, kinh tế biển và bất động sản cho khu vực này.
Theo nghiên cứu sơ bộ, dự án đường sắt nối Cần Giờ do Vingroup đề xuất có mức vốn khoảng 102.370 tỉ đồng (4,09 tỉ USD), đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - loại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).
Vingroup đề xuất sử dụng nguồn vốn của mình và nguồn vốn huy động để đầu tư và dự kiến hoàn thành dự án trong ba năm (từ 2025 - 2028).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận