20/10/2021 08:52 GMT+7

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đẩy nhanh phục hồi kinh tế

N.AN
N.AN

TTO - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được chính thức khai mạc vào ngày 20-10 sẽ thông qua các dự án luật, nghị quyết quan trọng cũng như xem xét, đánh giá nhiều nội dung "nóng".

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đẩy nhanh phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo - Ảnh: TTXVN

Trong đó có hai vấn đề được người dân, cử tri quan tâm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể kết thúc sớm

Ông Vũ Minh Tuấn - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho hay kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung và chia thành hai đợt. Trong trường hợp nếu dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ liền mạch. Từ đó có thể kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng chống dịch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua hai dự án luật, năm dự thảo nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với năm dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 - 2022; công tác phòng chống dịch COVID-19; các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án, các báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân; quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...

Tại buổi họp báo chiều 19-10 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã nhấn mạnh kỳ họp lần này sẽ thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đến nay, các đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi báo cáo tổng hợp với 59 vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm. Trên cơ sở đó lựa chọn những bộ trưởng, trưởng ngành và thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.

Rà soát các văn bản trái quy định

Đặc biệt, liên quan đến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết 30 kỳ họp thứ nhất, đối với nội dung trao quyền cho Chính phủ chống dịch, ông Đặng Thuần Phong - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - cho biết cơ quan đang thẩm tra báo cáo này để trình Quốc hội. Đánh giá chung, ông Phong cho biết Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mang lại hiệu quả. Tuy vậy, việc trao quyền cũng tạo ra hệ lụy do những vấn đề khác luật, không đúng quy định của luật.

"Có quy định chưa phù hợp thực tiễn, ràng buộc quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là việc ra văn bản của nhiều địa phương. Tới đây phải rà soát tổng thể các quy định để xem việc ban hành văn bản có vượt quyền, trái quy định hay không. Sơ bộ cho thấy những văn bản này ban hành ra chủ yếu phục vụ cho phòng chống dịch là chính nhưng lại gây bất lợi cho người dân" - ông Phong nói.

Ngoài ra, theo ông Phong, đến nay Chính phủ cũng chưa rà soát đầy đủ các văn bản về phòng chống dịch, chưa đề xuất sửa đổi kịp thời các quy định liên quan trong các luật, văn bản hướng dẫn trả lời bộ ngành trung ương giải quyết vướng mắc địa phương còn chậm, chưa kịp thời. Từ đó khiến cách hiểu nhiều nơi chưa thống nhất, cách làm khác nhau, có văn bản ban hành còn sai sót nên phải thu hồi. Do đó, ông đề nghị Chính phủ cần sớm có rà soát tổng thể để có các biện pháp, quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường. Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%...

Chính phủ cũng đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Nâng cao năng lực điều trị bệnh

Cho ý kiến tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như Chính phủ trình và đề nghị tập trung một số nội dung như: thực hiện chuyển đổi sang mô hình thích ứng an toàn với dịch bệnh, xây dựng phương án, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung, bảo đảm đủ nguồn cung vắc xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh. Chính phủ cũng cần tiếp tục thực hiện chính sách "kiểm soát chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát" và rà soát dự toán 2022...

Sớm có quyết sách khôi phục kinh tế Sớm có quyết sách khôi phục kinh tế

TTO - Theo ông Trương Văn Phước - thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cần có quyết sách để khôi phục kinh tế, đó là nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 sắp khai mạc.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên