Ai cũng kỳ vọng TP phải sung sức, luôn là đầu tàu của cả nước, sản xuất - kinh doanh phải nhộn nhịp để người dân có cuộc sống sung túc, chất lượng sống cao hơn. Muốn vậy, kinh tế của TP.HCM phải trở lại hương xưa. Nhưng bao giờ?
Phải thừa nhận từ trước dịch, tăng trưởng kinh tế TP đã có xu hướng chậm lại. Cũng phải thôi, một đầu tàu, dù mạnh mẽ nhưng không được chăm sóc, đặc biệt là đầu tư hiện đại hóa, cũng sẽ hụt hơi.
Những ai sống ở đô thị này đều thấy nguyên nhân dẫn đến xuống phong độ, điển hình là nạn quá tải do thiếu đầu tư. Quá tải bệnh viện, hạ tầng giao thông luôn căng thẳng... đẩy chi phí logistics lên cao.
Sân bay Tân Sơn Nhất công suất 30 triệu lượt hành khách/năm nhưng phải phục vụ 45 - 48 triệu lượt hành khách/năm. TP - nơi nhiều người muốn đến sống và làm việc - nhưng chưa được đầu tư tương xứng.
Tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM liên tục giảm, từ 33% chỉ còn 18% (năm 2017) và gần đây nhích lên 21%. Với "thể trạng" như thế, cú "sang chấn" COVID-19 đã bộc lộ ra tất cả. Nhưng đó là chuyện đã qua, phải nhìn lại để bước tới mạnh mẽ hơn.
Những quý qua, TP.HCM đã tận dụng mọi cơ hội để đưa đoàn tàu kinh tế trở lại mạnh mẽ như xưa. Trước hết, đó là thể chế, đặc biệt là nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Mũi nhọn thứ hai là đột phá về hạ tầng.
Hàng loạt dự án về hạ tầng được khởi động, vốn đầu tư công giải ngân năm 2022 là 31.000 tỉ, năm 2023 là 48.000 tỉ và năm 2024 là hơn 79.000 tỉ đồng (10 năm trước chỉ xoay quanh 20.000 tỉ/năm).
Và mũi nhọn thứ ba chính là con người, nguồn nhân lực sẽ tăng về chất, nhân tài sẽ hội tụ về TP khi chế độ đãi ngộ đã linh hoạt hơn nhờ nghị quyết 98...
Muốn trở lại như xưa, trong tình hình mới, đặc biệt là những biến động khắc nghiệt của địa chính trị trên thế giới, của thời tiết luôn trái gió trở trời, phải làm gì đó thật khác biệt. Chúng ta phải biến những thất thường này thành cơ hội để tăng tốc phát triển.
Chẳng hạn, tình hình thay đổi liên tục, không thể "trình, xin" theo quy trình mà phân cấp thật mạnh mẽ để có thể giải quyết ngay vấn đề.
Hay khi vận chuyển hàng hải quốc tế gặp khó ở Biển Đỏ, TP chủ trương chuyển hướng khai thác thêm thị trường xuất khẩu trong khu vực, đẩy mạnh du lịch để tăng xuất khẩu tại chỗ...
Thời tiết thất thường thì phải kiên trì phát triển xanh, mục tiêu NET Zero (cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0), COP28 (khép dần kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch), khai thác thị trường tín chỉ carbon. Tăng tốc thu hút nhân lực chất lượng cao để có được thế tiên phong về trí tuệ nhân tạo...
Nếu xem nỗ lực đưa kinh tế TP "trở lại hương xưa" là một chiến dịch thì phải xem những gì đang triển khai ở TP là một cuộc bài binh bố trận cho trận đánh lớn. Với kinh tế, triển khai chính sách mới, đầu tư hạ tầng... kết quả triển khai không hiện hình ngay mà có độ trễ, có khi sau vài năm.
Vì thế cuộc bài binh bố trận này rất quan trọng, không vội vã, nhưng không có chỗ cho sức ì, cho sợ trách nhiệm mà phải theo tinh thần tấn công, đã đánh phải thắng. Chúng ta đang đi đúng hướng khi tăng trưởng kinh tế quý 1-2024 đã khởi sắc.
Nhìn lại quý 1 để kỳ vọng cao hơn, để tăng tốc triển khai "chiến dịch", để sau vài năm người dân đón nhận thành quả, đó là lúc kinh tế TP đã "trở lại hương xưa", thậm chí phải là hơn xưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận