UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu giao với đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua huyện Củ Chi, TP.HCM. Điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 (tại lý trình km53+850) thuộc huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 51km. Trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM là 24,66km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,317km.
Giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai xây dựng 4 làn xe cao tốc, làn khẩn cấp và đường dân sinh hai bên. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ giải phóng một lần theo quy hoạch 6 làn, tạo thuận lợi cho mở rộng đường trong tương lai. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.617 tỉ đồng.
Dự kiến, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ phân chia thành 4 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư 10.421 tỉ đồng.
Ba dự án thành phần còn lại thực hiện đầu tư công. Trong đó, dự án thành phần 2 xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc khoảng 2.422 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3 sẽ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM khoảng 5.270 tỉ đồng. Dự án thành phần 4 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 1.504 tỉ đồng.
Về mốc tiến độ, lựa chọn nhà đầu tư và giải phóng mặt bằng, triển khai từ năm 2024 đến 2025. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có mốc khởi công vào tháng 4-2025.
Theo UBND TP, khi hoàn thành, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cùng với các dự án giao thông đã và đang triển khai trong khu vực như vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM... sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM - Campuchia.
Tuyến cao tốc cũng sẽ cải thiện năng lực giao thông cho trục đường nối từ TP.HCM đi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông và giảm tải cho quốc lộ 22.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, huy động được tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cần cơ chế giải phóng mặt bằng như vành đai 3 TP.HCM
Công tác giải phóng được mặt bằng là yếu tố tiên quyết để triển khai thành công một dự án giao thông.
Với đường vành đai 3 TP.HCM, Thủ tướng đã cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bãi đổ chất thải rắn trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Nhờ cơ chế này, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường vành đai 3 rất hiệu quả, rút ngắn thời gian so với cách làm thông thường từ 1 - 1,5 năm.
Với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cơ chế áp dụng triển khai thực hiện trước một số công việc cần thiết để đẩy nhanh bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (tương tự cơ chế cho vành đai 3 TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận