Đó là nội dung kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn tại cuộc họp với đại diện các bộ, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tây Ninh về dự án đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Sau khi nghe tư vấn TEDI South báo cáo kết quả nghiên cứu dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, phương án kết nối với đường cao tốc Phnom Penh - Bà Vẹt của Campuchia, kiến nghị của đại diện các địa phương…, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kết luận thống nhất điểm đầu dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giao với đường vành đai 3 TP.HCM và hướng tuyến cơ bản song song với quốc lộ 22 hiện hữu; giai đoạn 1 đầu tư với 4 làn xe cao tốc, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và phương án kết nối với đường cao tốc Phnom Penh - Bà Vẹt (Campuchia), đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh có ý kiến kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu Mộc Bài hiện đã được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa trong khoảng 7-8 năm tới.
Việc kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với cao tốc Phnom Penh - Bà Vẹt tại khu vực chốt Cây Me (gần cột mốc biên giới số 164) như bản ghi nhớ đã ký giữa bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam với bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Campuchia vào năm 2017 sẽ làm tăng kinh phí đầu tư dự án (tăng chiều dài tuyến), ảnh hưởng tới khả năng nghiên cứu đầu tư theo phương thức đầu tư đối tác công - tư ( PPP).
Đồng thời ảnh hưởng các quy hoạch liên quan hiện chưa lập và chưa đề cập, nên sẽ khó khăn cho việc triển khai dự án sớm theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cũng như nhu cầu thực tế.
Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị trước mắt xác định điểm cuối dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài như nghiên cứu, đề xuất của tư vấn TEDI South. Nội dung này đã được chủ tịch UBND TP.HCM và chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị trước đó.
Do vậy Bộ Giao thông vận tải thống nhất giai đoạn 1 nghiên cứu đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối với cửa khẩu Mộc Bài tại km 53+850, quốc lộ 22, cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 5km.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm việc với phía Campuchia để có phương án kết nối hai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bà Vẹt tối ưu.
Bộ đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh sớm có phương án đầu tư mở rộng đường khu vực cửa khẩu Mộc Bài đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, lưu lượng giao thông tăng cao khi đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc ở Việt Nam và Campuchia.
Đề xuất đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hợp đồng BOT
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài do UBND TP.HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, dự án này có chiều dài hơn 50km; điểm đầu giao tỉnh lộ 15 với vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 tại km 53+850 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện theo phương thức PPP - hợp đồng BOT với tổng vốn khoảng 16.729 tỉ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.433 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn dự kiến là 18 năm 1 tháng, thời gian cụ thể sẽ xác định trong tiến trình đàm phán.
Giai đoạn hoàn thiện, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ mở rộng đoạn qua TP.HCM lên 8 làn, đoạn qua tỉnh Tây Ninh mở rộng thành 6 làn xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận