Việc này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cả về kinh tế, an sinh xã hội. Thêm vào đó, trước đây mức sinh thay thế tương đối cao nhưng sau khi áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình khiến tỉ lệ sinh giảm xuống và có tình trạng mức sinh thay thế thấp hơn mức sinh thay thế đạt chuẩn (2,1 con/phụ nữ).
Nhiều khu vực mức sinh thay thế chỉ rơi vào khoảng 1,7 - 1,8 con/phụ nữ, nhất là trong năm 2023. Khi mức sinh thay thế thấp dưới mức đạt chuẩn sẽ dẫn đến tình trạng dân số ngày càng giảm, gây ra nhiều hệ lụy trong bối cảnh mức sinh giảm, dân số giảm và tốc độ già hóa cao.
Do đó, việc thay đổi chính sách dân số nói chung, trong đó có việc đưa ra các quy định mới, nâng cấp pháp lệnh dân số năm 2003 trở thành Luật Dân số là hết sức cần thiết.
Pháp lệnh dân số năm 2003 không trực tiếp quy định mức giới hạn con của các gia đình mà chỉ áp dụng quy mô gia đình ít con và được giải thích trong nghị định của Chính phủ là quy mô ít con có nghĩa từ 1 - 2 con.
Trong xây dựng dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất theo hướng quy định trong luật cũng như các văn bản hướng dẫn sẽ không giới hạn số con.
Đề xuất dỡ bỏ giới hạn về dân số hoàn toàn phù hợp với thực tế bối cảnh dân số hiện nay. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam đã khác, phát triển hơn và là tiền đề vật chất quan trọng để bố mẹ chăm sóc các con tốt hơn.
Cần nói thêm trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh như hiện nay, các quốc gia phát triển không dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các quy định về thuế quan, ưu đãi thương mại mà dựa vào chất lượng nguồn nhân lực.
Các nghiên cứu chỉ rõ nguồn nhân lực chất lượng cao là tài sản quý giá nhất, thế mạnh nhất của các quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập. Việt Nam có lực lượng dân số tương đối đông, đứng thứ 15 trên thế giới.
Đây là nguồn lực hết sức quý báu nhưng đang bị chuyển hướng từ "dân số vàng" sang "dân số bạc" và đến bị già hóa cao.
Nhằm phát huy lợi thế dân số hiện có và chuẩn bị cho tương lai thì việc có các chính sách khuyến sinh giúp tăng cường mức sinh ít nhất bằng mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ hoặc cao hơn) để có lực lượng nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Bên cạnh chính sách khuyến sinh cũng cần có giải pháp đồng bộ để không chỉ đạt về số lượng mà đạt cả về chất lượng của dân số. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất.
Cùng với đó phải có những chính sách mang tính tổng thể, chiến lược để hỗ trợ các gia đình thuận lợi sinh con, nuôi dưỡng.
Thực tế hiện nay ở các thành phố lớn khi sinh con, các gia đình phải lo lắng rất nhiều vấn đề. Từ việc mang thai, sinh con, cho con đi học, chăm sóc sức khỏe...
Do vậy, làm sao phải có chính sách hỗ trợ để việc sinh con, chăm sóc con cái không còn là gánh nặng đối với các gia đình, nhất là các gia đình khó khăn. Khi cải thiện được những vấn đề này sẽ giúp người dân an tâm để sinh con, chăm sóc con cái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận